Đẩy mạnh hoàn thiện cơ chế, chính sách về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo

Hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển mạnh

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), thời gian qua, hệ sinh thái đổi mới mới sáng tạo tiếp tục phát triển mạnh mẽ; hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Đến nay, có khoảng hơn 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam, chủ yếu tập trung ở hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Một số ngành đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có thể kể đến như ngành công nghệ giáo dục, công nghệ tài chính hay trong các lĩnh vực tương đối truyền thống như bất động sản, du lịch.

Cả nước hiện có 69 cơ sở ươm tạo, 186 khu làm việc chung, 28 tổ chức thúc đẩy kinh doanh, khoảng 138 trường đại học, học viện, cao đẳng tổ chức những hoạt động về khởi nghiệp sáng tạo, trong đó có 43 trường đã thành lập vườn ươm, trung tâm, câu lạc bộ nhằm hỗ trợ khởi nghiệp lâu dài. Bên cạnh đó, thị trường khoa học và công nghệ tiếp tục được thúc đẩy phát triển và từng bước phát huy vai trò cầu nối, gắn kết hoạt động KH&CN với sản xuất, kinh doanh.

Ngày 13/7/2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký Quyết định số 1158/QĐ-TTg ban hành Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ quốc gia đến năm 2030 với mục tiêu đến năm 2030, giá trị giao dịch hàng hóa khoa học và công nghệ hàng năm tăng bình quân 30% và trên 35% đối với một số lĩnh vực, ngành hàng xuất khẩu chủ lực.

Tỷ trọng giao dịch tài sản trí tuệ đạt trên 20%, tỷ trọng giao dịch các công nghệ nhập khẩu từ các nước phát triển đạt 35%. Tỷ trọng giao dịch công nghệ từ các viện nghiên cứu, trường đại học Việt Nam đạt trên 40% trong tổng giao dịch công nghệ có nguồn gốc trong nước.

Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030 theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm đổi mới và ứng dụng công nghệ, tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm nhằm nâng cao năng lực KH&CN quốc gia, năng lực hấp thu công nghệ của doanh nghiệp, tạo ra các sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm; hình thành và phát triển các sản phẩm, hàng hóa thương hiệu Việt Nam mới có khả năng cạnh tranh về chất lượng và giá thành.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng thăm gian hàng sản phẩm giáo dục tại Techfest 2019. Ảnh: VNE

 

Bộ cũng cùng các địa phương đẩy mạnh việc xây dựng một số nội dung về KH&CN và đổi mới sáng tạo trong các quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; tháo gỡ kịp thời những vướng mắc về cơ chế chính sách, phát triển tiềm lực KH&CN, các rào cản phát triển đối với doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động xấu đến sự phát triển kinh tế-xã hội.

Đặc biệt, Bộ đã triển khai ký kết và thực hiện các Chương trình phối hợp hoạt động KH&CN nhằm giải quyết, xử lý một số vấn đề mang tính cấp thiết của địa phương như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, bảo tồn gene và nâng cao chuỗi giá trị đối với sản phẩm đặc thù, sản phẩm có lợi thế địa phương; xây dựng mô hình thí điểm ứng dụng tiến bộ KH&CN, khai thác có hiệu quả các lợi thế và điều kiện đặc thù của từng vùng, địa phương.

Đẩy mạnh hoàn thiện cơ chế, chính sách về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, trong những tháng cuối năm 2021, Bộ tiếp tục triển khai Chương trình hành động của Bộ thực hiện Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20/5/2021 của Chính phủ và Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 145/TB-VPCP ngày 3/6/2021; Nghị quyết của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển đất nước 5 năm 2021-2025.

Đồng thời, phối hợp với Văn phòng Chính phủ hoàn thiện hồ sơ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV vào tháng 10/2021.

Bộ KH&CN tiếp tục tập trung thực hiện “mục tiêu kép,” vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế-xã hội trong trạng thái bình thường mới. Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ để đề ra các giải pháp phục vụ phòng, chống dịch COVID-19, trong đó đặc biệt chú trọng đến nghiên cứu, chuyển giao công nghệ phục vụ sản xuất vaccine. Xây dựng và trình Chính phủ phê duyệt Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm quốc gia “Nghiên cứu sản xuất vaccine sử dụng cho người đến năm 2030”.

Đồng thời, đẩy mạnh việc hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách về KH&CN và đổi mới sáng tạo, hoàn thành đúng tiến độ các đề án thuộc Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các văn bản quy phạm pháp luật trong năm 2021 để khơi thông nguồn lực, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ KH&CN và đổi mới sáng tạo.

Ngoài ra, xây dựng, triển khai hiệu quả, có trọng điểm các chương trình KH&CN cấp quốc gia theo định hướng tái cơ cấu các chương trình khoa học và công nghệ quốc gia giai đoạn 2021-2025 trong đó doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm, thực hiện thiết thực, hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội.

Trong những tháng cuối năm 2021, Bộ KH&CN tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường KH&CN, đẩy nhanh thành lập các trung tâm khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, trước mắt tại Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh; tăng cường liên kết các mạng lưới đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, thực hiện tái cấu trúc quy trình, đơn giản hóa thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu triển khai 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, bảo đảm công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho nhà khoa học và doanh nghiệp. Song song đó, chủ động hội nhập và hợp tác quốc tế về KH&CN; tranh thủ trao đổi, tiếp nhận những thành tựu KH&CN thế giới, tận dụng tối đa cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Thời gian qua, lĩnh vực khoa học công nghệ đã tiếp tục có đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của nền kinh tế. Ảnh minh họa

Trước đó, theo báo cáo của Bộ KH&CN, 6 tháng đầu năm 2021, ngành khoa học và công nghệ tiếp tục đồng hành với các ngành, lĩnh vực trong quá trình tái cơ cấu, cải thiện và nâng cao chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế. Không chỉ đóng góp hiệu quả trong công tác phòng chống dịch COVID-19, thời gian qua, nhiều chương trình nghiên cứu cơ bản tiếp tục hỗ trợ các tổ chức KH&CN thực hiện việc nghiên cứu theo chuẩn quốc tế nhằm nâng cao chất lượng và phát triển nguồn nhân lực KH&CN chất lượng cao.

Điển hình như trong lĩnh vực khai thác và chế biến khoảng sản, Bộ KH&CN tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp cơ khí trong việc nghiên cứu, làm chủ công nghệ chế tạo thiết bị, linh kiện thủy lực, cột chống thủy lực sử dụng trong các mỏ hầm lò công suất đến 600.000 tấn/năm mà trước đây chủ yếu phải nhập khẩu từ nước ngoài, giúp doanh nghiệp chủ động nguồn cung sản phẩm, bảo đảm hoạt động sản xuất liên tục của ngành.

Hay trong lĩnh vực chế biến, chế tạo, ngành KH&CN tiếp tục xem xét hỗ trợ triển khai các nhiệm vụ như nghiên cứu, nội địa hóa các hệ thống thiết bị đồng bộ của kho nguyên liệu tổng hợp cho nhà máy xi măng công suất không nhỏ hơn 4.000 tấn clanke/năm; làm chủ công nghệ, thiết kế và chế tạo dây chuyền thiết bị chế tạo tấm PU cách nhiệt phục vụ trong lĩnh vực kho lạnh, giải quyết được khó khăn về chuỗi cung ứng, logistics của lĩnh vực thực thẩm tại Việt Nam; chế tạo, tích hợp hệ thống nhiều robot bay tự hành dùng trong giám sát môi trường, tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ.

Trong lĩnh vực năng lượng, Bộ KH&CN tiếp tục hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp trong nước nghiên cứu làm chủ công nghệ nhằm thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo; hỗ trợ doanh nghiệp trong nước làm chủ công nghệ chế tạo và lắp đặt trạm thủy điện nhỏ sử dụng turbine trong ống có công suất một tổ máy đến 6 MW nhằm khai thác năng lượng nước từ các hồ chứa thủy lợi Việt Nam. Đồng thời, nâng cao năng lực doanh nghiệp trong nước chế tạo như máy biến áp 500kV-3x 300MVA, giúp Việt Nam trở thành một trong số ít quốc gia trên thế giới có khả năng chế tạo các thiết bị điện siêu cao áp.

Đặc biệt, trong lĩnh vực nông nghiệp, với việc ứng dụng công nghệ Blockchain, phân tích dữ liệu lớn (Big data analytics), Internet kết nối vạn vật (Internet of Things), các nhiệm vụ KH&CN đã góp phần phát triển nền nông nghiệp chính xác của Việt Nam. Các công nghệ trên đã được ứng dụng trong quản lý chuỗi sản xuất sản phẩm nông sản của Việt Nam như mật ong, hạt tiêu…; quản lý quá trình nuôi cá tra công nghiệp; xác định các thông số về đất, hỗ trợ xây dựng cơ sở dữ liệu đất phục vụ phát triển nông nghiệp.

Trong lĩnh vực công nghệ cao, các chương trình KH&CN đã xây dựng nền tảng mở nhận dạng tiếng nói tiếng Việt từ vựng lớn; phát triển hệ thống dịch đa ngữ giữa tiếng Việt và một số ngôn ngữ khác; ứng dụng trí tuệ nhân tạo và điện toán đám mây trong nhận dạng, phân tích dữ liệu lớn hình ảnh từ hệ thống camera quan sát nhằm hỗ trợ phát hiện các đối tượng, sự kiện bất thường trong xã hội…

Bên cạnh đó, Bộ KH&CN tiếp tục rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh; thực hiện cải thiện toàn diện công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành và kết nối Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN; tiếp tục triển khai các đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; thực hiện tốt các hoạt động dịch vụ chuyên ngành phục vụ phát triển kinh tế – xã hội; triển khai có hiệu quả các biện pháp giúp doanh nghiệp vượt qua các rào cản kỹ thuật (TBT) của các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết: Hiệp định TBT/WTO, Hiệp định CPTPP, EVFTA và các FTA khác. Tổ chức lễ trao giải thưởng Giải thưởng Chất lượng Quốc gia, Giải thưởng Chất lượng Quốc tế châu Á – Thái Bình Dương 2019-2020.

Ngoài ra, Bộ KH&CN đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng, hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ nhằm đưa sở hữu trí tuệ trở thành công cụ quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội; tăng cường giải quyết thủ tục xác lập quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là thẩm định đơn sáng chế; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương hỗ trợ hiệu quả việc đăng ký, bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của Việt Nam ở nước ngoài, nhất là đối với những hàng hóa tại thị trường tiềm năng.

Điển hình, vải thiều Lục Ngạn đã trở thành sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được chính thức bảo hộ là chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản từ ngày 12/3/2021, tạo tiền đề thuận lợi cho việc thúc đẩy bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các nông sản khác của Việt Nam tại thị trường khó tính này, đồng thời mở ra nhiều cơ hội mới cho việc xuất khẩu, tiêu thụ vải thiều Việt Nam ở các thị trường khác.

Ngoài ra, Bộ KH&CN đã triển khai các giải pháp để tiếp thu và làm chủ các công nghệ cốt lõi của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo; hoàn thiện hành lang pháp lý để sớm triển khai Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch triển khai Chiến lược nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo…

Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định cho biết, trong thời gian tới, Bộ KH&CN sẽ tập trung xây dựng, triển khai hiệu quả, có trọng điểm các chương trình KH&CN cấp quốc gia theo định hướng tái cơ cấu các chương trình KH&CN quốc gia giai đoạn 2021-2025, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm, thực hiện thiết thực, hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội.

Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động chỉ đạo, điều hành và xử lý công việc; tái cấu trúc quy trình, đơn giản hóa thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu triển khai 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, bảo đảm công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho nhà khoa học và doanh nghiệp.

Bộ KH&CN cũng sẽ tích cực, chủ động hội nhập và hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ; tranh thủ trao đổi, tiếp nhận những thành tựu KH&CN của thế giới, tận dụng tối đa cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Phong Lâm

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích