Nghệ An đẩy mạnh công tác phòng, chống bệnh ký sinh trùng

Nghệ An đẩy mạnh công tác phòng, chống bệnh ký sinh trùng

Mới đây, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch số 241/KH-UBND phân vùng dịch tễ bệnh ký sinh trùng thường gặp tại tỉnh Nghệ An giai đoạn 2023 – 2025.

Theo đó, Nghệ An nằm trong vùng nhiệt đới, điều kiện khí hậu, tập quán sinh hoạt của người dân cũng như vệ sinh môi trường hiện nay rất thuận lợi cho sự phát triển và lây nhiễm của các bệnh ký sinh trùng.

Các đối tượng có nguy cơ nhiễm cao là trẻ em mầm non, học sinh và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Một số ngành nghề thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với đất có tỷ lệ nhiễm cao hơn như làm ruộng, trồng rau, hoa màu…

Ký sinh trùng là nguồn lây lan bệnh tật và một vài trong số này có thể gây tử vong cho ký chủ. Ảnh: Internet
Ảnh minh hoạ

Theo kết quả điều tra của Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương vào năm 2020 – 2021 tại một số huyện trên địa bàn tỉnh Nghệ An, thì tỷ lệ nhiễm giun sán đường ruột là 15-20%.

Theo báo cáo kết quả bệnh nhân có triệu chứng đến khám tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An (giai đoạn năm 2018 – 2022), tỷ lệ phát hiện bệnh nhân nhiễm sán lá gan lớn là 18,33%, ấu trùng giun lươn là 13%, bệnh ấu trùng giun đũa chó mèo là 37%.

Bệnh ký sinh trùng thường có diễn biến âm thầm, kéo dài nên ít được quan tâm, chú ý. Trong khi đó, tỷ lệ mắc của một số loại ký sinh trùng trong một số cộng đồng dân cư đặc thù cao, như ở trẻ em, phụ nữ độ tuổi sinh sản, nhóm dân cư vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số.

Điều kiện kinh tế, tập quán vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường trong nhà trường, ở vùng nông thôn còn khó khăn làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm và hạn chế hiệu quả phòng chống.

Nhằm góp phần làm giảm gánh nặng bệnh ký sinh trùng thường gặp tại Nghệ An và nâng cao sức khỏe cộng đồng, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch số 241/KH-UBND.

Cụ thể, UBND tỉnh Nghệ An phân công rõ trách nhiệm cho các sở, ngành, địa phương thực hiện đánh giá mức độ lưu hành của nhóm bệnh ký sinh trùng như bệnh giun truyền qua đất, bệnh giun đường ruột, bệnh sán lá gan truyền qua thức ăn, bệnh ký sinh trùng truyền từ động vật sang người… và xây dựng được bản đồ dịch tễ của bệnh và nhóm bệnh ký sinh trùng.

Từ đó, đề xuất biện pháp can thiệp và xây dựng kế hoạch phòng, chống ký sinh trùng phù hợp cho từng nhóm bệnh, từng vùng dịch tễ; xác định nhu cầu thuốc, vật tư, kinh phí, can thiệp cho các vùng dịch tễ; lập kế hoạch phòng, chống bệnh ký sinh trùng theo vùng dịch tễ của mỗi bệnh ký sinh trùng./.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích