10 điểm du lịch tâm linh độc đáo trên khắp thế giới
Từ núi Sinai ở Ai Cập đến thánh địa Mecca tại Saudi Arabia, đây là những địa điểm tâm linh nhất mà bất kỳ ai cũng có thể đặt chân đến.
Thế giới giống như “một ngôi làng toàn cầu” tuyệt đẹp, nơi mọi người thể hiện những niềm tin tôn giáo khác nhau.
Ngoài những trải nghiệm mới lạ về vùng đất, văn hóa, con người, du lịch tâm linh đem đến trải nghiệm đi vào chiều sâu cảm xúc. Với những ai muốn du lịch để tìm kiếm sự nuôi dưỡng tâm hồn và thỏa mãn về tinh thần, dưới đây là 10 điểm đến đáng ghé thăm.
Núi Sinai (Ai Cập)
Núi Sinai là điểm đến phổ biến với những người hành hương từ khắp nơi trên thế giới. Đây được cho là nơi chứng kiến Moses nhận 10 lời răn như Kinh thánh đã viết.
Saint Catherine là địa điểm quan trọng cho những người sùng đạo. Ảnh: Friends of Mount Sinai Monastery. |
Trải dài dưới chân núi là Tu viện Saint Catherine, nơi hút khách du lịch với những tác phẩm nghệ thuật Byzantine tuyệt đẹp. Địa điểm này cũng được biết đến là tu viện Chính thống Đông phương lâu đời nhất trên toàn thế giới.
Tu viện được xây dựng bởi người Hy Lạp và có một thư viện chứa các bản thảo cổ. Mỗi năm, hàng nghìn người hành hương mộ đạo không quản khó nhọc tìm về với những bức tường cổ hơn 1.000 năm tuổi của tu viện này.
Vatican City (Italy)
Đối với nhiều người theo đạo Cơ đốc, một trong những điều cần làm trong đời là viếng thăm tòa thánh Vatican.
Vatican là một kho báu thiêng liêng thể hiện vẻ đẹp và tâm linh của thế giới. Ảnh: Caleb Miller/Unsplash. |
Với lãnh thổ bao gồm một vùng đất có tường bao kín nằm trong lòng thành phố Rome của Italy, thành Vatican được coi là trung tâm quyền lực của Giáo hội Công giáo. Các địa danh linh thiêng nhất của Vatican là Vương cung thánh đường Thánh Phêrô, nhà nguyện Sistina và bảo tàng Vatican.
Mecca, Saudi Arabia
Ẩn mình trong một thung lũng sa mạc ở phía tây của Saudi Arabia, thánh địa Mecca là một trong những điểm hành hương nổi tiếng nhất thế giới.
Mecca là thánh địa quan trọng nhất của người theo đạo Hồi và là quê hương của nhà tiên tri Muhammad. Ảnh: Imgur. |
Chuyến hành hương tới thánh địa Mecca (lễ Hajj) là điều thứ 5 trong những giáo luật cơ bản nhất của đạo Hồi, hay còn gọi là “5 trụ cột của đạo Hồi” (Five Pillars of Islam). Lễ hành hương Hajj này được coi là sự kiện hợp nhất các tín đồ đạo Hồi từ khắp nơi trên thế giới, dù họ ở đâu, nói ngôn ngữ nào.
Mỗi năm, hàng triệu tín đồ Hồi giáo hành hương về thánh địa Mecca với mong muốn được nhìn thấy Kaaba, công trình kiến trúc hình khối lập phương độc đáo. Kaaba cũng là nơi chứa phiến đá thiêng liêng nhất đối với các tín đồ của tôn giáo này.
Varanasi (Ấn Độ)
Varanasi thuộc bang Uttar Pradesh, được biết đến là trung tâm suốt hàng nghìn năm của Hindu giáo.
Varanasi là một trong những điểm đến lý tưởng cho người tìm kiếm sự phát triển tâm linh. Ảnh: Earth Trekkers. |
Nằm bên dòng sông Hằng huyền thoại, thành phố hiện lên với vẻ đẹp lộng lẫy và thân thiện. Nét đặc trưng nơi đây là cảnh người hành hương rửa tội, cầu nguyện mỗi sáng sớm.
Có những người đưa người quá cố đến đây để thực hiện buổi tiễn đưa cuối cùng ở một nơi linh thiêng, trong khi những người khác tin rằng ngâm mình trong sông Hằng sẽ giải phóng họ khỏi tất cả mọi tội lỗi của trần thế.
Jerusalem (Israel)
Thành Jerusalem được thành lập từ thiên niên kỷ thứ 4 TCN, nằm trên lưu vực biển Địa Trung Hải và Biển Chết. Đây là nơi Chúa Jesus bị đóng đinh trên thập giá. Hàng năm, hàng trăm nghìn giáo dân trên khắp thế giới đổ về vùng đất thánh này.
Vùng đất thánh mà hàng triệu tín đồ Thiên Chúa thường đến viếng thăm. Ảnh: Hải An. |
Là vùng đất thánh, sự linh thiêng và tôn nghiêm hiện hữu ở khắp mọi nơi. Hiện nay có 4 tôn giáo hoạt động tại đây là Kitô giáo, Hồi giáo, Do Thái giáo và Armenia.
Bethlehem (Palestine)
Thánh địa Bethlehem – địa danh được Thiên chúa giáo coi là nơi Chúa Jesus ra đời. Ảnh: Welcome to Palestine. |
Những người theo đạo Thiên chúa đến đây để khám phá Nhà thờ Giáng Sinh (Church of Nativity) – được cho là nơi sinh của Chúa Jesus Kitô trong Kinh thánh.
Mashhad (Iran)
Mashhad, thành phố ở Iran, được cho là linh thiêng nhất trong cả nước. Ảnh: Irancultura. |
Sau thủ đô Tehran, đây là thành phố lớn thứ hai và là điểm đến du lịch nổi tiếng nhờ vô số các điểm tham quan lịch sử và tôn giáo.
Những người theo đạo Hồi đến đây để bày tỏ sự sùng bái tại Nhà thờ Hồi giáo Goharshad. Trong khi người yêu nghệ thuật đến để chiêm ngưỡng kiến trúc tuyệt đẹp của nó.
Paro Taktsang (Bhutan)
Bhutan là đất nước Phật giáo, tập trung nhiều công trình kiến trúc đặc trưng, nổi tiếng trong đó có thiền viện Paro Taktsang gắn liền quá trình tu tập và hành đạo của Kim cương Thượng sư Liên Hoa Sinh.
Thiền viện linh thiêng này là một trong những Di sản thế giới được UNESCO công nhận. Ảnh: Bhutanpeacefultour. |
Thiền viện cheo leo trên vách núi đá nhìn xuống thung lũng Paro. Theo truyền thuyết, Kim cương Thượng sư Liên Hoa Sinh – người được dân Bhutan gọi là Đức Phật – đã cưỡi hổ bay đến thiền định 3 năm trước khi truyền bá đạo vào đất nước này. Vì vậy, thiền viện còn có tên gọi khác là Hổ Huyệt Tự (nơi hổ ẩn náu).
Địa điểm không chỉ thu hút du khách với phong cảnh ngoạn mục mà còn tạo hứng thú bởi cơ hội trekking giữa vùng thiên nhiên kỳ vĩ.
Lourdes (Pháp)
Thành phố Lourdes có thể không phổ biến đối với nhiều du khách, nhưng nó chắc chắn nổi tiếng với người Công giáo.
Lourdes là một trong số điểm hành hương lớn nhất châu Âu. Ảnh: OlegMit/Alamy Stock Photo. |
Nhiều người theo tín ngưỡng này tin rằng đây là một trong những nơi Đức Trinh Nữ Maria hiện ra trước một phụ nữ nông dân vào năm 1858.
Nơi đây có Nhà thờ Đức Mẹ Lộ Đức nổi tiếng, điểm đến tâm linh thu hút người Công giáo tìm kiếm những giá trị tinh thần.
Borobudur, Indonesia
Có niên đại từ thế kỷ 8-9, Borobudur được xây dựng theo hình kim tự tháp trên một ngọn đồi. Công trình có 3 tầng chính, bao gồm 5 bậc thang vuông đồng tâm, 3 bệ tròn và một bảo tháp đồ sộ trên đỉnh.
Năm 1991, địa danh này được ghi nhận là di sản thế giới của UNESCO. Ảnh: Pinterest. |
Như niềm tự hào của Indonesia, Borobudur được biết đến là đền Phật giáo lớn nhất thế giới. Theo đánh giá của UNESCO, đây là kiệt tác của kiến trúc Phật giáo và nghệ thuật đền đài.
Nguồn: Báo xây dựng