Cần sự phối hợp gia đình, nhà trường và cơ quan, đơn vị
Nhiều phụ huynh lo lắng
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, ngành Giáo dục Thủ đô xác định việc tổ chức dạy học trực tuyến là giải pháp cần thiết, phù hợp nhất để bảo đảm an toàn cho học sinh, đồng thời đạt mục tiêu hoàn thành chương trình đạt yêu cầu.
Tuy nhiên, giữa bộn bề những khó khăn đầu năm học liên quan đến công tác dạy và học trực tuyến thì hôm qua (10/9), thông tin về vụ việc học sinh H.H.D. (sinh năm 2011, trú tại quận Thanh Xuân) bị tai nạn điện giật tử vong tại nhà riêng khiến các nhà quản lý, giáo viên và phụ huynh lặng đi vì thương xót. Bài học về công tác phòng tránh tai nạn thương tích với trẻ một lần nữa lại đặt ra trực diện và cấp bách với tất cả mọi người, trong đó có vấn đề đảm bảo an toàn cho trẻ khi sử dụng các thiết bị điện.
Học sinh học trực tuyến tại nhà. |
Chị Nguyễn Thị Hồng (phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm) cho biết: “Hôm qua, đọc được vụ việc thương tâm về cháu bé ở Thanh Xuân mà tôi giật mình hoảng hốt. Con tôi cũng bằng tuổi cháu bé này. Hàng ngày, vì bố mẹ phải đi làm, bà thì bận trông em nên con thường tự học một mình với máy tính. Tôi đã nhờ bà để ý con kỹ hơn và dặn dò lại con nếu cần gì hay máy có vấn đề gì không được tự ý xử lý mà phải gọi bà hoặc báo ngay cho cha mẹ, thầy cô. Cô giáo chủ nhiệm lớp con cũng đã gửi lời nhắc nhở phụ huynh, học sinh với mong muốn các con ở nhà tham gia quá trình học tập trực tuyến nói riêng và sinh hoạt hàng ngày nói chung sẽ luôn được mạnh khỏe, an toàn”.
Qua ghi nhận, ngay sau khi tai nạn thương tâm xảy ra đối với học sinh H.H.D., tại nhiều diễn đàn trên mạng xã hội, các bậc phụ huynh đã truyền nhau những kinh nghiệm về phòng tránh tai nạn thương tích nhằm tránh những tình huống đáng tiếc có thể xảy đối với trẻ, đặc biệt là các kỹ năng cơ bản khi tiếp xúc với nguồn điện…
“Phụ huynh cần hướng dẫn trẻ một số nguyên tắc chung về an toàn điện khi trẻ học tập, sinh hoạt tại nhà trong thời gian tạm dừng đến trường để phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Đặc biệt, với những trẻ nhỏ tuổi, phụ huynh cần quán triệt tuyệt đối không được để trẻ chạm vào dây điện đứt rời hoặc dây điện bị hở. Các con không được đưa ngón tay hoặc que đâm, chọc vào các ổ cắm điện và tuyệt đối không chạm đến bất kỳ dụng cụ điện nào khi tay còn ướt. Ngoài ra, trẻ không nên sử dụng bất kỳ thiết bị điện hoặc rút phích cắm điện khi không được người lớn cho phép; không được lấy dây điện, thiết bị điện ra làm đồ chơi” – anh Bùi Xuân Dũng (phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, hiện đang công tác trong ngành Điện lực) chia sẻ.
Chị Phạm Thu Huyền (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy) cho rằng, bên cạnh học kiến thức thì việc trang bị những kỹ năng cơ bản cho trẻ là rất quan trọng, đặc biệt là trẻ ở lứa tuổi Tiểu học. Ở lứa tuổi này, trẻ còn nhỏ nên hay tò mò, nghịch ngợm mà chưa lường trước được nguy cơ. “Nhiều người cho rằng trẻ học ở nhà thì sẽ đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, thực tế thì ngay trong không gian ngôi nhà cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn thương tích. Trên báo chí đã có khá nhiều thông tin về những vụ việc trẻ bị thương và tử vong ở nhà mà nguyên nhân là do sự nghịch ngợm, thiếu hiểu biết của trẻ, sự chủ quan, lơ là của người lớn. Nếu cha mẹ bỏ qua không dạy trẻ về cách sử dụng các thiết bị trong nhà, hoặc không nói rõ về hậu quả của những việc không được làm, trẻ sẽ có xu hướng tự làm theo cách hiểu của mình, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn bất ngờ” – chị Huyền bày tỏ.
Cần sự chung tay
Trong ngày 10-11/9, nhiều đơn vị, trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội đã đẩy mạnh công tác cảnh báo, nhắc nhở, hướng dẫn học sinh, phụ huynh học sinh cách phòng tránh tai nạn thương tích khi ở nhà mùa dịch. Trên nhóm lớp, nhiều giáo viên chủ nhiệm đã gửi thông điệp cảnh báo, nhắc nhở phụ huynh kiểm tra các thiết bị điện tử con đang sử dụng để học trực tuyến. Trong hướng dẫn của Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám, Trường Tiểu học Thủ Lệ (quận Ba Đình) gửi đến phụ huynh học sinh nêu rõ về cách phòng tránh bỏng, hóc, tắc nghẹn đường thở, điện giật, động vật cắn, ngộ độc thức ăn… cho học sinh, nhất là trong giai đoạn giãn cách xã hội, học sinh tạm dừng đến trường. Nhà trường cũng đề nghị gia đình cần quan tâm và tạo ra môi trường vui chơi đảm bảo an toàn cho trẻ tại nhà, đồng thời hướng dẫn trẻ chủ động phòng, chống tai nạn thương tích.
Còn ngay trong tiết học cuối buổi sáng 10/9, giáo viên chủ nhiệm lớp 9A4 Trường Trung học cơ sở Nghĩa Tân, lớp 11D8 Trường Trung học phổ thông Cầu Giấy (quận Cầu Giấy) cũng gửi thông báo tới các phụ huynh đề nghị phối hợp với giáo viên và nhà trường trong việc quản lý, hướng dẫn học sinh, đảm bảo an toàn khi sử dụng thiết bị điện để học trực tuyến.
Cô giáo Nguyễn Thị Kim Lan (giáo viên Trường Trung học cơ sở Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm) cho rằng, mỗi lứa tuổi có sự hiểu biết và cách tiếp thu khác nhau. Vì thế, phải trang bị cho các em những kiến thức về kỹ năng sống cơ bản, liên quan trực tiếp đến các hoạt động thường ngày. Việc này cần sự phối hợp rất lớn từ phía gia đình bởi thực tế, giáo viên dặn dò học sinh có thể quên, nhưng khi bố mẹ nhắc nhở thường xuyên hoặc đưa ra quy định thì con lại rất nhớ.
Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội Phạm Xuân Tiến, những tai nạn thương tích xảy ra với học sinh, dù trong hay ngoài nhà trường đều hết sức đau lòng. Mỗi gia đình, nhà trường cần hết sức lưu tâm trong việc phòng ngừa, bảo vệ con trẻ. Trong thời gian học sinh phổ thông và trẻ mầm non tạm dừng đến trường để phòng, chống dịch Covid-19, việc phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ và học sinh cần có sự quan tâm phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình. Trong đó, giáo viên chủ nhiệm có vai trò quan trọng trong việc thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn cha mẹ học sinh, học sinh các kỹ năng phòng tránh tai nạn thương tích có thể xảy ra như điện giật, đuối nước, cháy nổ…
Được biết, ngay sau khi có thông tin một học sinh ở Hà Nội bị điện giật tử vong tại nhà riêng, Bộ GD&ĐT đã trao đổi với Sở GD&ĐT Hà Nội để nắm bắt sự việc. Theo Bộ GD&ĐT, đây là sự việc rất buồn và đáng tiếc đối với gia đình học sinh, với nhà trường và với ngành Giáo dục. Qua đây, Bộ GD&ĐT khuyến cáo các bậc phụ huynh và thầy cô giáo cần tăng cường các biện pháp hỗ trợ, nhắc nhở, dạy cho học sinh một số kỹ năng cơ bản, đặc biệt là hướng dẫn và hỗ trợ học sinh Tiểu học trong quá trình sử dụng các thiết bị học tập cũng như thiết bị trong gia đình, đảm bảo an toàn, tránh xảy ra những sự cố đáng tiếc.
Về phía Bộ GD&ĐT, các đơn vị chức năng đang khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn học tập trực tuyến an toàn tại nhà trong thời gian sớm nhất để các phụ huynh, thầy cô giáo cùng lưu ý triển khai.
Đặc biệt, trong thời gian giãn cách và cả khi hết thời gian giãn cách, nếu học sinh vẫn học trực tuyến thì các cơ quan, đơn vị cũng nên tạo quỹ thời gian để phụ huynh được thay phiên nhau ở nhà trong thời gian các con học vào mỗi sáng hoặc chiều, nhất là với học sinh bậc Tiểu học. Có như thế mới góp phần tạo ra sự an toàn cho các con và yên tâm với phụ huynh!
Nguồn: Báo lao động thủ đô