Quy hoạch phát triển đôi bờ sông Hồng: Chờ những diện mạo mới

Với Hà Nội, phát triển Thành phố lấy sông Hồng làm trục chính, mở rộng ra những chuỗi đô thị hiện đại đang là hướng đi hứa hẹn nhiều tiềm năng phát triển to lớn.

Các thành phố trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng luôn gắn liền sự phát triển với một dòng sông, dù lớn hay nhỏ, sự phối hợp ấy đã tạo nên một “thương hiệu kép” giữa sông và thành phố. Nghĩa là khi nhắc đến thành phố, người ta sẽ nhắc đến con sông gắn liền với thành phố đó, và ngược lại khi nhắc đến con sông, người ta cũng sẽ nhớ đến thành phố đó.

Quy hoạch phân khu sông Hồng được kỳ vọng thúc đẩy phát triển kinh tế, thương mại dịch vụ khu vực ven sông. (Ảnh: M.P)
Quy hoạch phân khu sông Hồng được kỳ vọng thúc đẩy phát triển kinh tế, thương mại dịch vụ khu vực ven sông. (Ảnh: M.P)

Thủ đô hơn nghìn năm văn hiến có lịch sử hình thành và phát triển gắn liền với hệ thống sông, hồ và đặc biệt là sông Hồng. Việc hoàn thiện quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng là bước đi đầu tiên, quan trọng để biến ước mơ về thành phố xanh, hiện đại và đậm đà bản sắc văn hóa hai bên bờ sông Hồng thành hiện thực.

Trải qua quá trình phát triển của Thăng Long – Hà Nội, việc hình thành hệ thống đê chống lũ, lụt vô hình chung đã tạo nên sự ngăn cách giữa sông Hồng với không gian phát triển của Thủ đô Hà Nội hiện đại ngày nay. Trước và trong thời kỳ phong kiến, sông Hồng giữ vai trò là tuyến giao thông và giao thương quan trọng của Hà Nội.

Lúc này, hai bên sông chưa có nhiều dân cư sinh sống, sự hình thành của làng xóm gắn với các công trình văn hóa tín ngưỡng ở dải bãi bồi hai bên sông Hồng, bắt đầu từ những năm đầu thế kỷ 19. Đến những năm 70 của thế kỷ 20, ngoài các làng xóm và khu vực dân ngụ cư ngoài đê sông Hồng, các khu dân cư mới đã được hình thành hai bên bờ sông Hồng như: An Dương, Phúc Xá, Phúc Tân, Chương Dương, Bạch Đằng, Thanh Lương, Vĩnh Tuy…

Nhận thức giá trị quan trọng về không gian lịch sử, văn hóa và cảnh quan của khu vực, đã có rất nhiều đồ án, dự án, đề tài nghiên cứu được triển khai nhằm mục đích cải tạo dân cư khu vực, kết nối giao thông hai bờ sông Hồng. Về cơ bản các quy hoạch, đề án được các chuyên gia lập quy hoạch, phần nào đã đáp ứng được nhu cầu cải tạo, xây dựng mới khu vực ngoài đê, tuy nhiên đây mới chỉ là những nghiên cứu mang tính cục bộ.

Trước sự phát triển của kinh tế – xã hội, cũng như nhận thấy những tiềm năng phát triển kinh tế hai bờ sông Hồng; năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, trong đó định hướng sông Hồng là trục không gian cảnh quan trung tâm của Thành phố, là “lá phổi xanh” của Thủ đô.

Nhằm cụ thể hóa những định hướng của bản Quy hoạch chung, ngày 25/3/2022 Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng.

Theo quy hoạch, phân khu sông Hồng có chiều dài khoảng 40km, từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở, trong địa giới hành chính của 55 phường, xã thuộc 13 quận, huyện bao gồm các diện tích dành cho không gian xanh, đất ở, cơ quan, di tích, tôn giáo, kho tàng… trong đó bảo tồn các công trình di tích, kiến trúc có giá trị lịch sử trong quá trình khai thác quỹ đất phát triển mới, tạo lập diện mạo đô thị hai bên sông Hồng.

Không chỉ là bước đi đầu tiên quan trọng để biến ước mơ về thành phố xanh, hiện đại và đậm đà bản sắc văn hóa, Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng còn đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội Thủ đô về thương mại, dịch vụ, gắn kết giao thông giữa nội đô với các đô thị ven sông, gắn kết Hà Nội với các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và cả nước.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho biết, việc thành phố Hà Nội công bố các đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5.000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở) rất đúng thời điểm để hoàn chỉnh quy hoạch Thủ đô.

Qua nghiên cứu, chuyên gia Vũ Vinh Phú cho rằng phát triển kinh tế hai bờ sông Hồng cần gắn liền với quy hoạch phát triển đồng bằng Bắc Bộ; giữ cảnh quan môi trường phải gắn kết với nước bạn ở thượng nguồn sông Hồng; đồng thời tập trung đầu tư, gìn giữ, khai thác tiềm năng du lịch và giá trị lịch sử của các làng nghề và của cầu Long Biên; xây dựng phát triển cầu Long Biên không chỉ là cầu giao thông, mà còn trở thành điểm tham quan, du lịch,…

Quy hoạch phân khu sông Hồng được kỳ vọng thúc đẩy phát triển kinh tế, thương mại dịch vụ khu vực ven sông. (Ảnh: M.P)

Theo ông Phú, hạ tầng là mấu chốt trong quy hoạch đô thị, vì vậy, giao thông ven sông Hồng phải đi lại thuận tiện, cùng với đó là hệ thống cấp thoát nước, vệ sinh môi trường, kè bờ phải được quy hoạch đồng bộ,… Khi đã có hạ tầng tốt thì các dịch vụ như thương mại, siêu thị, nhà hàng, vui chơi, giải trí, ăn uống, khách sạn,… sẽ được nâng cấp để phục vụ dân cư tại chỗ và khách quốc tế.

Cùng với đó, phải gắn thương mại với du lịch. Cần cải tạo những bến tàu, phát triển những đội tàu khang trang, hiện đại để khách du lịch có thể ngắm phong cảnh Thủ đô. Vấn đề này có thể xã hội hóa hoặc Nhà nước đầu tư. Làm được như vậy thì thương mại, du lịch, dịch vụ mới có thể phát triển.

“Quan điểm của tôi về quy hoạch và phát triển hành lang sông Hồng phải mang tính bền vững, lâu dài. Phát triển sông Hồng không chỉ có riêng thương mại, dịch vụ mà phải đồng bộ với hạ tầng cơ sở giao thông. Đường nào nối với nội đô? Đường nào chạy dọc ven sông? Thoát lũ như thế nào? Muốn phát triển thương mại, du lịch ven sông Hồng nhưng lại gây ô nhiễm dòng sông thì cũng mất tác dụng”, ông Phú nhấn mạnh.

Đồng quan điểm với ông Phú, các chuyên gia kinh tế, kiến trúc sư cũng cho rằng, để xây dựng đô thị ven sông Hồng, vấn đề quy hoạch dân cư, nhà cửa cần được thực hiện kỹ càng. Tình trạng xây dựng tự phát sẽ phá tan vẻ đẹp của đô thị, chính vì vậy hạ tầng cần được cải tạo, chỉnh trang từ nhà ở, trường học, công viên, nơi công cộng, cây xanh… nhằm nâng cao đời sống dân cư, thay đổi hình ảnh đô thị.

Sau khi các tuyến đường ven sông được xây dựng và kết nối với khu vực, các công viên ven sông, thương mại dịch vụ được hình thành, sông Hồng sẽ phát huy được hết giá trị là trục cảnh quan, không gian xanh trung tâm của Hà Nội, trở thành điểm đến cho người dân Thủ đô và khu vực.

Khi đó, sức hấp dẫn cũng như giá trị của sông Hồng không chỉ nằm ở quỹ đất, các hoạt động đặc sắc nổi bật hai bên bờ sông mà sẽ có tính lan tỏa, là động lực phát triển cho cả khu vực đô thị phía Bắc và phía Nam sông Hồng, góp phần xây dựng Hà Nội trở thành thành phố “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”./.

Nguồn: Realtimes.vn
Bạn cũng có thể thích