Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM ra quyết định xử phạt VPHC có đúng thẩm quyền? (Bài 2)
Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM ra quyết định xử phạt VPHC có đúng thẩm quyền? (Bài 2)
Việc Ban quản lý An toàn thực phẩm (BQL ATTP) TP.HCM dựa vào Nghị định 115 để ban hành nhiều quyết định xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) không phù hợp với các quy định pháp luật đã gây nhiều bức xúc cho các doanh nghiệp, cá nhân.
Sai lại càng sai
Như chúng tôi đã phân tích trong bài viết trước, Nghị định 115/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết về thẩm quyền việc xử phạt VPHC của các đơn vị chức năng nhưng không hề có BQL ATTP.
Theo quyết định số 2349/QĐ-TTg ngày 05/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ và quyết định số 06/2017/QĐ-UBND ngày 02/02/2017 của UBND TP.HCM thì BQL ATTP TP.HCM là cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND TP.HCM, có chức năng giúp UBND TP tổ chức thực thi pháp luật về an toàn, vệ sinh thực phẩm trên địa bàn thành phố.
Đồng nghĩa với việc, BQL ATTP trong quá trình thực thi nhiệm vụ chỉ được lập biên bản VPHC, sau đó hoàn chỉnh hồ sơ chuyển về UBND TP để Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch UBND ra quyết định xử phạt.
Tuy nhiên, lãnh đạo BQL ATTP TP.HCM đã dài tay/hoặc không tuân thủ với chỉ đạo của Thủ tướng mà tự ý ra quyết định xử phạt. Trong tất cả các quyết định mà bà Phạm Khánh Phong Lan và ông Lê Minh Hải ký đều viện dẫn: Căn cứ vào Nghị định 115/2018/NĐ-CP của Chính phủ nên gây ra sự ngộ nhận cho các cơ sở/doanh nghiệp mà BQL ATTP đã kiểm tra và xử phạt.
Trong một diễn biến khác, tuy biết rõ BQL ATTP không có chức năng ra quyết định xử phạt VPHC nhưng trong nhiều năm lãnh đạo BQL vẫn cố tình ban hành quyết định.
Điều đó thể hiện trong công văn số 2994/BQLATTP-TTr ngày 23/11/2022 mà bà Phạm Khánh Phong Lan đã ký về việc liên quan xử lý vi phạm hành chính để trình UBND TP.HCM, trong đó nêu rõ:
+ Hiện nay, Ban quản lý chưa được chính phủ giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành nên khi công chức, viên chức đang thi hành nhiệm vụ giao; công chức, viên chức có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính cần hoàn thiện hồ sơ và chuyển đến Ủy ban nhân dân Thành phố để xử phạt vi phạm hành chính theo quy định
+ Nếu trong trường hợp Ủy ban nhân dân Thành phố xét thấy để kịp thời và thống nhất một đầu mối quản lý an toàn thực phẩm, Ban Quản lý An toàn thực phẩm kính đề nghị Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét và có thể giao quyền cho Trưởng ban Ban quản lý An toàn thực phẩm thực hiện thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính (Trích nguyên văn).
Như vậy, công văn của chính BQL ATTP đã nêu rõ, trước đây (và cả hiện nay) BQL ATTP TP.HCM không có chức năng ban hành quyết định xử phạt hành chính, giờ vẫn đang xin phép, vậy thì các quyết định mà BQL đã ban hành trong những năm qua có giá trị pháp lý hay không? Số tiền mà BQL đã thu sử dụng như thế nào? (Trong quyết định xử phạt VPHC có nêu, hoặc là nộp tiền trực tiếp cho người có thẩm quyền xử phạt VPHC hoặc là nộp vào kho bạc nhà nước).
Vừa đánh trống vừa thổi kèn
BQL ATTP là cơ quan chuyên môn của UBND TP.HCM, vừa quản lý an toàn thực phẩm, thực hiện cấp phép cho các đối tượng hoạt động trong lĩnh vực liên quan đến thực phẩm, lại vừa là cơ quan ban hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính (khi chưa được giao chức năng) vậy chẳng khác nào BQL ATTP “vừa đánh trống vừa thổi kèn” trong khi thẩm quyền đó thuộc về UBND TP.HCM. Liệu có công tâm, khách quan khi công chức, viên chức thi hành nhiệm vụ được giao? Có tránh khỏi việc vi phạm hành vi cấm “Không can thiệp trái pháp luật vào việc xử lý vi phạm hành chính” theo Luật Xử lý vi phạm hành chính khi người đứng đầu cơ quan quản lý chuyên ngành lại là người ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính?
Theo chúng tôi biết, từ khi thành lập BQL ATTP đến nay chưa có Đoàn thanh tra, kiểm tra nào tiến hành thanh tra, kiểm tra công tác xử lý vi phạm hành chính nói riêng cũng như hoạt động của BQL ATTP nói chung. Không chỉ ban hành các quyết định xử phạt VPHC trái thẩm quyền mà một số QĐ xử phạt của BQL ATTP khi ban hành có cùng hành vi vi phạm nhưng áp dụng hành vi xử phạt khác nhau hoặc các QĐ xử phạt các hành vi đã không còn được quy định tại Luật An toàn thực phẩm hoặc thậm chí có các QĐ xử phạt sai mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm. Đơn cử như QĐ xử phạt số 652/QĐ-XPVPHC ngày 25/6/2019 của Ban QLATTP xử phạt Công ty Cổ phần FEI-YUFH VN – Khách sạn Nikko (địa chỉ: 235 Nguyễn Văn Cừ, P. Nguyễn Cư Trinh, Q1) với hành vi vi phạm: “Không có đủ dụng cụ chế biến, bảo quản và sử dụng riêng đối với thực phẩm tươi sống, thực phẩm đã qua chế biến” quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 15 Nghị định 115/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ với số tiền phạt là 12.000.000đ. Tuy nhiên, tại Điểm b Khoản 1 Điều 15 Nghị định 115 quy định thì hành vi vi phạm nêu trên bị phạt tiền từ 1.000.000đ – 3.000.000đ (tức chỉ bị phạt mức trung bình là 4.000.000đ đối với tổ chức hoặc là 9.000.000 trong trường hợp có tình tiết tăng nặng). Số tiền phạt 12.000.000đ là không đúng.
Hoặc QĐ xử phạt số 709/QĐ-XPVPHC ngày 08/10/2020 xử phạt Cty TNHH SX TM DV và Phát triển Vĩnh Thịnh (địa chỉ vi phạm: 48/3C tổ 74, khu phố 8, thị trấn Hóc Môn, Hóc Môn) với 02 hành vi vi phạm, trong đó có hành vi: “Khu vực chứa đựng, kho bảo quản không có hoặc không đầy đủ giá, kệ, biển tên, nội quy, quy trình, chế độ vệ sinh, cụ thể: do tại thời điểm kiểm tra, kho bảo quản nguyên liệu dùng trong chế biến thực phẩm không có đủ pallet để kê nguyên liệu dùng trong chế biến thực phẩm, nền dơ không có chế độ vệ sinh định kỳ” quy định tại Điểm c Khoản 3 Điều 9 Nghị định 115 với số tiền phạt là 12.000.000đ.
Tuy nhiên, tại Điều 9 Nghị định 115 gồm các vi phạm quy định về điều kiện chung bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, bảo quản thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm.
Tại Điều 15 Nghị định 115 gồm các vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh dịch vụ ăn uống thuộc loại hình cơ sở chế biến suất ăn sẵn, căng tin kinh doanh ăn uống, bếp ăn tập thể; bếp ăn, nhà hàng ăn uống của khách sạn, khu nghỉ dưỡng; cửa hàng ăn uống, cửa hàng, quầy hàng kinh doanh thức ăn ngay, thực phẩm chín và các loại hình khác thực hiện việc chế biến, cung cấp thực phẩm.
Căn cứ QĐ số 709/QĐ-XPVPHC thì Cty TNHH SX TM DV và Phát triển Vĩnh Thịnh có lĩnh vực hoạt động là Kinh doanh dịch vụ ăn uống (Chế biến suất ăn sẵn). Do đó, thuộc đối tượng được áp dụng Điều Khoản xử phạt tại Điều 15 của Nghị định 115 để xử phạt cơ sở. Việc áp dụng Điều 9 để xử phạt cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống là không đúng quy định.
Còn rất nhiều quyết định xử phạt VPHC mà BQL ATTP ban hành không chỉ sai mức tiền phạt so với hành vi vi phạm mà còn sai điều khoản và sai luật. Việc xử phạt các hành vi không quy định tại Luật ATTP mặc dù trong Nghị định xử phạt có quy định phạt vẫn là sai quy định vì Luật là văn bản cao hơn Nghị định và doanh nghiệp được phép làm những gì pháp luật không cấm.
Như chúng tôi đã nêu, BQL ATTP TP.HCM là một đơn vị được Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm theo mô hình mới có thời hạn, là một cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND TP.HCM, phải tuân thủ các quy định chung của UBND TP, Luật ATTP cũng như các nghị định đươc pháp luật quy định.
Trong nhiều năm, Lãnh đạo của BQL ATTP đã làm sai khi viện dẫn Nghị định 115/2018/NĐ-CP của Chính phủ vào các quyết định xử phạt VPHC, không chỉ vậy, ngày 23/11/2022, bà Phạm Khánh Phong Lan gửi công văn cho UBND TP.HCM để xin phép được giao quyền xử phạt VPHC, mặc dù chưa có ý kiến phản hồi của Lãnh đạo UBND TP.HCM, thì ngay trong ngày 23/11/2022 bà Lan lại ký quyết định số 750/QĐ-XPHC xử phạt VPHC đối với công ty Cổ phần Bình Minh Toàn Cầu .
Hai hôm sau, ngày 25/11/2022, ông Lê Minh Hải lại tiếp tục ký QĐ số 753/QĐ-XPHC xử phạt VPHC Công ty TNHH Passio (!). Điều này có khác gì tự lấy đá đập vào chân của mình!
Môi trường và Đô thị điện tử sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc!
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị