Dự án đường Vành đai 4, động lực để phát triển
Dự án đường vành đai 4 – Vùng Thủ đô kết nối 5 tỉnh, thành phố gồm: Thành phố Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang và Vĩnh Phúc. (Ảnh: VOV) |
Theo Quyết định trên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Chủ tịch Hội đồng; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Phó Chủ tịch Hội đồng. Các Ủy viên Hội đồng gồm lãnh đạo các Bộ: Giao thông vận tải, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng, Công an, Xây dựng, Tư pháp, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Khoa học và Công nghệ; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; lãnh đạo Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên. UBND thành phố Hà Nội có trách nhiệm cung cấp đầy đủ hồ sơ liên quan đến quá trình thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án bảo đảm đúng tiến độ.
Trước đó, đầu tháng 5/2021 lãnh đạo UBND 5 tỉnh, thành gồm: Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang đã ký tờ trình kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương triển khai dự án đường Vành đai 4 – vùng Thủ đô Hà Nội. Theo nghiên cứu của đơn vị tư vấn, dự án đường Vành đai 4 dài 110km, đi qua địa phận thành phố Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, tổng mức đầu tư khoảng 90.400 tỷ đồng.
Dự kiến, mặt cắt ngang toàn tuyến Vành đai 4 sẽ rộng 120 m, gồm 2 tầng, phần trên là đường cao tốc, tầng dưới kết nối với hạ tầng đô thị. Dự án dự kiến được thực hiện với 3 dự án thành phần độc lập. Cụ thể, giải phóng mặt bằng toàn tuyến với tổng chi phí khoảng 24.241 tỷ đồng. Xây dựng đường gom và tuyến nối Quốc lộ 18 với tổng mức đầu tư 8.255 tỷ đồng.
Xây dựng đường cao tốc và tuyến nối cao tốc Nội Bài – Hạ Long với mức đầu tư 57.900 tỷ đồng chưa bao gồm lãi vay. Trong đó, dự án thành phần 1, 2 đầu tư bằng vốn đầu tư công, dự án thành phần 3 được đề xuất triển khai theo hình thức hợp tác công tư (PPP).
Như chúng ta đã biết giao thông là mạch máu của nền kinh tế, ở đâu có kết cấu hạ tầng tốt kinh tế sẽ phát triển. Với Hà Nội, sau khi mở rộng địa giới hành chính, diện tích tự nhiên của Thủ đô lên tới trên 3.350 km2, đồng thời Thủ tướng đã phê duyệt Quy hoạch vùng Thủ đô.
Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, hạ tầng để kết nối vùng Thủ đô thời gian qua vẫn chưa phát triển. Chính vì chưa phát triển, nên chưa tạo đòn bẩy để tạo động lực cho Thủ đô nói riêng và vùng Thủ đô nói chung phát triển theo.
Theo các chuyên gia, tuyến đường Vành đai 4 sẽ là tuyến liên vùng phục vụ kết nối giao thông giữa Hà Nội với các tỉnh thuộc vùng Thủ đô, giải quyết nhu cầu giao thông trực tiếp cho khu vực đô thị trung tâm, đô thị vệ tinh của thành phố, giải toả áp lực cho Vành đai 3 đã quá tải trầm trọng. Đặc biệt, nếu đẩy nhanh tiến độ thi công dự án tuyến đường vành đai 4 chắc chắn sẽ tạo đòn bẩy cho các tỉnh phát triển mạnh mẽ.
Nguồn: Báo lao động thủ đô