Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 7/4/2023
Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 7/4/2023
Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 7/4/2023. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 7/4/2023 trên Môi trường và Đô thị.
Lào Cai: Tập huấn nâng cao nhận thức, kiến thức bảo vệ môi trường cho nông dân
Sáng 7/4, Hội Nông dân tỉnh Lào Cai phối hợp với Trung tâm Môi trường nông thôn (Trung ương Hội Nông dân Việt Nam) tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao nhận thức, kiến thức về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thu gom, phân loại và xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng cho cán bộ, hội viên, nông dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
Tại hội nghị, đội ngũ cán bộ, hội viên nông dân đã được truyền đạt các kiến thức về nội dung các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh, quy định pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác bảo vệ môi trường; các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa VI về nâng cao trách nhiệm của hội nông dân tham gia bảo vệ môi trường nông thôn và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; vai trò của hội nông dân các cấp trong công tác bảo vệ môi trường nông thôn.
Đồng thời, các đại biểu cũng được trang bị các kỹ năng xây dựng mô hình hộ nông dân tham gia thu gom, phân loại và xử lý rác thải nông thôn; kỹ năng truyền thông về bảo vệ môi trường tại cơ sở; công nghệ ứng dụng xử lý rác thải và chất thải; thu gom, phân loại và xử lý rác thải tại hộ gia đình…
Hội nghị tập huấn diễn ra trong 2 ngày (7 – 8/4). Thông qua đợt tập huấn, các cán bộ, hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh sẽ có thêm kiến thức, kỹ năng trong bảo vệ tài nguyên, môi trường; góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường của hội viên nông dân ngay tại cơ sở và góp phần triển khai, thực hiện hiệu quả tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới.
Yên Bái ban hành Kế hoạch về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước
UBND tỉnh Yên Bái vừa ban hành Kế hoạch số 93 thực hiện Quyết định số 1595, ngày 23/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Kết luận số 36, ngày 23/6/2022 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động số 121 ngày 31/8/2022 của Tỉnh ủy triển khai thực hiện Kết luận số 36-KL/TW ngày 23/6/2022 của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Kế hoạch xác định rõ những nội dung, nhiệm vụ để cụ thể hóa và triển khai đầy đủ nghiêm túc các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước để làm cơ sở cho cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch theo chức năng, nhiệm vụ được giao và tổ chức triển khai thống nhất, đồng bộ, hiệu quả các nội dung trong Quyết định số 1595/QĐ-TTg ngày 23/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ, Chương trình hành động số 121-CTr/TU ngày 31/8/2022 của Tỉnh ủy Yên Bái triển khai thực hiện Kết luận số 36-KL/TW ngày 23/6/2022 của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tỉnh Yên Bái.
Thông qua thực hiện kế hoạch góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân đối với công tác bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước.
Bắc Giang công bố hiện trạng, diện tích rừng năm 2022
Tính đến ngày 31/12/2022, tổng diện tích rừng (gồm diện tích có rừng và rừng trồng chưa thành rừng) là 160.223 ha, trong đó rừng tự nhiên là 55.092ha, rừng trồng là 92.797ha, rừng mới trồng chưa đạt tiêu chí thành rừng là 12.334ha, tỷ lệ độ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 38%.
UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu UBND các cấp (huyện, xã) thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng theo quy định tại Điều 102 Luật Lâm nghiệp. Sử dụng số liệu hiện trạng rừng để rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng hàng năm, làm cơ sở để cập nhật diễn biến rừng năm tiếp theo.
Đối với các địa phương có diện tích rừng tự nhiên giảm trong năm 2022, làm rõ nguyên nhân, xem xét trách nhiệm tổ chức, cá nhân liên quan theo quy định.
Đồng Tháp: Kiến nghị xử lý khẩn cấp sạt lở ven kênh Đốc Phủ Hiền
Liên quan đến vụ sạt lở nghiêm trọng ven kênh Đốc Phủ Hiền (đoạn thuộc ấp Phú Thuận, xã Tân Phú Đông), ngày 7/4, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp, Nguyễn Văn Hon cho biết chính quyền địa phương, ngành chức năng tiếp tục khẩn trương khắc phục và kiến nghị đầu tư xử lý khẩn cấp sạt lở.
Ủy ban Nhân dân thành phố Sa Đéc đã có báo cáo và kiến nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh xem xét đầu tư xử lý khẩn cấp sạt lở kênh Đốc Phủ Hiền thuộc xã Tân Phú Đông nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Phước Thiện đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo về phòng, chống thiên tai) chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan khẩn trương tham mưu, đề xuất Ủy ban Nhân dân tỉnh.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Sa Đéc Nguyễn Văn Hon cho biết thêm đoàn công tác của tỉnh gồm đại diện các sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Tài chính và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, cùng lãnh đạo Ủy ban Nhân dân thành phố vừa khảo sát thực tế dọc theo tuyến kênh Đốc Phủ Hiền.
Qua khảo sát tình hình sạt lở toàn tuyến và đo độ sâu của lòng sông, các sở, ngành đã có cuộc họp thống nhất đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh công bố tình trạng khẩn cấp đối với khu vực này.
Thái Lan: Ô nhiễm không khí nghiêm trọng tại Chiang Mai
Ngày 7/4, chính quyền thành phố Chiang Mai, miền Bắc Thái Lan đã kêu gọi người dân hạn chế ra ngoài và làm việc tại nhà để bảo vệ sức khỏe trong bối cảnh ô nhiễm không khí đã tăng lên mức nguy hiểm.
Trang giám sát không khí IQAir đã xếp hạng Chiang Mai là thành phố lớn ô nhiễm nhất thế giới, vượt xa các “điểm nóng” ô nhiễm thông thường như Delhi và Lahore (Ấn Độ).
Tại Chiang Mai, IQAir đo được mật độ bụi mịn PM2.5 cao hơn 66 lần so với ngưỡng trong hướng dẫn hằng năm của Tổ chức Y tế thế giới về chất lượng không khí. Thành phố du lịch nổi tiếng này trong những tuần gần đây bị bao phủ trong khói từ các vụ cháy rừng và việc nông dân đốt rơm rạ.
Bộ Y tế Thái Lan cho biết từ đầu năm tới nay có gần 2 triệu người phải nhập viện điều trị các bệnh về đường hô hấp do ô nhiễm không khí. Trong đó, gần 13.000 người đã phải nhập viện do các bệnh về đường hô hấp và dị ứng do ô nhiễm không khí nghiêm trọng tại tỉnh Chiang Mai, Thái Lan kể từ ngày 1/1/2023.
Tỉnh Chiang Mai phải đối diện với tình trạng ô nhiễm bụi mịn PM2.5 nghiêm trọng trong vài tháng qua do cháy rừng và các hoạt động đốt chất thải nông nghiệp cả ở Thái Lan và các nước láng giềng.
Hồi tháng 2, giới chức nước này đã cảnh báo người dân thủ đô Bangkok hạn chế ra ngoài và làm việc tại nhà khi thủ đô bị khói mù độc hại bao phủ.
T.Anh (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị