Kỳ 2: Quyết sách kịp thời, ấm lòng người dân

Rốt ráo thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ người dân

Xác định “người dân là trung tâm”, bên cạnh việc triển khai Nghị quyết 68 của Chính phủ, ngày 13/8/2021, Thường trực Hội đồng nhân dân (HĐND) Thành phố cũng ban hành Nghị quyết số 15/NQ-HĐND quy định một số chính sách đặc thù của thành phố Hà Nội hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Bởi trên thực tế, trong suốt thời gian qua, còn rất nhiều các nhóm đối tượng yếu thế, bị ảnh hưởng nặng trong dịch bệnh chưa được quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 3642/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội trước đó.

Kỳ 2: Quyết sách kịp thời, ấm lòng người dân
Quận Ba Đình trao hỗ trợ an sinh xã hội tại nhà cho các nhóm đối tượng.

Đó là các hộ nghèo, hộ cận nghèo; các đối tượng bảo trợ xã hội; người có công với cách mạng, thương binh, thân nhân người có công… Đó còn là những người lao động làm việc tại hộ kinh doanh, làm việc tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở cấp mầm non, mẫu giáo, tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông, giáo dục nghề nghiệp phải tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương, chấm dứt hợp đồng lao động do hộ kinh doanh, cơ sở giáo dục phải dừng hoạt động để phòng, chống dịch Covid-19…

Ngay sau khi Nghị quyết số 15/NQ-HĐND được ban hành, phòng Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) các quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội đã lên danh sách những đối tượng quản lý như hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người có công và thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng. Công tác rà soát được thực hiện rốt ráo, khẩn trương tại tất cả các xã, phường… thể hiện quyết tâm cao nhất không để người dân thiếu đói, người khó khăn mà không được giúp đỡ, người ốm đau mà không được chữa trị kịp thời.

Kỳ 2: Quyết sách kịp thời, ấm lòng người dân
Việc Hà Nội ban hành chính sách đặc thù hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 là hết sức kịp thời, thể hiện sự vì dân và không để ai bị bỏ lại phía sau.

Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình Phạm Thị Diễm cho biết, trong thời gian qua quận đã rà soát và quyết định chi trả hỗ trợ cho 5.096 trường hợp với tổng kinh phí 5,096 tỷ đồng, nguồn xã hội hóa bổ sung hơn 10 tỷ cho 3 nhóm đối tượng. Trong đó có 2.325 người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng, 2.722 đối tượng bảo trợ xã hội, 49 hộ cận nghèo.

“UBND quận đã chỉ đạo UBND 14 phường thực chi trả một lần trực tiếp cho các đối tượng theo nguyên tắc công khai, minh bạch, thuận lợi về thủ tục cho người thụ hưởng nhưng không để lợi dụng trục lợi chính sách. Việc chi trả được tiến hành khẩn trương, liên tục để đạt mục tiêu hoàn thành trong thời gian nhắn nhất. Để thuận tiện cho người dân, quận còn tiến hành chi trả ngay tại nhà cho những người thụ hưởng, đến nay quận đã tổ chức chi hỗ trợ 100% với 3 đối tượng trên. Các nhóm đối tượng khác quận đang tiếp tục rà soát”, bà Diễm thông tin.

Theo Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, tính đến ngày 8/9, 29/30 quận, huyện, thị xã đã hoàn thành (còn huyện Thanh Trì cơ bản hoàn thành) việc chi trả hỗ trợ cho 3 nhóm đối tượng: người có công, Bảo trợ xã hội và hộ nghèo, cận nghèo theo chính sách hỗ trợ đặc thù. Theo đó, các địa phương đã rà soát và ra quyết định hỗ trợ cho 284.225 người, hộ kinh doanh với kinh phí phê duyệt là 286,406 tỷ đồng (Đã tổ chức chi trả cho 283.127 đối tượng với kinh phí 284,097 tỷ đồng). Trong đó, đã có 282.650 người thuộc 03 nhóm đối tượng: người có công, đối tượng bảo trợ xã hội và hộ nghèo, cận nghèo được phê duyệt với số tiền 282,65 tỷ đồng (trong đó, đã thực hiện chi trả cho 282.389 người, hộ gia đình với số tiền 282,389 tỷ đồng).

Không chỉ riêng tại quận nội thành, việc chi trả hỗ trợ tại các huyện ngoại thành cũng hết sức khẩn trương. Huyện Gia Lâm đã ban hành quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ cho 9.022 đối tượng được thụ hưởng với tổng kinh phí hỗ trợ cho các đối tượng trên địa bàn huyện Gia Lâm là hơn 9 tỷ đồng. Bà Lê Thị Kim Châu, Trưởng phòng LĐTB&XH huyện Gia Lâm cho biết, ngay sau khi có quyết định của UBND huyện, các xã, thị trấn đã chủ động ứng tiền chi trả cho người dân bất kể ngày đêm, kể cả trong ngày nghỉ thứ 7, chủ nhật, hoàn thiện việc chi trả chậm nhất là trước 25/8.

Nhận được hỗ trợ của Thành phố, mọi người dân đều phấn khởi cho rằng việc HĐND thành phố Hà Nội ban hành chính sách đặc thù là hết sức kịp thời, thể hiện sự vì dân và không để ai bị bỏ lại phía sau. Ông Phạm Văn Mai (thôn 2, xã Bát Tràng huyện Gia Lâm), đối tượng thương bệnh binh được nhận hỗ trợ tại nhà bày tỏ xúc động: “Đợt dịch Covid-19 lần này, nhà tôi và tất cả mọi gia đình khác đều bị ảnh hưởng. Trong lúc khó khăn, Đảng bộ, chính quyền Thành phố đã quan tâm kịp thời đến các gia đình chính sách, lao động tự do. Thành phố quan tâm, hỗ trợ người dân trong đại dịch đây là việc làm vô cùng đáng quý, lại được cán bộ UBND xã đến trao hỗ trợ trực tiếp nên tôi rất cảm kích”.

Không ai bị bỏ lại phía sau

Bên cạnh những dãy phố khang trang, ánh đèn phố thị lung linh thì đâu đó ở Hà Nội vẫn còn có những xóm trọ nghèo, nơi có những con người ở nhiều miền quê khác nhau tìm đến Thủ đô để mưu sinh. Do dịch bệnh, họ không thể về quê khi thành phố Hà Nội áp dụng Chỉ thị về giãn cách xã hội. Họ trở thành những người yếu thế khi không có việc làm, không có thu nhập, không nơi nương tựa, bấu víu.

Thấu hiểu những khó khăn của người lao động tha hương, UBND thành phố Hà Nội cũng đã ban hành Công văn số 2647/UBND-KGVX về hỗ trợ người lao động ngoại tỉnh không có nơi cư trú trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Sự hỗ trợ kịp thời cho những người lao động bị “mắc kẹt” lúc này chính là “phao cứu sinh” giúp họ vượt qua đại dịch Covid-19, để không bị nhấn chìm trong nghèo đói.

Thực hiện quyết liệt chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, để tinh thần “Không để ai bị bỏ lại phía sau” không chỉ là khẩu hiệu mà còn là hành động thực chất, các cấp chính quyền trên địa bàn Thành phố đã dồn lực, quan tâm, chăm lo đến từng người dân, từng nhóm đối tượng. Đơn cử như tại quận Ba Đình có khá nhiều người lao động ngoại tỉnh không thể về quê. Vì vậy, quận nhanh chóng triển khai những việc làm thiết thực để giúp đỡ, chia sẻ với những người lao động, người yếu thế gặp khó khăn do dịch Covid-19. Do đó, việc “đi chợ giúp dân” cho những hộ bị cách ly, già yếu, neo đơn được thực hiện; công tác trao tặng nhu yếu phẩm cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn với “Bữa cơm ấm lòng” được triển khai.

Kỳ 2: Quyết sách kịp thời, ấm lòng người dân
Người lao động tự do trên địa bàn quận Hà Đông “mắc kẹt” tại các công trình, các khu nhà trọ vui mừng nhận nhu yếu phẩm thiết yếu.

Hoặc như quận Hà Đông đã phát động “Chương trình 15.000 túi an sinh” kêu gọi các nguồn lực để hỗ trợ các hộ gia đình, người lao động ngoại tỉnh đang ở lại tại các công trình xây dựng, khu nhà trọ trên địa bàn. Chủ tịch UBND quận Hà Đông Cấn Thị Việt Hà cho biết, quận Hà Đông đã giao cho từng tổ dân phố, các doanh nghiệp rà soát đối tượng là công nhân và sinh viên. Theo đó, trên địa bàn quận có gần 13.000 lao động và khoảng 400 sinh viên đang bị mắc kẹt do giãn cách không thể về quê. Sau khi rà soát, nắm tình hình, quận đánh giá người lao động các tỉnh đang lưu lại trên địa bàn có nguy cơ thất nghiệp và thiếu đói nhất. “Chương trình 15.000 túi quà an sinh” để hỗ trợ cho công nhân ngoại tỉnh bị “mắc kẹt” tại các công trình, các khu nhà trọ. Mỗi túi an sinh hỗ trợ đối với cá nhân có trị giá từ 200 – 300 ngàn đồng, đối với hộ gia đình có trị giá từ 400 – 500 ngàn đồng.

Ông Trần Sơn Hải, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Hà Đông cũng chia sẻ, các tổ dân phố, phường của quận luôn trách nhiệm và khẩn trương rà soát các đối tượng cần được giúp đỡ, rà soát đúng, trúng đối tượng, tạo sự bình đẳng để đề xuất lên cơ quan cấp trên. “Hiện nay, quận đã chuyển các mặt hàng nhu yếu phẩm đến từng tổ dân phố, trụ sở phường để lực lượng cơ sở trao đến tận tay người lao động. Nhằm bảo đảm an sinh xã hội cho người dân ở mức cao nhất, từ thời điểm ngày 24/7 đến nay, ngoài các chính sách chung, quận Hà Đông đã huy động các nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ cho khoảng 25.000 lượt người, hộ gia đình với tổng trị giá gần 8 tỷ đồng”, ông Hải thông tin.

Được hỗ trợ kịp thời, khỏi phải nói, người dân đã phấn khởi như thế nào. Anh Đỗ Văn Kiêm (tổ dân phố 1, phường Phú La, quận Hà Đông) cho hay, trước đây gia đình anh thường mưu sinh bằng công việc thu gom phế liệu, thu nhập không ổn định. Dịch ập đến không thể đi làm khiến cuộc sống gia đình anh ngày càng khó khăn. Qua quá trình rà soát, gia đình anh đã được các cơ quan chức năng quận Hà Đông hỗ trợ túi an sinh xã hội gồm nhiều lương thực, thực phẩm thiết yếu.

“Phần quà tuy không lớn, nhưng đó là sự quan tâm, nên gia đình tôi luôn trân trọng, biết ơn. Để xứng đáng với tình cảm đó, các thành viên trong gia đình tôi động viên nhau cùng nỗ lực vượt khó”, anh Kiêm nói.

Cuộc chiến chống dịch Covid-19 vẫn chưa kết thúc, chắc chắn những khó khăn sẽ vẫn còn. Nhưng với những giải pháp và quyết sách từ các cấp chính quyền, người dân sẽ có thêm sức mạnh, vững tin cùng Thành phố chiến thắng dịch Covid-19, từng bước trở về trạng thái bình thường…

Kỳ 3: Huy động mọi nguồn lực để đảm bảo an sinh xã hội

Nhóm PV

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích