Chủ homestay tại Hà Nội gồng lỗ, lo phá sản

Chủ homestay tại Hà Nội gồng lỗ, lo phá sản

MTĐT –  Chủ nhật, 12/09/2021 12:41 (GMT+7)

Thị trường homestay tại Hà Nội đang chịu sức ép lớn khi liên tục rơi vào tình trạng thua lỗ. Một số nhà đầu tư tính chuyện rao bán, sang nhượng vì không thể cầm cự.

Theo dữ liệu nghiên cứu của AirDNA, nguồn cung mô hình kinh doanh homestay tại Việt Nam trong năm 2018 và 2019 đã tăng nóng 452% – vượt xa mức tăng trưởng trung bình toàn cầu là 140%.

Anh Hoàng Anh – chủ chuỗi homestay với 2 chi nhánh tọa lạc tại khu phố cổ Hà Nội (quận Hoàn Kiếm) – cho biết vào thời điểm đó, số tiền đổ vào thị trường kinh doanh homestay được cho là khoản đầu tư “một vốn 4 lời”.

Tuy nhiên, kể từ cuối năm 2019, đầu năm 2020, dịch bệnh ập đến khiến ngành du lịch tại Việt Nam chững lại. Mô hình kinh doanh homestay tại Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung từ đó cũng gặp nhiều khó khăn.

Nhiều chủ homestay tại Hà Nội đang đối diện với tình trạng lỗ chồng lỗ kéo dài. Thậm chí, nếu tương lai dịch bệnh chưa thể khả quan, một vài chủ sở hữu lên kế hoạch rao bán, sang nhượng homestay với mức giá rẻ, mong muốn thu hồi vốn nhanh chóng.

Kinh doanh Homestay tai Ha Noi anh 1
Trong khi một số chủ homestay vẫn tiếp tục bù lỗ, cầm cự chờ dịch qua, một số khác quyết định rao bán, sang nhượng homestay, tránh để tình trạng thua lỗ lún sâu. Ảnh: Hyggehome.

Liên tục bù lỗ

Năm 2017, anh Hoàng Anh kinh doanh mô hình homestay với một cơ sở duy nhất tại phố Hàng Bông (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Cuối năm 2019, anh quyết định mở thêm chi nhánh trên phố Hàng Trống (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), nâng công suất phục vụ từ 4 phòng lên 9 phòng.

Chia sẻ với Zing, anh Hoàng Anh cho biết tổng đầu tư cho 2 căn homestay là 1,5 tỷ đồng, trong đó, 1 tỷ đồng là nguồn vốn anh vay từ ngân hàng khi mở rộng chi nhánh.

Tuy nhiên, kể từ đợt dịch đầu tiên năm 2020, 2 cơ sở homestay của anh hầu như không có khách. “Dịch bệnh kéo dài khiến doanh thu sụt giảm không tưởng”, anh cho hay. Hơn 3 tháng qua, 2 căn homestay với 9 phòng cho thuê của anh đều không có khách, không có doanh thu.

Bên cạnh đó, theo anh Hoàng Anh, các khoản phí như thuê nhà, điện nước, khấu hao đang ngốn của anh khoảng 80 triệu đồng/tháng. “Song, tôi vẫn phải trả khoảng 20 triệu tiền vay ngân hàng gồm cả gốc và lãi. Trung bình mỗi tháng tôi mất gần 100 triệu đồng”, anh than thở.

Kinh doanh Homestay tai Ha Noi anh 2
Chuỗi nhà trọ homestay của anh Nguyên thưa khách vì dịch Covid-19 kéo dài. Ảnh: Ligot Homestay.

Tương tự, anh Đức Nguyên – đại diện chuỗi nhà trọ homestay Ligot dành cho học sinh, sinh viên, người mới đi làm – cho biết hiện tại, hệ thống đang liên tục bù lỗ vì doanh thu không đủ chi trả chi phí hàng tháng.

“Mỗi tháng, chuỗi nhà trọ homestay phải chi trả khoảng 16 triệu đồng/cơ sở cho các chi phí phát sinh như tiền thuê nhà, điện nước, sửa chữa…”, anh Nguyên chia sẻ.

Trong khi đó, tỷ lệ lấp đầy phòng của chuỗi hiện dừng ở mức 46%, thấp hơn nhiều so với mức 86-95% giai đoạn trước dịch.

Trò chuyện với Zing, anh Nguyên cho biết ban đầu hệ thống nhà trọ homestay hoạt động với 12 cơ sở, phủ khắp các quận nội thành Hà Nội. Tuy nhiên, kể từ đầu năm 2021, chuỗi nhà trọ homestay đã phải đóng cửa 7 cơ sở, 5 cơ sở còn lại vẫn duy trì vận hành.

Nhằm thu hút và giữ chân khách hàng, chuỗi nhà trọ homestay tung ra các gói ưu đãi như giảm 20% tiền thuê, hỗ trợ 100% chi phí điện, nước. Dù vậy, theo anh Đức, các gói ưu đãi vẫn chưa phát huy tối đa hiệu quả khi học sinh, sinh viên các tỉnh, thành không thể trở lại Hà Nội học tập và xu hướng làm việc online gia tăng.

Tương lai ảm đạm

Đứng trước bối cảnh dịch bệnh còn nhiều phức tạp, anh Hoàng Anh bày tỏ nỗi lo phá sản khi không thể cứ bù lỗ, trả nợ ngân hàng trong thời gian dài.

“Nếu dịch bệnh không khả quan trong 3-5 tháng tới và khả năng cầm cự không còn, chúng tôi sẽ phải tuyên bố phá sản, sang nhượng thương hiệu và thanh lý nội thất”, anh bộc bạch.

Theo anh Hoàng Anh, tình trạng thua lỗ trong ngành kinh doanh này đang trở thành xu hướng chung của xã hội trong suốt thời gian qua. Anh hy vọng có thể gồng gánh được đến khi dịch bệnh qua đi bởi đây là ngành dịch vụ tiềm năng hậu đại dịch.

Đồng quan điểm, anh Nguyên khẳng định chuỗi nhà trọ homestay đang chấp nhận thua lỗ để duy trì hoạt động kinh doanh và chỗ ở cho các khách đang lưu trú. Sau khi tình hình dịch cơ bản được khống chế, hệ thống sẽ tiếp tục tăng tỷ lệ lấp đầy phòng bằng các chương trình nâng cấp dịch vụ, điều chỉnh giá thuê.

“Dù trước mắt còn khó khăn, chúng tôi hy vọng sau khi dịch bệnh qua đi, hệ thống sẽ tiếp tục mở rộng, đáp ứng nhu cầu lưu trú tăng cao hậu đại dịch”, anh Nguyên nói.

Kinh doanh Homestay tai Ha Noi anh 3
Một số homestay với đầy đủ tiện ích như hồ bơi, khu vui chơi cộng đồng ở ngoại thành Hà Nội đang được rao bán với mức giá giảm sâu. Ảnh: NVCC.

Ngoài ra, theo tìm hiểu của Zing, cụm từ “bán gấp homestay” hiện xuất hiện tương đối nhiều trên các kênh rao bán bất động sản online. Anh Trần Thảo – môi giới bất động sản tại Hà Nội – nhận định khoảng một năm trở lại đây, nhu cầu rao bán, chuyển nhượng homestay có dấu hiệu tăng, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài.

Hiện tại, anh đang rao bán căn homestay rộng 1800 m2 tại xã Vân Hòa, huyện Ba Vì, Hà Nội với giá 7,3 tỷ. Anh cho biết nếu người mua nhiệt tình, chủ homestay sẵn sàng bớt 300 triệu đồng để giao dịch nhanh chóng thành công. “Họ kinh doanh homestay từ 2 năm trước nhưng liên tục thua lỗ vì dịch bệnh. Giờ họ giảm giá sâu, chỉ mong có người mua nhanh để hồi vốn”, anh Thảo kể.

Trái ngược với nhu cầu rao bán homestay tăng cao trong đại dịch, lượng khách hàng tìm mua hạng mục bất động sản này vẫn còn hạn chế. Theo anh Thảo, dịch bệnh diễn biến khó lường đang ảnh hưởng tới quyết định đầu tư của một bộ phận khách hàng bởi họ chưa thể trực tiếp tới xem địa thế.

“Hơn nữa, một số khách hàng còn chần chừ vì nếu quyết định mua, họ sẽ phải chờ hết dịch mới triển khai kinh doanh được. Tuy nhiên, vẫn có một số nhà đầu tư coi đây là cơ hội tốt để ‘săn’ homestay giá rẻ và nhanh chóng thu mua”, anh Thảo khẳng định.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích