Quỹ bình ổn giá: Cần quản lý chặt chẽ!
Ngày 6/4, tiếp tục Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận về dự thảo Luật Giá (sửa đổi). Vấn đề bình ổn giá tiếp tục nhận được sự quan tâm thảo luận của nhiều đại biểu.
Tránh việc lạm dụng
Báo cáo một số vấn đề lớn về dự án Luật Giá (sửa đổi), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Thị Phú Hà cho biết, Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng, giá là vấn đề ảnh hưởng, tác động trực tiếp đến từng người dân, doanh nghiệp, liên quan đến ổn định thị trường.
Do đó, cần quy định cụ thể mặt hàng bình ổn giá trong Luật nhằm tạo sự công khai, minh bạch, đặc biệt tránh việc lạm dụng để mở rộng phạm vi các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, hạn chế sự can thiệp từ cơ quan quản lý nhà nước đến quy luật cung cầu; bảo đảm tính pháp lý chắc chắn, ổn định, giúp doanh nghiệp, người dân đang kinh doanh những mặt hàng thuộc diện bình ổn giá có chiến lược kinh doanh phù hợp.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tiếp thu các ý kiến góp ý tại hội nghị, Ảnh: Quốc hội |
Để bảo đảm tính linh hoạt, kịp thời, Luật Giá hiện hành cũng đã quy định trường hợp cần điều chỉnh danh mục các mặt hàng bình ổn giá, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. Vì vậy, để đúng với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan dân cử, bảo đảm công khai, minh bạch về chính sách và vẫn đáp ứng tính linh hoạt, kịp thời, phù hợp thực tiễn, Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị giữ như quy định của Luật hiện hành.
Cho ý kiến về nội dung này, đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) cho rằng, việc giao cho Chính phủ quy định về việc thành lập, quản lý, trích lập và sử dụng Quỹ bình ổn giá sẽ tạo cơ sở pháp lý cho việc thành lập quỹ sau này khi cần thiết. Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện cần có sự đổi mới để đảm bảo tính minh bạch, công bằng, hiệu quả.
Về danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá tại Phụ lục số 1, theo đại biểu, qua đối chiếu với danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá được quy định tại khoản 2 Điều 15 của Luật Giá hiện hành, có một số loại hàng hóa, dịch vụ không nằm trong Phụ lục 1 của dự thảo luật như điện khí, dầu mỏ hóa lỏng, muối ăn, đường ăn, thóc, gạo tẻ thường. Do đó, đại biểu đề nghị thuyết minh làm rõ thêm để tăng tính thuyết phục, làm cơ sở cho việc quy định 8 loại hàng hóa, dịch vụ nêu trên của Dự thảo Luật.
Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Quốc hội |
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) cho rằng, giá cả có ảnh hưởng, tác động trực tiếp đến từng người dân, doanh nghiệp. Do đó, cần được quy định cụ thể ngay trong Luật để tạo sự công khai, minh bạch, đặc biệt là nhằm tránh lạm dụng để mở rộng phạm vi các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, hạn chế sự can thiệp của cơ quan quản lý nhà nước.
“Quy định về bình ổn giá trong Luật theo tôi là rất cần thiết. Tuy nhiên, phải hoàn thiện cơ chế quản lý và quy định, đặc biệt là nguồn hình thành quỹ, thời gian hoạt động quỹ và giao cho Chính phủ quyết định để đảm bảo công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích của người dân và Nhà nước, quỹ bình ổn giá là vận động doanh nghiệp và người dân tham gia.
Tôi cho rằng quỹ bình ổn giá là do Nhà nước trực tiếp quản lý và Nhà nước có thể đầu tư từ ngân sách để khi có sự đột biến, ví dụ như giá xăng, dầu thì sử dụng quỹ bình ổn giá này để can thiệp vào thị trường, làm sao đảm bảo cho thị trường tốt hơn, hạn chế đến mức thấp nhất vận động doanh nghiệp và người dân để tham gia vào quỹ bình ổn giá này”, đại biểu nói.
Duy trì Quỹ bình ổn giá là cần thiết
Đại biểu Phạm Văn Hòa cũng tán thành duy trì Quỹ bình ổn giá xăng, dầu. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, Quỹ bình ổn giá xăng, dầu hiện nay giao cho doanh nghiệp quản lý thì không hợp lý và đề nghị giao cho Nhà nước, đặc biệt là Bộ Tài chính quản lý.
Đại biểu Phạm Văn Hòa tán thành duy trì Quỹ bình ổn giá xăng, dầu. Ảnh: Quốc hội |
Đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn Quảng Nam) cũng cho rằng duy trì Quỹ bình ổn giá là cần thiết. Tuy nhiên, trong Luật phải quy định rõ cơ chế quản lý vận hành công khai, minh bạch, hài hòa được lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân…
Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo phát biểu tiếp thu các ý kiến góp ý tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, về danh mục bình ổn giá, đề nghị giữ nguyên 7 mặt hàng và cộng thêm một mặt hàng nữa là 8 mặt hàng.
“Về ý kiến của đại biểu Hòa về Quỹ bình ổn giá cần phải quản lý chặt chẽ, chúng tôi xin tiếp thu và Bộ Tài chính không đứng ngoài cuộc đối với quản lý giá. Bộ Tài chính sẽ làm mẫu số chung, có nghĩa là khi xây dựng phương pháp định giá của các loại mặt hàng thì các bộ, ngành sẽ xin ý kiến hay nói cách khác sẽ lấy ý kiến của Bộ Tài chính, rồi sau đấy mới ban hành. Việc quản lý các hàng hóa thuộc chuyên môn thì do các bộ, ngành quản lý”, Bộ trưởng Bộ Tài chính nói.
Nguồn: Báo lao động thủ đô