Tuần đầu học trực tuyến: Trẻ dần thích nghi, áp lực cả giáo viên và phụ huynh

Tuần đầu học trực tuyến: Trẻ dần thích nghi, áp lực cả giáo viên và phụ huynh

Kết thúc tuần dạy học trực tuyến đầu tiên của năm học mới 2021 – 2022, nhiều giáo viên và phụ huynh đã có những cảm xúc và ý kiến riêng.

Sau tiếng trống khai trường ngày 5/9, học sinh nhiều nơi trên cả nước chính thức bước vào năm học mới. Tính đến thời điểm hiện tại, học sinh đã hoàn thành xong tuần học đầu tiên, tuy nhiên đã có nhiều ý kiến xoay quanh việc học online. 

Chia sẻ với Gia đình Việt Nam, chị Nguyễn Hồng Ngọc có 2 con đang học lớp 3 và lớp 7 tại quận Đống Đa, Hà Nội bày tỏ: “2 con tôi có lịch học 2 buổi khác nhau: em út học sáng, anh cả học chiều. Cả 2 anh em đã dần quen với việc học online và chương trình sách mới. Các giáo viên kèm cặp sát sao, có bài bản hơn. Thời khoá biểu của các con chỉ 3 tiết và đan xen với các môn phụ nên không bị áp lực. Tuy nhiên, nếu bố mẹ đi làm không kèm cặp thì các con lại không tập trung và dễ sao nhãng”.

Chị Phùng Bích Thúy (quận Cầu Giấy, Hà Nội) có con gái đang học lớp 1 tại tường Tiểu học Dịch Vọng Hậu A cũng chia sẻ: “Trong 1 tuần qua, những ngày đầu tiên của năm học mới thật sự vất vả, lúc nào cũng phải ngồi kế bên 24/24 để hướng dẫn con học và sử dụng thiết bị. Cùng với đó, việc đường truyền Internet không ổn định khến con phải đăng nhập liên tục, rồi mắt con phải tiếp xúc với màn hình thời gian dài khiến tôi cũng khá lo lắng.

Tuy nhiên, các thầy cô giáo rất nhiệt tình và đổi mới cách dạy, tổ chức trò chơi để học sinh hứng khởi. Các con cũng dần thích nghi bởi vì việc dạy và học online là giải pháp duy nhất lúc này để sống chung với dịch”.

Empty

Tuần đầu tiên học trực tuyến, chị Thúy luôn phải ngồi cạnh để hướng dẫn con học

Không chỉ phụ huynh, học sinh gặp nhiều khó khăn trong tuần đầu tiên học online mà chính các thầy cô giáo cũng đang cảm thấy vất vả, áp lực từ nhiều phía.

Cô Nguyễn Ngọc Thúy, giáo viên tại một trường Tiểu học quận Ba Đình (Hà Nội) chia sẻ: “Sau tuần học đầu tiên, cô và trò đã quen với cách học tập online nên không gặp khó khăn về các thao tác trong khi học. Tôi cũng cố gắng giao số lượng bài tập hợp lý, không gây áp lực bài tập cho con”.

Tuy nhiên, theo cô Thúy vẫn còn một số khó khăn tồn tại đó là việc chấm chữa bài cho học sinh.

“Hiện lớp tôi đang sử dụng Google Classroom để giao và nộp bài tập, một số phụ huynh chưa biết cách chụp ảnh và nộp bài trên các app đó nên giáo viên chưa tổng hợp được đầy đủ về bài làm của các con”, cô Thúy cho hay.

Theo thầy Nguyễn Văn Minh, giáo viên trường THCS tại quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) không chỉ có học sinh mà chính các giáo viên cũng mỏi nhức mắt vì phải chấm chữa bài qua hình ảnh, phải làm rất nhiều clip bài giảng. Kết thúc giờ học, giáo viên lại có một khối lượng việc khổng lồ đang chờ đợi từ soạn giáo án, làm clip, chấm chữa và giao bài mới cho học sinh…

Không chỉ vậy, học sinh mức độ nhận thức khác nhau, trong giờ học có nhiều trường hợp sẽ hay làm việc riêng, nghịch ngợm, tự bật mic lên nói hoặc vô tình bật mic âm thanh tràn vào… là tác nhân gây ảnh hưởng đến chất lượng, thời gian bài giảng. Giáo viên khi đó vừa lo giảng bài vừa xử lý tắt mic cho học sinh.

Empty

Thầy cô giáo gặp không ít khó khăn sau tuần đầu dạy học online

Chia sẻ về việc học trực tuyến, thầy Nguyễn Xuân Khang – Hiệu trưởng Trường Marie Curie cho biết: “Năm học mới đã được 1 tuần, các con lớp 1 học online tuần đầu tiên và có thể vài tuần nữa. Ở tuổi lên 6, những ngày đầu đi học, bình thường đã có biết bao khó khăn, giờ phải học trực tuyến thì khó khăn càng tăng gấp nhiều lần. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và các con tạm thời ở nhà, học trực tuyến là lựa chọn duy nhất phải chấp nhận”.

Tuy nhiên, hầu hết các giáo viên sau quá trình triển khai dạy học online đều khẳng định phương thức dạy học này nếu thiếu vai trò của phụ huynh sẽ không thể có hiệu quả. Khác với hình thức học trên lớp có sự hướng dẫn, tương tác cũng như giám sát trực tiếp của giáo viên với học sinh thì học trực tuyến đòi hỏi tính tự giác của học sinh rất cao. Phụ huynh không chỉ đóng vai trò hỗ trợ về phương tiện, kỹ thuật giúp con tiếp cận với học trực tuyến mà còn phải đốc thúc và tăng cường ý thức học tập cho học sinh tại nhà.

Rõ ràng, gánh nặng trong việc khắc phục những khó khăn, bất cập phát sinh trong quá trình dạy học online đang dồn lên giáo viên, học sinh và phụ huynh, trong khi đa số họ đều còn nhiều bỡ ngỡ với phương pháp dạy và học mới. Nếu khắc phục được những trở ngại này thì cả người dạy và người học sẽ tiếp cận được phương pháp giáo dục 4.0, bắt nhịp được với những kiến thức, công nghệ hiện đại, sẵn sàng chủ động học tập, làm việc trong mọi tình huống.

Bạn cũng có thể thích