Tạo cơ hội nâng cao chất lượng cuộc sống cho phụ nữ di cư
Chiều ngày 6/4, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức khai mạc triển lãm “Nơi tôi đến” để đưa tới cái nhìn toàn diện hơn về hành trình của những người phụ nữ di cư, đồng thời tìm ra những gợi ý nâng cao chất lượng sống và cơ hội bình đẳng cho họ.
Bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Đại sứ Canada tại Việt Nam Shawn Steil cùng các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm “Nơi tôi đến”. |
Để thực hiện triển lãm, nhóm nội dung của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã gặp gỡ, phỏng vấn 20 nữ lao động di cư từ 16 – 34 tuổi, với đa dạng ngành nghề: từ phục vụ bàn, cắt tóc gội đầu, bán hàng thuê, đầu bếp, thu mua đồng nát hay người bán hàng rong… Họ đến từ nhiều miền quê khác nhau: Sơn La, Cao Bằng, Phú Thọ, Hưng Yên, Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh… nhưng đều chọn Hà Nội là điểm dừng chân trên hành trình mưu sinh, với nỗ lực tìm kiếm, thực hiện ước mơ và hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn.
Ước mong một ngày của họ là được nghỉ ngơi, thảnh thơi đến phố đi bộ, công viên hay có một không gian chung gần nơi ở… để thư giãn, giải tỏa căng thẳng sau những giờ mưu sinh vất vả… Điều này được hiện diện qua những tư liệu hình ảnh, phim ngắn và bối cảnh dàn dựng trong triển lãm.
Giao lưu với các khách mời tại triển lãm. |
Phát biểu tại sự kiện, bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết: Theo kết quả Tổng điều tra năm 2019, phụ nữ vẫn chiếm số đông hơn trong những người di cư (55,5%). Dù tỷ trọng nam giới trong lực lượng lao động ở nước ta cao hơn so với nữ giới (52,7% so với 47,3%) nhưng tỷ trọng nữ giới trong lực lượng lao động di cư lại cao hơn (53,4% so với 46,6%). Và khoảng 2/3 (61,8%) người di cư thuộc nhóm tuổi trẻ từ 20 – 39 tuổi. Riêng ở Hà Nội, có 32 phường, xã, cứ 10 người thì có ít nhất 3 người là nhập cư.
Từ số liệu này có thể thấy, phụ nữ di cư là lực lượng lao động rất quan trọng, góp phần vào sự phát triển kinh tế của các thành phố và các khu công nghiệp. Tuy nhiên, họ cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức và rào cản ở nơi đến, cả về công việc và cuộc sống gia đình hơn nam giới.
Vậy với những người phụ nữ, lựa chọn các thành phố lớn là điểm đến trong hành trình cuộc đời, họ đã và đang thích nghi, hòa nhập như thế nào với cuộc sống nơi đây? Họ có cơ hội tiếp cận và trải nghiệm một cách an toàn, bình đẳng tại những khu vực “thuộc về chung” này hay không?. Để trả lời câu hỏi này, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương cho rằng triển lãm “Nơi tôi đến” chính là một diễn đàn mở để lắng nghe những tiếng nói và tìm ra đáp án.
Đại biểu và khách tham quan triển lãm “Nơi tôi đến”. |
Hiện, triển lãm “Nơi tôi đến” đang diễn ra tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (số 36 Lý Thường Kiệt, Hà Nội).
Triển lãm “Nơi tôi đến” gồm 3 chủ đề kể về hành trình những nữ lao động di cư rời xa những miền quê từ “Nơi tôi đi”, họ đặt chân đến những thành phố để tìm kiếm việc làm tại “Nơi tôi đến” và được giải tỏa những áp lực cuộc sống trong các không gian công cộng với mong ước “Nơi ấy có tôi”. Trong khuôn khổ khai mạc triển lãm, chương trình cũng tổ chức giao lưu với 3 khách mời: Chị Lê Thị Hoa, nữ lao động di cư – đại diện nhân vật trong triển lãm; PGS. Danielle Labbé – Trường Quy hoạch Đô thị và Kiến trúc cảnh quan, Đại học Montreal (Canada) và ông Lê Quang Bình – Giám đốc ECUE & Điều phối viên mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống. Từ những câu chuyện của các nhân vật và ý kiến của các chuyên gia được chia sẻ tại đây, công chúng hiểu hơn về tầm quan trọng của không gian công cộng đối với những nữ lao động di cư. Những hành động thiết thực mà các tổ chức, các nhóm cộng đồng đã làm để nâng cao chất lượng sống cho nhóm phụ nữ này cũng như góp phần chung tay lan tỏa thông điệp “Vì một không gian công cộng chung cho tất cả mọi người”. |
Nguồn: Báo lao động thủ đô