Chuyển nhượng cổ phiếu nộp thuế thế nào?
(Xây dựng) – Ông Nguyễn Văn Nghĩa (Hà Nội) là cổ đông một công ty cổ phần, sở hữu 100.000 cổ phiếu, trong đó số lượng cổ phiếu góp vốn ban đầu tại thời điểm thành lập năm 2020 là 50.000 cổ phiếu, là cổ phiếu phổ thông (cổ phiếu gốc); số lượng cổ phiếu tăng thêm do được trả cổ tức bằng cổ phiếu năm 2021 là 50.000 cổ phiếu (cổ phiếu thưởng).
Ảnh minh họa (nguồn: Internet). |
Ngày 1/1/2023, ông Nghĩa thực hiện việc chuyển nhượng 10.000 cổ phiếu gốc (không bao gồm cổ phiếu thưởng) cho cá nhân khác. Tại hợp đồng chuyển nhượng giữa 2 bên, ông đã nêu rất rõ đây là cổ phiếu gốc, không phải cổ phiếu thưởng.
Căn cứ Điểm a và Điểm b Khoản 2 Điều 11 Thông tư số 111/2013/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại Điều 16 Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15/06/2015 và Khoản 5 Điều 16 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 6/11/2013 được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 6 Điều 21 Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 của Bộ Tài chính, ông đã thực hiện việc kê khai và nộp thuế thu nhập cá nhân theo thuế suất 0,1% trên giá chuyển nhượng chứng khoán từng lần.
Để hoàn tất thủ tục chuyển nhượng và đăng ký thay đổi cổ đông trong sổ đăng ký cổ đông của công ty. Ông Nghĩa hỏi, việc kê khai và nộp thuế thu nhập cá nhân của ông như trên đã đúng quy định của Bộ Tài chính hay chưa?
Sau khi hoàn thành việc nộp thuế này, người nhận chuyển nhượng có đương nhiên được công nhận tư cách là cổ đông mới của công ty hay không?
Trường hợp nếu chuyển nhượng số lượng cổ phiếu gốc còn lại (40.000 cổ phiếu) và một phần cổ phiếu thưởng (10.000 cổ phiếu), thì ông phải chịu các khoản thuế nào khác? Thuế suất, tiền thuế phải nộp của ông là bao nhiêu?
Cục Thuế Thành phố Hà Nội trả lời vấn đề này như sau:
Căn cứ Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật sửa dổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Nghị định số 65/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân, hướng dẫn như sau:
Tại Điều 2 hướng dẫn về thu nhập chịu thuế:
“Điều 2. Các khoản thu nhập chịu thuế
3. Thu nhập từ đầu tư vốn
Thu nhập từ đầu tư vốn là khoản thu nhập cá nhân nhận được dưới các hình thức:
g) Thu nhập từ cổ tức trả bằng cổ phiếu, thu nhập từ lợi tức ghi tăng”.
Tại Điều 10 hướng dẫn về căn cứ tính thuế đối với thu nhập từ đầu tư vốn:
“Điều 10. Căn cứ tính thuế đối với thu nhập từ đầu tư vốn
Căn cứ tính thuế đối với thu nhập từ đầu tư vốn là thu nhập tính thuế và thuế suất:
1. Thu nhập tính thuế
Thu nhập tính thuế từ đầu tư vốn là thu nhập chịu thuế mà cá nhân nhận được theo hướng dẫn tại Khoản 3 Điều 2 Thông tư này.
2. Thuế suất đối với thu nhập từ đầu tư vốn áp dụng theo Biểu thuế toàn phần với thuế suất là 5%.
3. Thời điểm xác định thu nhập tính thuế
Thời điểm xác định thu nhập thủ thuế đối với thu nhập từ đầu tư vốn là thời điểm tổ chức, cá nhân và thu nhập cho người nộp thuế.
Riêng thời điểm xác định thu nhập tính thuế đối với một số trường hợp như sau:
… c) Đối với thu nhập từ cổ tức trả bằng cổ phiếu theo hướng dẫn tại Điểm g Khoản 3, Điều 2 Thông tư này thì thời điểm xác định thu nhập từ đầu tư vốn là thời điểm cá nhân chuyển nhượng cổ phiếu.
d) Trường hợp cá nhân nhận được thu nhập do việc đầu tư vốn ra nước ngoài dưới mọi hình thức thì thời điểm xác định thu nhập tính thuế là thời điểm cá nhân nhận thu nhập.
4. Cách tính thuế
Số thuế thu nhập cá nhân phải nộp = Thu nhập tính thuế x Thuế suất 5%”.
Căn cứ tính thuế từ chuyển nhượng vốn
Tại Điều 11 hướng dẫn về căn cứ tính thuế với thu nhập từ chuyển nhượng vốn:
“Điều 11. Căn cứ tính thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn
… 2. Đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán
… d) Đối với trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu.
Trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu, cá nhân chưa phải nộp thuế thu nhập cá nhân khi nhận cổ phiếu. Khi chuyển nhượng số cổ phiếu này, cá nhân phải nộp thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ đầu tư vốn và thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán, cụ thể như sau:
d.1) Căn cứ để xác định số thuế thu nhập cá nhân phải nộp đối với thu nhập từ đầu tư vốn là giá trị cổ tức ghi trên sổ sách kế toán hoặc số lượng cổ phiếu thực nhận nhân (×) với mệnh giá của cổ phiếu đó và thuế suất thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ đầu tư vốn.
Trường hợp giá chuyển nhượng cổ phiếu nhận thay cổ tức thấp hơn mệnh giá thì tính thuế thu nhập cá nhân đối với hoạt động đầu tư vốn theo giá thị trường tại thời điểm chuyển nhượng.
Sau khi nhận cổ tức bằng cổ phiếu, nếu cá nhân có chuyển nhượng cổ phiếu cùng loại thì khai và nộp thuế thu nhập cá nhân đối với cổ tức nhận bằng cổ phiếu cho tới khi hết số cổ phiếu nhận thay cổ tức.
d.2) Căn cứ để xác định số thuế thu nhập cá nhân phải nộp đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán được xác định theo hướng dẫn tại Điểm b Khoản 2 Điều này.
Ví dụ 12: Ông K là cổ đông của công ty cổ phần X (đã niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán). Năm 2011, ông K được nhận 5.000 cổ phiếu (CP) trả thay cổ tức của Công ty X (mệnh giá của cổ phiếu là 10.000 đồng). Tháng 2/2014, Ông K chuyển nhượng 2.000 cổ phiếu của công ty X với giá là 30.000 đồng/cổ phiếu. Tháng 8/2014, ông K chuyển nhượng 7.000 cổ phiếu với giá là 20.000 đồng/cổ phiếu.
Khi chuyển nhượng ông K phải nộp thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ đầu tư vốn và thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán, cụ thể như sau:
* Đối với lần chuyển nhượng tháng 2/2014
– Thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ đầu tư vốn:
(2.000 CP × 10.000 đồng) × 5% = 1.000.000 đồng
– Thuế thu nhập cá nhân (tạm nộp) đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán:
(2.000 CP × 30.000 đồng) × 0,1% = 60.000 đồng
* Đối với lần chuyển nhượng tháng 8/2014
– Thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ đầu tư vốn:
(3.000 CP × 10.000 đồng) × 5% = 1.500.000 đồng
– Thuế thu nhập cá nhân (tạm nộp) đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán:
(7.000 CP × 20.000 đồng) × 0,1% = 140.000 đồng”.
Căn cứ Điều 16 Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Điểm a và Điểm b Khoản 2 Điều 11 Thông tư số 111/2013/TT-BTC như sau:
“Điều 16. Sửa đổi, bổ sung Điểm a và Điểm b Khoản 2 Điều 11 Thông tư số 111/2013/TT-BTC như sau:
“a) Thu nhập tính thuế
Thu nhập tính thuế từ chuyển nhượng chứng khoán được xác định là giá chuyển nhượng chứng khoán từng lần.
a.1) Giá chuyển nhượng chứng khoán được xác định như sau:
a.1.1) Đối với chứng khoán của công ty đại chúng giao dịch trên Sở Giao dịch chứng khoán, giá chuyển nhượng chứng khoán là giá thực hiện tại Sở Giao dịch chứng khoán. Giá thực hiện là giá chứng khoán được xác định từ kết quả khớp lệnh hoặc giá hình thành từ các giao dịch thỏa thuận tại Sở Giao dịch chứng khoán.
a.1.2) Đối với chứng khoán không thuộc trường hợp nêu trên, giá chuyển nhượng là giá ghi trên hợp đồng chuyển nhượng hoặc giá thực tế chuyển nhượng hoặc giá theo sổ sách kế toán của đơn vị có chứng khoán chuyển nhượng tại thời điểm lập báo cáo tài chính gần nhất theo quy định của pháp luật về kế toán trước thời điểm chuyển nhượng.
b) Thuế suất và cách tính thuế:
Cá nhân chuyển nhượng chứng khoán nộp thuế theo thuế suất 0,1% trên giá chuyển nhượng chứng khoán từng lần.
Cách tính thuế:
Thuế thu nhập cá nhân phải nộp = Giá chuyển nhượng chứng khoán từng lần x Thuế suất 0,1%”.
Căn cứ quy định nêu trên, trường hợp ông Nguyễn Văn Nghĩa nhận cổ tức bằng cổ phiếu thì chưa phải nộp thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ đầu tư vốn khi nhận cổ phiếu.
Sau khi nhận cổ tức bằng cổ phiếu, nếu cá nhân có chuyển nhượng cổ phiếu cùng loại thì khai và nộp thuế thu nhập cá nhân đối với cổ tức nhận bằng cổ phiếu cho tới khi hết số cổ phiếu nhận thay cổ tức theo hướng dẫn tại Tiết d.1 Điểm d Khoản 2 và ví dụ 12 Điều 11 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính.
Vướng mắc của ông liên quan về xác định tư cách cổ đông mới của người nhận chuyển nhượng cổ phiếu không thuộc thẩm quyền hướng dẫn của cơ quan thuế TP. Hà Nội, đề nghị ông liên hệ với cơ quan có thẩm quyền để được hướng dẫn thực hiện.
Nguồn: Báo xây dựng