Bố trí quỹ đất phát triển nhà cho công nhân thuê trong khu công nghiệp
Chuyên gia cho rằng quy định trách nhiệm của UBND cấp tỉnh về xác định nhu cầu xây dựng khu nhà ở, công trình công cộng phục vụ đời sống người lao động làm việc trong cụm công nghiệp là rất cần thiết.
Dự án chung cư Hacom Galacity tại khu đô thị mới Đông Bắc, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm (Ninh Thuận). (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN) |
Một trong những điểm mới của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được nhiều chuyên gia, doanh nghiệp nhận xét là hoàn thiện hơn quy định về chế độ sử dụng đất cho khu công nghiệp, khu công nghệ cao và khu kinh tế; bổ sung quy định việc sử dụng đất để xây dựng công trình ngầm, đáp ứng yêu cầu đặt ra của thực tiễn phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Liên quan đất cụm công nghiệp được quy định tại Điều 194 của Dự thảo Luật, ông Ngô Quang Trung, Cục trưởng Cục Công Thương địa phương, Bộ Công Thương, cho rằng qua công tác quản lý, theo dõi đầu tư, phát triển cụm công nghiệp, việc Nhà nước có chính sách giảm tiền thuê lại đất đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, các cơ sở di dời do ô nhiễm môi trường đầu tư trong các cụm công nghiệp và quy định trách nhiệm của Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh về xác định nhu cầu xây dựng khu nhà ở, công trình công cộng phục vụ đời sống người lao động làm việc trong các cụm công nghiệp là hết sức cần thiết.
Vì vậy, ông Ngô Quang Trung đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thêm đối tượng cụm công nghiệp vào khoản 8 và 9 Điều 194; xem xét lại thủ tục Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh xin ý kiến thống nhất của các Bộ trong việc “xác định quỹ đất dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các cơ sở di dời do ô nhiễm môi trường” của các tỉnh,thành phố vì phát sinh thêm thủ tục, thời gian.
Nội dung này nên giao quyền cho Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương để chủ động xác định quỹ đất này.
Ông Ngô Quang Trung cho biết thêm hiện nay cả nước có trên 540 cụm công nghiệp, trong đó trên 50% là các đơn vị Nhà nước không phải là đơn vị sự nghiệp công thuộc địa bàn kinh tế-xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn làm chủ đầu tư.
Vì vậy, nếu chỉ quy định như tại khoản 2 Điều 194 Dự thảo Luật thì chưa có cơ chế cho thuê đất đối với các cụm công nghiệp do đơn vị Nhà nước không phải là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc địa bàn kinh tế-xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn làm chủ đầu tư, đây là vấn đề còn tồn tại, vướng mắc chưa có hướng xử lý.
Góp ý về chế độ sử dụng đất đối với khu công nghiệp, ông Lam Kim Vee, Giám đốc Công Ty Trách nhiệm hữu hạn VSIP Hải Phòng, cho rằng dự thảo bổ sung khá nhiều quy định mới đối với đất khu công nghiệp.
Tuy nhiên các quy định này còn chồng chéo và chưa đảm bảo được quyền lợi của chủ đầu tư kết cấu hạ tầng khu công nghiệp.
Cụ thể tại khoản 8 Điều 194, dự thảo quy định: “Nhà nước có chính sách giảm tiền thuê lại đất trong khu công nghiệp cho các trường hợp quy định tại khoản này. Khoản tiền thuê lại đất được giảm được hoàn trả cho chủ đầu tư kết cấu hạ tầng khu công nghiệp thông qua việc khấu trừ vào tiền thuê đất mà chủ đầu tư kết cấu hạ tầng khu công nghiệp phải nộp theo quy định của pháp luật về thu tiền thuê đất.”
Đây là quy định hoàn toàn mới nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các cơ sở di dời do ô nhiễm môi trường, đồng thời, thu hút đối tượng này vào các khu công nghiệp.
Tuy nhiên, Dự thảo không có quy định rõ ràng, cụ thể về cơ chế cũng như trình tự thủ tục thực hiện quy định này ra sao.
Bên cạnh đó, quy định này có thể làm phát sinh thêm thủ tục hành chính, khó khăn, vướng mắc cho chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp trong quá trình kê khai, nộp tiền thuê đất trong khi chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp đã phải dành quỹ đất riêng công nghiệp đã hoàn thiện hạ tầng để cho các đối tượng này.
Vì vậy, ông Lam Kim Vee đề nghị xem xét các chính sách ưu đãi khác áp dụng với các trường hợp nêu trên, tránh phát sinh thêm các thủ tục hành chính phức tạp, không cần thiết cho các chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp…
Góp ý tại khoản 9 Điều 194 về đất khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp, ông Bùi Hoài Nam, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Khánh Hòa, cho rằng Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm xác định nhu cầu xây dựng khu nhà ở, công trình công cộng phục vụ đời sống người lao động làm việc trong khu công nghiệp, khu chế xuất để tích hợp vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị, nông thôn.
Không bố trí khu vực nhà ở của người lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Điều này chưa giải quyết được những khó khăn, vướng mắc trong quy hoạch, bố trí quỹ đất dành để xây dựng nhà ở công nhân tại khu công nghiệp, chưa phù hợp với nội dung trong Luật Nhà ở (sửa đổi).
Ông Bùi Hoài Nam đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu giữ lại một số quy định của Luật Đất đai hiện hành và sửa đổi theo hướng bố trí quỹ đất phát triển nhà ở cho công nhân thuê ngay trong khu công nghiệp; coi nhà ở cho công nhân thuê là một hạ tầng thiết yếu của khu công nghiệp, làm cơ sở pháp lý cho việc bố trí nhà lưu trú trong phần diện tích đất dịch vụ của khu công nghiệp./.
Nguồn: Báo xây dựng