Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ Di tích quốc gia đặc biệt Đồng Khởi Bến Tre

(Xây dựng) – Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 340/QĐ-TTg ngày 3/4/2023 phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt Đồng Khởi Bến Tre.

Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ Di tích quốc gia đặc biệt Đồng Khởi Bến Tre
Di tích quốc gia đặc biệt Đồng Khởi Bến Tre (ảnh: Internet).

Theo phê duyệt, phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch có tổng diện tích khoảng 9.000ha, là toàn bộ diện tích tự nhiên, khu vực cảnh quan, cộng đồng dân cư gắn với di tích nằm trên địa bàn các xã Định Thủy, Phước Hiệp, Bình Khánh, An Thạnh, Minh Đức và thị trấn Mỏ Cày thuộc huyện Mỏ Cày Nam, khu vực diễn ra những sự kiện quan trọng liên quan đến phong trào Đồng Khởi Bến Tre.

Quy mô lập quy hoạch có tổng diện tích khoảng 95ha, bao gồm:

Khu vực hiện còn các điểm di tích và địa điểm liên quan trực tiếp đến phong trào Đồng Khởi tại các xã Định Thủy (07 điểm), Phước Hiệp (01 điểm), Bình Khánh (01 điểm) và thị trấn Mỏ Cày (01 điểm) thuộc huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre; diện tích khoảng 44ha.

Khu vực phục dựng, tái hiện không gian di tích, gồm: Đồn Vàm Nước Trong, Khu trù mật Thành Thới, Khu làng du kích; diện tích khoảng 10ha.

Diện tích khu vực dự kiến mở rộng để triển khai các dự án phát huy giá trị di tích tại vùng đệm và vùng vườn cây ăn trái ven sông Hàm Luông tại xã Định Thủy; diện tích khoảng 41ha.

Quy mô, vị trí và ranh giới được thể hiện trong bản đồ Xác định phạm vi quy hoạch thuộc Hồ sơ Nhiệm vụ lập Quy hoạch và được xác định cụ thể tại bước lập quy hoạch.

Bảo tồn, tôn tạo và gìn giữ lâu dài Di tích quốc gia đặc biệt Đồng Khởi Bến Tre

Mục tiêu lập quy hoạch nhằm nhận diện đầy đủ giá trị của Di tích quốc gia đặc biệt Đồng Khởi Bến Tre gắn với phong trào nổi dậy đồng loạt nhất tề chống Mỹ của nhân dân miền Nam giai đoạn 1959 – 1960. Hoàn thiện hệ thống hồ sơ, dữ liệu làm cơ sở chuyển đổi số và tự động hóa trong quản lý; tạo lập khung pháp lý, chính sách thu hút nguồn lực để quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích.

Bảo tồn, tôn tạo và gìn giữ lâu dài Di tích quốc gia đặc biệt Đồng Khởi Bến Tre và những giá trị lịch sử, cách mạng gắn với phong trào Đồng Khởi, góp phần giáo dục tinh thần yêu nước, truyền thống cách mạng và sự tri ân, lòng biết ơn công lao của các thế hệ đi trước; hình thành không gian tưởng niệm các anh hùng, liệt sỹ, nhân vật lịch sử của phong trào Đồng Khởi.

Xác định ranh giới, khoanh vùng bảo vệ di tích; chức năng, chỉ tiêu sử dụng đất cho khu vực di tích, khu vực dân cư và khu vực bảo vệ môi trường. Quy hoạch tổ chức không gian, bố trí hệ thống hạ tầng kỹ thuật phù hợp với các giai đoạn bảo tồn, phát huy giá trị di tích.

Phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt Đồng Khởi Bến Tre trở thành địa chỉ văn hóa và du lịch hấp dẫn gắn liền với phong trào cách mạng Đồng Khởi; hình thành các tuyến du lịch trải nghiệm, hành hương về nguồn, góp phần phát triển văn hóa, kinh tế – xã hội và du lịch của tỉnh Bến Tre.

Nội dung nhiệm vụ lập quy hoạch

Nội dung Nhiệm vụ lập quy hoạch bao gồm: Xác định yêu cầu nghiên cứu, khảo sát, đánh giá hiện trạng di tích; xác định yêu cầu nghiên cứu, khảo sát khu vực lập quy hoạch; xác định đặc trưng và giá trị tiêu biểu của di tích: Nhận diện các yếu tố cấu thành di tích; xác định các giá trị lịch sử – văn hóa, giá trị tư liệu – giáo dục, giá trị cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái; đánh giá khả năng khai thác và phát huy hiệu quả giá trị di tích.

Xác định quan điểm, mục tiêu của quy hoạch di tích; xác định các chỉ tiêu và dự báo phát triển kinh tế – xã hội, du lịch của địa phương. Đánh giá phát triển du lịch toàn khu vực, hiệu quả hoạt động du lịch và các hoạt động văn hóa, du lịch về nguồn khác tại di tích; xác định tiềm năng phát triển du lịch của địa phương và của di tích.

Đề xuất định hướng bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích; đề xuất định hướng xây dựng và cải tạo hệ thống hạ tầng kỹ thuật, tổ chức giao thông trong di tích và tới các khu vực chức năng xung quanh di tích; đề xuất định hướng tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan và xây dựng công trình mới; đề xuất định hướng phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch; đánh giá tác động môi trường.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích