Cân nhắc đề xuất tăng thuế với nhà ở chậm đưa vào sử dụng

Theo VCCI, việc các dự án đã đầu tư nhưng chậm đưa vào sử dụng có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau và không phải lúc nào cũng do lỗi của chủ đầu tư.

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản trả lời công văn của Bộ Tư pháp về việc lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).

Dựa trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội, VCCI nêu một số ý kiến góp ý, trong đó có vấn đề chính sách về thuế.

Cân nhắc đề xuất tăng thuế với nhà ở chậm đưa vào sử dụng
Khu đô thị Nam An Khánh (huyện Hoài Đức) do Công ty cổ phần Đầu tư phát triển đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (Sudico) làm chủ đầu tư, nhiều dãy nhà đã hoàn thành phần thô từ nhiều năm trước nhưng chưa hoàn thiện hẳn và chưa có người vào ở (Ảnh: Thạch Thảo)

Về đề xuất “tăng thuế suất của thuế sử dụng đất đối với diện tích đất ở, nhà ở tại các dự án đô thị đã được đầu tư hạ tầng cơ bản thiết yếu trong trường hợp chủ đầu tư dự án không đưa dự án vào sử dụng sau 12 tháng kể từ thời điểm kết thúc dự án theo quyết định phê duyệt dự án đầu tư”, VCCI đánh giá, chính sách này được suy đoán là một công cụ kinh tế khiến các doanh nghiệp phải nhanh chóng đưa dự án đô thị đã được đầu tư hạ tầng vào sử dụng, tránh lãng phí nguồn lực đã đầu tư.

Tuy nhiên, theo VCCI, trên thực tế, việc các dự án đã đầu tư nhưng chậm đưa vào sử dụng có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau và không phải lúc nào cũng do lỗi của chủ đầu tư.

“Trong rất nhiều trường hợp, doanh nghiệp muốn đẩy nhanh đưa dự án vào sử dụng để sớm thu hồi chi phí đã bỏ ra đầu tư vào hạ tầng nhưng dự án vẫn bị chậm tiến độ do các nguyên nhân khách quan khác, thậm chí có cả những trường hợp do lỗi của cơ quan nhà nước khi chậm thực hiện thủ tục hành chính cho doanh nghiệp” – VCCI cho biết.

VCCI cho rằng, nếu trong những trường hợp như vậy mà chủ đầu tư lại phải nộp thuế sử dụng đất cao hơn thì không có tác dụng thúc đẩy mà thậm chí còn gây thêm khó khăn cho chủ đầu tư, khiến dự án càng chậm được đưa vào sử dụng.

Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc lại về tính hợp lý của đề xuất chính sách này.

Ghi nhận từ thực tế cho thấy, hiện nay, nhiều dự án khu nhà ở, khu đô thị chậm tiến độ, có những khu nhà đã xây dựng nhưng chưa có người vào ở tại Hà Nội gây lãng phí nguồn lực đất đai.

Mới đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã chỉ đạo các sở ngành đẩy nhanh tiến độ xử lý 64 dự án “ôm” khoảng 2.000ha đất nhưng chậm triển khai trên địa bàn huyện Mê Linh.

Trong đó, Chủ tịch Hà Nội yêu cầu các sở ngành phối hợp cùng UBND huyện Mê Linh khẩn trương chấm dứt, dừng, tạm dừng dự án, rà soát về quy hoạch 15 dự án. Từ đó đề xuất phương án sử dụng đất theo quy định, báo cáo kết quả trước ngày 30/4/2023.

Theo báo cáo trước đó của UBND huyện Mê Linh, 64 dự án trên được hình thành trước thời điểm huyện Mê Linh sáp nhập về Hà Nội (năm 2008) và thuộc loại chậm triển khai hơn 10 năm.

Nguyên nhân các dự án chậm triển khai là do điều chỉnh quy hoạch, thủ tục đầu tư, chính sách đất đai thường xuyên thay đổi, chênh lệch giá đất bồi thường hỗ trợ giữa Hà Nội và Vĩnh Phúc. Bên cạnh đó còn có nguyên nhân do năng lực các nhà đầu tư yếu kém, nhiều chủ đầu tư ‘ôm’ đất không làm, gây lãng phí nguồn lực.

Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua vào ngày 21/11/2012 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2013. Sau hơn 9 năm thực hiện, hiện Hà Nội đang tập trung xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) với nhiều nhóm chính sách theo hướng thực sự trao cho Hà Nội những cơ chế có tính vượt trội, khả thi, tạo điều kiện cho Thủ đô phát triển xứng tầm.

Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội xem xét cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 vào cuối năm 2023, xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 7 diễn ra tháng 5/2024.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích