Giá thép thanh vằn trong nước đồng loạt tăng

Từ ngày 21/3 đến nay, nhiều doanh nghiệp sản xuất thép trong nước đã điều chỉnh tăng giá sản phẩm thép thanh vằn D10 CB300, hiện có giá khoảng 15,9-16 triệu đồng/tấn.

Trong thông báo mới đây, Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát đã điều chỉnh tăng 150.000 đồng/tấn với dòng thép thanh vằn D10 CB300 ở khu vực miền Bắc và miền Nam. Sau điều chỉnh, giá thép ở hai miền lần lượt là 15,99 triệu đồng/tấn và 16,03 triệu đồng/tấn.

Còn tại miền Trung, Hòa Phát tăng 160.000 đồng/tấn với mặt hàng thép thành vằn này lên 15,89 triệu đồng/tấn.

Tương tự, thương hiệu thép Việt Ý cũng tăng thêm 150.000 đồng/tấn với thanh vằn D10 CB300 lên 15,96 triệu đồng/tấn, còn thép cuộn CB240 giữ ở mức 15,91 triệu/tấn; Thép Việt Đức cũng điều chỉnh tăng 150.000 đồng/tấn lên 15,96 triệu/tấn thép thanh vằn.

Với mức tăng 150.000 đồng/tấn, giá thép thanh vằn D10 CB300 của thương hiệu Kyoei đang được bán ra thị trường ở mức 15,99 triệu đồng/tấn.

Riêng thương hiệu Thép Thái Nguyên điều chỉnh tăng lần lượt 100.000 đồng/tấn và 150.000 đồng/tấn đối với thép cuộn CB240 và thép D10 CB300. Sau điều chỉnh, hai mặt hàng này hiện tại có giá lần lượt ở 15,86 triệu/tấn và 15,96 triệu/tấn.

Trong khi đó, các doanh nghiệp như Thép miền Nam, Thép Tqis, Thép Pomina, Vina Kyoei… chưa có động thái điều chỉnh tăng giá.

Giá thép thanh vằn trong nước đồng loạt tăng

Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, giá thép vằn thanh D10 CB300 đã có 5 đợt điều chỉnh tăng, tùy thương hiệu. Hiện mặt bằng giá thép đã phục hồi về giai đoạn tháng 7-8 năm ngoái. Mức giá này cao hơn rất nhiều so với trung bình 12,5 triệu đồng/tấn trước đợt tăng nóng kéo dài từ tháng 3 đến đầu tháng 5/2022.

Các doanh nghiệp đều cho rằng giá thép tăng chủ yếu do nguyên liệu đầu vào khan hiếm khi nhiều nhà máy đã dừng sản xuất phôi ở một số lò từ năm trước. Ngoài ra, các nhà máy phải trả đơn hàng đã ký từ trong năm, làm giá thép tăng cục bộ do nguồn cung ít.

Trong bối cảnh thị trường chưa có nhiều thay đổi, triển vọng ngành thép trong năm 2023 được dự báo tiếp tục khó khăn, đặc biệt trong nửa đầu năm.

Các chuyên gia của Công ty chứng khoán VNDirect đánh giá các nhà sản xuất thép trong nước đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn như nhu cầu xây dựng toàn cầu giảm, giá nguyên liệu đầu vào tăng và dư thừa nguồn cung từ cuối năm 2022.

Bên cạnh đó, triển vọng trong năm 2023 của ngành này cũng bị đè nặng bởi sự ảm đạm của thị trường bất động sản dân cư.

Trong khi đó, tại phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 mới đây, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát, khẳng định giai đoạn khó khăn nhất của ngành thép đã qua, triển vọng về dài hạn của ngành là tích cực.

Tuy nhiên, vị tỷ phú thép nhấn mạnh tốc độ hồi phục của ngành sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào cầu thị trường. Hiện tại, cầu thị trường vẫn quá thấp, không chỉ ngành thép mà còn nhiều ngành khác.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích