Quảng Trị: Quy hoạch hệ thống công trình khai thác nước cổ Gio An
(Xây dựng) – UBND tỉnh Quảng Trị vừa tổ chức cuộc họp để nghe đơn vị tư vấn Công ty Cổ phần Tu bổ di tích và kiến trúc cảnh quan Hà Nội báo cáo nhiệm vụ quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị hệ thống các công trình khai thác nước cổ Gio An, gồm 30 giếng xếp đá, trong đó có 14 giếng cổ đã được xếp hạng là di tích quốc gia.
Hệ thống giếng cổ Gio An được quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị hệ thống các công trình khai thác nước cổ. |
Giếng cổ Gio An (huyện Gio Linh) là những công trình hệ thống dẫn thủy cung cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất, là di tích có giá trị khảo cổ, văn hóa nghệ thuật độc đáo do người Chăm Pa sáng tạo và được người Việt tiếp thu giữ gìn cho đến ngày nay.
Theo các nhà khảo cổ, hệ thống giếng cổ Gio An ra đời vào thời kỳ cuối thời đại đồ đá mới, cách đây khoảng 5.000 năm. Người ta cho rằng, nước của người Gio An xưa có 3 loại, tùy theo mặt bằng, độ chênh nhau của sườn đồi và môi nước (nguồn nước). Loại thứ nhất là giếng có cấu trúc hoàn chỉnh nhất và có thể xem đây là công trình khai thác nước ở những khu dân cư tương đối tập trung và có nguồn nước ngầm mạnh.
Các khu vực sử dụng nước được phân định hệ thống rõ ràng: Bộ phận mặt bằng được gia cố bằng đá xếp để bảo vệ mội nước; bể lắng cũng được xếp đá, phần đáy bể được lót bằng nhiều vật liệu gốm sành. Nước từ đây sẽ chảy qua hệ thống máng, chân của máng nước được tạo gồ ra như một chiếc mộng đá cố định vị trí máng rất chắc chắn. Nước sẽ theo máng chảy xuống bể chứa, bể có thể rộng, hẹp tùy nơi và cũng được lót đáy bằng nhiều mảnh gốm, sành… thành bể được ghè đá mồ côi. Độ sâu của bể chứa khoảng 30–50cm, dùng để lấy nước uống và tắm giặt. Vùng dành cho gia súc có thể là nằm tiếp nối bể chứa, hoặc độc lập… Cuối cùng là hệ thống các mương dẫn nước được kè đá tưới tiêu cho nông nghiệp.
Loại thứ hai là giếng có kết cấu đơn giản hơn, nhưng nguyên tắc căn bản vẫn mang dạng cấu trúc gồm phần tầng đá gia cố, bể lắng và tràn vào hố chứa (không thông qua máng dẫn nước).
Loại thứ ba là giếng đào và đặt nổi lên những khối đá được chế tác thành hình trụ rỗng. Đây là kỹ thuật khai thác nước dựa trên nguyên tắc bình thông nhau: Các ống đá được xếp chồng và nâng mặt nước trong lòng giếng cao hẳn lên, tạo nên một độ chênh so với mặt bằng của mương dẫn, nước sẽ theo các lỗ khoét trên thành giếng để tràn ra ngoài.
Hệ thống giếng cổ Gio An được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia theo Quyết định số 08/2001/QĐ-BVHTT ngày 13/3/2001. Hệ thống 14 giếng cổ bao gồm (Giếng Côi, Giếng Dưới, Giếng Búng, Giếng Trạng, Giếng Đào ở thôn An Nha. Giếng Gái 1, Gái 2, Giếng Nậy thôn An Hướng. Giếng Tép, Giếng Ông, Giếng Bà, Giếng Gai thôn Hảo Sơn, Giếng Máng thôn Long Sơn, Giếng Pheo thôn Tân Văn).
Mục tiêu của nhiệm vụ quy hoạch lần này là nhằm bảo quản, giữ gìn hệ thống công trình khai thác nước cổ một cách bền vững trước những tác động của tự nhiên và xã hội; kết nối các công trình trong hệ thống các công trình khai thác nước cổ Gio An để xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa – lịch sử đặc biệt của địa phương và của tỉnh Quảng Trị. Góp phần làm phong phú các sản phẩm du lịch của địa phương, đặc biệt du lịch cộng đồng, đưa di tích vào các hoạt động du lịch vừa tạo nguồn thu cho hoạt động bảo tồn vừa nâng cao đời sống cho người dân trong vùng di sản. Phát triển hệ thống cơ sở vật chất – kỹ thuật và dịch vụ đáp ứng yêu cầu của các hoạt động tham quan, nghỉ ngơi, giải trí của khách du lịch trong nước và quốc tế…
Phạm vi quy hoạch nằm trong ranh giới xã Gio An, huyện Gio Linh với tổng diện tích quy hoạch 427,8ha. Trong đó, diện tích khu vực bảo vệ di tích 3,74ha; diện tích vùng đệm, khu vực hỗ trợ phát huy giá trị di tích và du lịch cộng đồng 424ha.
Định hướng phân vùng chức năng, tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan gồm: các khu vực bảo tồn di tích; khu dân cư kết hợp lưu trú du lịch; khu vực phát triển các chức năng công cộng, dịch vụ du lịch, du lịch sinh thái; vùng bảo vệ cảnh quan thiên nhiên; khu trung tâm đón tiếp khách du lịch; các điểm du lịch lịch sử – văn hóa, sinh thái; các làng văn hóa du lịch…
Ngoài ra, đơn vị tư vấn cũng đề xuất các giải pháp gắn bảo tồn di tích với phát triển du lịch, xác định các sản phẩm du lịch chủ yếu: Tạo các tuyến kết nối các cụm, điểm giếng vuông góc với tuyến đường liên xã, huyện. Trên tuyến nối đó tạo không gian văn hóa Chăm với bố cục khuôn viên Chăm là không gian du lịch cộng đồng – Homestay. Không gian cảnh quan tuyến đường ra giếng và cánh đồng; xây dựng, tổ chức và tái hiện các món ăn truyền thống Chăm; các sản phẩm văn hóa lưu niệm khác mang tính đặc trưng của đồng bào Chăm.
Với sự cần thiết cũng như tầm quan trọng của nhiệm vụ quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị hệ thống các công trình khai thác nước cổ Gio An, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu đơn vị tư vấn cần tính toán lại các tiêu chí để đảm bảo theo quy định. Xem xét, thống nhất lại tên nhiệm vụ quy hoạch: Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích hệ thống dẫn thủy cổ Gio An (huyện Gio Linh).
Phó Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý một số vấn đề liên quan đến phạm vi nghiên cứu, không gian kiến trúc, lộ trình hướng tuyến du lịch, kế hoạch thực hiện quy hoạch… Đồng thời đề nghị Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị, đơn vị tư vấn sớm hoàn thiện hồ sơ nhiệm vụ quy hoạch để trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong thời gian tới.
Nguồn: Báo xây dựng