Nhà làm việc của bác sĩ A.Yersin được xếp hạng di tích quốc gia

(Xây dựng) – Nhà làm việc của bác sĩ A. Yersin nằm trên núi Hòn Bà, xã Suối Cát, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) được xếp hạng di tích quốc gia.

Nhà làm việc của bác sĩ A.Yersin được xếp hạng di tích quốc gia
Khánh Hòa nhận bằng xếp hạng di tích quốc gia “Nhà làm việc của bác sĩ A.Yersin”.

Chiều 29/3, tại Bảo tàng Khánh Hòa, thành phố Nha Trang, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Khánh Hòa công bố quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc xếp hạng di tích quốc gia “Nhà làm việc của bác sĩ A.Yersin”.

Ngôi nhà làm việc này nằm trên núi Hòn Bà, ở độ cao 1.578m thuộc xã Suối Cát, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa). Đây là địa điểm mà nhà bác học, bác sĩ A.Yersin gắn bó cuộc đời và sự nghiệp nghiên cứu khoa học, y học phục vụ con người.

Nhà làm việc của bác sĩ A.Yersin được xếp hạng di tích quốc gia
Nhà làm việc cũng là trạm thử nghiệm của bác sĩ A.Yersin nằm ở độ cao 1.578m trên đỉnh Hòn Bà.

Như vậy với việc xếp hạng “Nhà làm việc của bác sĩ A.Yersin” đã bổ sung vào quần thể di tích lịch sử lưu niệm nhà bác học Alexandre Yersin là di tích quốc gia.

Trước đó, năm 1990, Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã quyết định xếp hạng quần thể di tích lịch sử lưu niệm nhà bác học Alexandre Yersin là di tích quốc gia gồm: Thư viện nằm trong Viện Pasteur Nha Trang ở đường Trần Phú, phường Xương Huân (thành phố Nha Trang), chùa Linh Sơn ở đường 23 Tháng 10 (thành phố Nha Trang) và mộ Yersin ở xã Suối Cát (huyện Cam Lâm).

Dịp này cũng tại Bảo tàng Khánh Hòa, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Khánh Hòa, Sở Xây dựng phối hợp Hội Kiến trúc sư tỉnh tổ chức phát động thi tuyển phương án kiến trúc, cảnh quan công trình Bảo tàng Trường Sa.

Bên cạnh đó, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Khánh Hòa cũng đã tổ chức trưng bày để giới thiệu đến đông đảo công chúng về giá trị lịch sử, văn hóa nghệ thuật tiêu biểu của bộ đàn đá Khánh Sơn A và B tại Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa.

Nhà làm việc của bác sĩ A.Yersin được xếp hạng di tích quốc gia
Giới thiệu “Bộ đàn đá Khánh Sơn A và B” đến công chúng.

Hai bộ đàn đá Khánh Sơn có ký hiệu A và B gồm 12 thanh, được gia đình ông Bo Bo Ren tìm thấy ở núi Dốc Gạo, huyện Khánh Sơn. Gia đình ông đã trao lại cho chính quyền địa phương.

Tháng 3/1979, UBND tỉnh Phú Khánh đã trao hai bộ đàn cho Viện Nghiên cứu Âm nhạc Việt Nam. Hai bộ đàn sau đó được bảo quản tại Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Sau hơn 40 năm, ngày 27/3, hai bộ đàn đá đã được bàn giao lại cho Sở Văn hóa – Thể thao tỉnh Khánh Hòa quản lý, trưng bày.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích