7 năm đi lao động Đài Loan, chàng trai trẻ xây nhà tiền tỷ báo hiếu bố mẹ
Đón Tết cùng gia đình trong ngôi nhà mới còn thơm mùi sơn, Tùng cười mãn nguyện vì 7 năm xa nhà đã cho thành quả xứng đáng. Tuy vậy, hành trình xa xứ cũng không ít gian nan.
Ra ngoài tìm cơ hội đổi đời
Hơn 7 năm trước, Nguyễn Văn Tùng (28 tuổi, quê Triệu Sơn, Thanh Hóa) quyết định rời quê sang Đài Loan (Trung Quốc) làm việc. Hành trang của chàng trai trẻ khi ấy chỉ có vài bộ quần áo cũ, một khoản nợ khổng lồ và một ý chí quyết tâm làm giàu để báo hiếu bố mẹ.
“Năm đó mình chọn đi Đài Loan một phần vì có người quen đang làm bên đó, một phần vì nước bạn không yêu cầu cao với ứng viên, tài chính trong khả năng gia đình có thể xoay sở và thời gian làm hồ sơ, học tiếng chỉ 2-3 tháng là bay được nên mình đề xuất với bố mẹ”, Tùng nói về quyết định thay đổi cuộc đời.
Tại Đài Loan, Tùng được bố trí làm trong xưởng cơ khí ở thành phố Cao Hùng với thu nhập từ 23-25 triệu đồng/tháng. Trừ hết chi phí ăn ở, đi lại anh vẫn dành được 15 triệu gửi về Việt Nam để ba mẹ trả nợ dần món nợ 130 triệu đồng.
Ở nơi đất khách quê người, Tùng mới nhận ra kiếm được đồng tiền không hề dễ dàng. Anh tâm sự, tiền gửi về được bao nhiêu tiền thì mọi người biết bấy nhiêu, còn khó khăn, vất vả thì cố giấu, chẳng để ai thấy.
“Lúc ngồi trên máy bay, tôi háo hức lắm nhưng sang rồi mới biết làm việc ở Đài Loan không phải màu hồng như mọi người tưởng. Ở đó, cuộc sống khó khăn chồng chất khó khăn mà có trải nghiệm thực tế mới mường tượng được.
Người Việt mình mới sang thường bị phân biệt đối xử. Tại nơi làm việc, công nhân bản địa chọn làm việc nhẹ, còn việc nặng nhọc đến tay lao động “nhập ngoại”. Nhiều lao động khi mới qua đây chưa quen việc, đi làm muộn bị phạt, bị giảm lương, thậm chí sa thải.
Và công việc cơ bản là phải tăng ca mới có tiền nên khi đã đặt chân sang đây rồi, khó mấy cũng phải cố “cày” kiếm tiền”, Tùng kể.
Dù công việc khá vất vả, thường thức khuya dậy sớm tăng ca nhưng Tùng vẫn thấy mình may mắn vì được công ty trả lương, đóng bảo hiểm đúng theo quy định. Đi lao động “chính ngạch” dù sao vẫn hơn nhiều những người phải “tự bơi” hoặc bỏ việc giữa chừng, ra ngoài làm chui.
“Chuyện lao động sang bên này tìm cách ra làm ngoài xảy ra như cơm bữa, dù biết là vi phạm pháp luật.
Lúc mới sang mình được trả lương cứng 14 triệu, chưa tính tiền tăng ca. Cộng lại thì thu nhập năm đầu tiên của mình đều hơn 20 triệu đồng/tháng. Công ty tăng lương hàng năm nên hiện nay, sau 7 năm làm việc, lương cứng của tôi hiện cũng đã hơn 21 triệu đồng, chưa kể tăng ca.
Lúc đi mình cũng nghĩ ở nhà chưa biết bao giờ mới tiết kiệm được vài trăm triệu chứ nói gì đến việc xây nhà cho bố mẹ. Còn đi sang Đài Loan lao động, chỉ 2-3 năm là vừa trả hết được nợ lúc vay để đi, ngoài ra còn để dư được ít vốn, khi đó muốn làm gì cũng không phải đắn đo”, Tùng tự tin nói.
Bỏ công việc liên quan đến ngành điện, Tùng quyết định sang Đài Loan làm việc với mong muốn bản thân và gia đình sẽ có một cuộc sống tốt hơn (Ảnh: NVCC). |
Hết 3 năm hợp đồng, Tùng gạt đi kế hoạch về nước như dự tính ban đầu bởi công việc ở Đài Loan vẫn ổn định. Anh cũng được chủ công ty gia hạn hợp đồng làm việc thêm 3 năm. Tùng nhận lời vì tài khoản tiết kiệm của anh khi đó chỉ có vài trăm triệu, anh nghĩ về Việt Nam giờ với số vốn như vậy nếu xây nhà vẫn phải vay mượn.
“Công việc những năm sau đó của tôi tương đối thuận lợi, có được người chủ tốt, được tăng lương, tăng ca theo đúng thỏa thuận, hợp đồng nên số tiền dành dụm gửi được về quê cũng nhiều hơn”, Tùng phấn khởi.
Và Tết Quý Mão vừa qua, cả gia đình nam công nhân đã được đoàn tụ trong ngồi nhà mới bề thế, xây bằng tiền anh làm ở nước ngoài. Theo đúng trình tự, Tùng cũng vừa lập gia đình, chuẩn bị cho bước trở về lập nghiệp cuối năm nay.
Sau 7 năm đi Đài Loan, Tùng tiết kiệm được gần 2 tỷ đồng xây nhà báo hiếu bố mẹ (Ảnh: NVCC). |
Lao động ở nước ngoài phải thật chịu khó, kiên trì
Cũng chọn hướng xuất khẩu lao động, làm việc nơi đất khách quê người, anh Dương Khắc Hùng (32 tuổi, quê Thanh Hóa) đã có hơn 5 năm ăn Tết ở Nhật Bản. 5 năm trước, anh quyết định sang Nhật, một phần do bạn bè rủ, phần khác do thời điểm đó anh cũng muốn thử thách bản thân ở môi trường mới.
Bỏ nghề khoan giếng, vay mượn thêm tiền, anh Hùng bay sang Nhật. Chàng trai trẻ bắt đầu cuộc sống ở đất nước mặt trời mọc bằng công việc trong ngành xây dựng. Hết hợp đồng, anh chuyển sang làm cho công ty chế biến thực phẩm cho đỡ vất vả.
“Trước lúc sang Nhật, mình làm nghề khoan giếng và một số công việc khác liên quan đến máy móc. Lúc đó mình cũng chưa có ý định đi nước ngoài làm việc nhưng nghe bạn bè mình bên đó rủ sang nên cũng muốn trải nghiệm cuộc sống nơi đất khách quê người xem thế nào”, anh Hùng nhớ lại.
Cũng như nhiều bạn trẻ khác, anh Hùng lựa chọn con đường sang Nhật lao động để thử thách bản thân (Ảnh: NVCC). |
Thời gian đầu sống xa nhà, anh Hùng gặp không ít khó khăn, lớn nhất là bất đồng ngôn ngữ, tiếp đến là đồ ăn. Hơn một năm sau, anh dần thích nghi. Giờ nghĩ lại, nam công nhân đúc kết, nếu không kiên trì chắc bản thân khó mà trụ lại được.
“Lúc mới sang, cảm giác thực sự là không biết bản thân chịu được đến khi nào. Thời gian học tiếng trước khi bay chỉ có 6 tháng nên sang đến bên này, bất đồng ngôn ngữ là rào cản, khó khăn lớn nhất. Vì không hiểu được mọi người xung quanh nói gì, hiệu quả công việc cũng không cao”, anh Hùng kể.
Hơn 5 năm sang Nhật, anh Hùng hiện đã làm ở doanh nghiệp thứ hai, một công ty chế biến thực phẩm. Thu nhập mỗi tháng anh nhận được khoảng 30 triệu đồng, trừ mọi chi phí thì dư được 15 triệu gửi về.
“5 năm tôi mới tiết kiệm được khoảng 500 triệu gửi về cho bố mẹ trả nợ và dành dụm để khi về Việt Nam có vốn làm ăn”, anh nói.
Chia sẻ về dự định sắp tới, anh Hùng cho biết, khi làm hết hợp đồng, anh sẽ về Việt Nam, dùng số vốn tiết kiệm được thử sức trong lĩnh vực liên quan đến hoạt động đưa lao động đi nước ngoài làm việc.
“Tôi là người hướng nội nên chắc sẽ không ở mãi bên này. Vì đồng tiền nên phải bươn chải, phải cố gắng hết sức có thể. Năm 5 ở nước ngoài tuy không màu hồng như mọi người nghĩ nhưng ít nhiều thời gian đó cũng giúp tôi thay đổi bản thân, gia đình.
Nhiều người cũng hỏi tôi có nên đi Nhật làm việc hay không, tôi chỉ có thể khuyên rằng nên suy nghĩ thật kĩ, ra nước ngoài làm việc phải thật kiên trì, chịu khó mới bám trụ lại được”, anh Hùng chia sẻ.
Theo báo cáo của Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, dựa trên số lượng lao động ra nước ngoài làm việc trong nhiều năm gần đây, khoảng 95% người lao động chọn đi các nước và vùng lãnh thổ trong khu vực châu Á như: Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Úc… Còn lại một phần nhỏ đi một số nước châu Âu, châu Mỹ.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2023, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 28.429 người (trong đó có 9.452 lao động nữ), đạt 25,84% kế hoạch năm 2023 và bằng hơn 20 lần so với cùng kỳ năm ngoái (2 tháng đầu năm 2022, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 1.359 lao động).
Đài Loan vượt lên là thị trường dẫn đầu về số lao động Việt được tiếp nhận với 14.609 lao động (4.718 lao động nữ), theo sau là Nhật Bản với 12.473 lao động, Singapore 250 lao động (nam), Trung Quốc 239 lao động (nam), Hàn Quốc 230 lao động (nam), Rumani 198 lao động, Hồng Kông 123 lao động (nam), Hungari 80 lao động, số còn lại thuộc các thị trường khác.
Trong năm 2023, Bộ LĐ-TB&XH đặt ra mục tiêu đưa 110.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tập trung vào các thị trường có thu nhập cao, ổn định.
Nguồn: Báo xây dựng