Bình Định: Dự án Khu liên hợp gang thép Long Sơn là cần thiết nhưng phải bảo vệ di tích Bãi biển Lộ Diêu
(Xây dựng) – Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Xây dựng về dự án Khu liên hợp gang thép Long Sơn tại thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ, thị xã Hoài Nhơn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Bình Định Huỳnh Văn Lợi khẳng định “Việc triển khai các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội nói chung, dự án Khu liên hợp gang thép Long Sơn nói riêng là cần thiết nhưng phải bảo đảm công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị của di tích Bãi biển Lộ Diêu”.
Di tích Bãi biển Lộ Diêu – Nơi cập bến tàu không số chi viện vũ khí vào khu V. |
Ngày 24/3/2023, Báo điện tử Xây dựng đăng bài “Bình Định: Chính quyền và người dân nói gì về dự án Khu liên hợp gang thép Long Sơn?” thông tin về những ý kiến của người dân và chính quyền đối với dự án Khu liên hợp gang thép Long Sơn và cảng chuyên dùng Khu liên hợp gang thép Long Sơn với tổng kinh phí đầu tư cho hai dự án là 63.500 tỷ đồng tại thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ, thị xã Hoài Nhơn.
Ngoài những vấn đề người dân bày tỏ sự lo lắng, bất an khi thực hiện dự án Khu liên hợp gang thép Long Sơn, thì tại thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ hiện nay có hai di tích là di tích Bãi biển Lộ Diêu – Nơi cập bến tàu không số chi viện vũ khí vào khu V và bia tưởng niệm 141 liệt sỹ hy sinh. Liệu dự án này có ảnh hưởng đến di tích Bãi biển Lộ Diêu, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã có buổi làm việc với lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao Bình Định và lãnh đạo Bảo tàng tỉnh Bình Định.
Bia di tích lịch sử Bãi biển Lộ Diêu – nơi cập bến tàu không số. |
Chia sẻ với phóng viên về dự án Khu liên hợp Gang thép Long Sơn có ảnh hưởng đến di tích Bãi biển Lộ Diêu, ông Bùi Tĩnh – Giám đốc Bảo tàng Bình Định cho hay: Di tích Bãi biển Lộ Diêu được xếp hạng là di tích cấp tỉnh do Bảo tàng Bình Định quản lý. Dự án Khu liên hợp gang thép Long Sơn, hiện nay chỉ mới bước đầu khảo sát và chưa biết cụ thể kinh độ, tọa độ của dự án đến đâu. Như vậy, chưa thể đánh giá được mức độ dự án có tác động đến di tích Bãi biển Lộ Diêu. Nếu dự án được triển khai, phải tuân thủ các quy định của Luật Di sản văn hóa.
Di tích Bãi biển Lộ Diêu được xếp hạng là di tích cấp tỉnh. |
Thông tin đầy đủ về di tích Bãi biển Lộ Diêu, ông Huỳnh Văn Lợi – Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Bình Định cho biết: Di tích Bãi biển Lộ Diêu là nơi ghi lại sự kiện tàu không số đầu tiên vận chuyển vũ khí từ hậu phương miền Bắc vào chi viện cho chiến trường khu V được cán bộ, bộ đội, du kích và nhân dân địa phương bảo vệ, vận chuyển an toàn và là chuyến tàu không số duy nhất cập bến ở Bình Định trong kháng chiến chống Mỹ. Đây là loại hình di tích lịch sử lưu niệm, với tổng diện tích khoanh vùng bảo vệ là 3.900m2.
Cụ Lê Văn Nốt – nhân chứng sống duy nhất tham gia sự kiện tàu không số đầu tiên vận chuyển vũ khí từ hậu phương miền Bắc vào chi viện cho chiến trường khu V hiện đang sinh sống tại thôn Lộ Diêu. |
Ông Huỳnh Văn Lợi chia sẻ: Dự án Khu liên hợp gang thép Long Sơn đã được UBND tỉnh Bình Định chấp nhận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư, địa điểm thực hiện dự án tại thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ, thị xã Hoài Nhơn, với diện tích đất dự kiến sử dụng khoảng 468ha. Trước khi khởi công xây dựng dự án, nhà đầu tư phải thực hiện đầy đủ các thủ tục về đầu tư, quy hoạch, đất đai, tái định cư, an sinh xã hội, môi trường, phòng cháy chữa cháy, xây dựng và các thủ tục liên quan. Dự án Khu liên hợp gang thép Long Sơn đang trong quá trình khảo sát, xây dựng kế hoạch nên chưa thể đánh giá được mức độ ảnh hưởng dự án đến cảnh quan, môi trường khu vực di tích Bãi biển Lộ Diêu.
Ông Huỳnh Văn Lợi cho rằng: Trong quá trình triển khai dự án, khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, Sở Văn hóa và Thể thao Bình Định sẽ phối hợp với các sở, ngành và các đơn vị có liên quan xác định phạm vi, mức độ tác động của dự án đối với di tích Bãi biển Lộ Diêu để tham mưu, đề xuất phương án cụ thể cho UBND tỉnh Bình Định.
Đồng thời, ông Huỳnh Văn Lợi cũng khẳng định: Bãi biển Lộ Diêu là di tích cấp tỉnh. Nếu dự án tác động trực tiếp vào khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích, Sở Văn hóa và Thể thao Bình Định căn cứ vào Luật Di sản văn hóa, đồng thời tham khảo ý kiến của những người am hiểu về di tích này và các chuyên gia về di sản văn hóa để tham mưu, đề xuất phương án cụ thể cho UBND tỉnh. Việc triển khai các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội nói chung, dự án Khu liên hợp gang thép Long Sơn nói riêng là cần thiết nhưng phải bảo đảm công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị của di tích Bãi biển Lộ Diêu.
Bia ghi công khắc tên 141 liệt sỹ của thôn Lộ Diêu. |
Chia sẻ thêm với phóng viên về dự án Khu liên hợp gang thép Long Sơn, một lãnh đạo của Thị ủy Hoài Nhơn tâm tư: Chẳng ai muốn rời bỏ quê hương, rời nơi chôn nhau cắt rốn của mình, nên phải xin ý kiến dân đàng hoàng, tôn trọng dân, dân họ đồng ý thì Nhà nước mới cho làm. Lộ Diêu – làng biển khác biệt và được tạo thành từ “hình hài” đặc biệt, di tích Bãi biển Lộ Diêu – nơi cập bến tàu không số và có đến 141 liệt sỹ trong thôn hy sinh, được khắc tên trên bia tưởng niệm. Thời chiến, dân Lộ Diêu anh dũng chiến đấu, thời bình họ chọn cách tương trợ, sát cánh cùng nhau, giữ gìn nếp sống, làm giàu trên mảnh đất quê hương. Nếu làm dự án, chắc chắn không thể lấy di tích và rừng phòng hộ ven biển Lộ Diêu. Bởi, di tích tàu không số, bia ghi công khắc tên 141 liệt sỹ của thôn Lộ Diêu, lăng cúng làng chài, phải được bảo tồn, phát huy. Rừng phòng hộ ven biển được cam kết giữ lại, trở thành lâm viên.
Nguồn: Báo xây dựng