Đắk Lắk: Ra mắt dịch vụ giám sát, điều hành đô thị thông minh và giám sát an toàn thông tin
Đắk Lắk: Ra mắt dịch vụ giám sát, điều hành đô thị thông minh và giám sát an toàn thông tin
Sở Thông tin và Truyền thông Đắk Lắk vừa tổ chức Lễ ra mắt các dịch vụ giám sát, điều hành đô thị thông minh và giám sát an toàn thông tin tỉnh Đắk Lắk.
Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Đắk Lắk (gọi tắt là Đắk Lắk IOC) được thành lập từ năm 2020 và bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 9/2021 với các chức năng: tổ chức vận hành các hệ thống công nghệ thông tin dùng chung của tỉnh; tổng hợp, giám sát, điều hành dịch vụ đô thị thông minh; cung cấp các giải pháp, dịch vụ, ứng dụng trong lĩnh vực Thông tin và Truyền thông và các dịch vụ đô thị thông minh…
Theo báo cáo của Đắk Lắk IOC, sau hơn 02 năm thành lập và đi vào hoạt động thử nghiệm, Cổng thông tin tương tác với người dân và các ứng dụng dùng để triển khai các dịch vụ đô thị thông minh của tỉnh đã nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân. Cụ thể, đến ngày 20/3/2023, ứng dụng Đắk Lắk trực tuyến có 4.582 tài khoản đăng ký với 15.994 lượt tải và cài đặt, ứng dụng “Đắk Lắk G” có 1.005 lượt tải và cài đặt; cổng thông tin http://tuongtaccongdan.daklak.gov.vn/ dùng để công khai kết quả xử lý các phản ánh, kiến nghị của người dân trên địa bàn tỉnh lên hệ thống phản ánh hiện trường có 22.372 lượt truy cập.
Từ đầu năm 2022 đến ngày 20/3/2023, dịch vụ Giám sát Dịch vụ công trực tuyến đã thực hiện gửi 2.551 phiếu cảnh báo hồ sơ trễ hạn đến Sở, ban, ngành và UBND cấp huyện (2.550/2.551 phiếu đã được kiểm tra giải quyết).
Dịch vụ đã góp phần thúc đẩy các cơ quan, đơn vị tích cực xử lý các hồ sơ trễ hạn và hồ sơ online chưa tiếp nhận làm giảm số hồ sơ trễ hạn, hồ sơ online chưa tiếp nhận, với 55.066/55.807 hồ sơ quá hạn đã được xử lý, 5.762/5.784 hồ sơ nộp online quá hạn đã được tiếp nhận..
Hệ thống giám sát an toàn thông tin (SOC) đã phát hiện, xử lý khoảng 1.533 cảnh báo, trong đó: 145 cảnh báo liên quan mã độc, 1.130 cảnh báo liên quan đến lỗ hổng trên các dứng dụng, 5 cảnh báo có hành vi khai thác lỗ hổng, 253 cảnh báo liên quan đến máy chủ có các hành vi bất thường. Do được phát hiện và xử lý kịp thời các cảnh báo nên hệ thống công nghệ thông tin chưa xảy ra các sự cố mất an toàn thông tin.
Ngoài ra, Dịch vụ Phản ánh hiện trường cũng đã nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân, cán bộ các xã phường tích cực xử lý các phản ánh và nhận được sự hài lòng từ người dân.
Hệ thống camera giao thông và camera an ninh với các các tính năng AI và đang được triển khai; Hệ thống tổng đài 0262.1022 bước đầu triển khai để làm đầu số cung cấp thông tin về phản ánh hiện trường và an toàn thông tin trên bàn tỉnh, hướng tới mở rộng tới các dịch vụ khác…
Phát biểu tại buổi lễ ra mắt sáng 31/3, ông Nguyễn Tuấn Hà – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk xác định: Việc triển khai các dịch vụ đô thị thông minh là vấn đề mới, còn nhiều thách thức, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị của tỉnh. Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân, doanh nghiệp biết và sử dụng các dịch vụ đô thị thông minh; đồng thời, bám sát định hướng của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Xây dựng trong việc xây dựng đô thị thông minh, chủ động tham mưu cho Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh phát triển các dịch vụ tiện ích mới…
Công an tỉnh và các sở, ban, ngành, phối hợp chặt chẽ với Sở Thông tin và Truyền thông để triển khai các dịch vụ đô thị thông minh có hiệu quả, trong đó lưu ý tới việc kết nối, chia sẻ, đồng bộ dữ liệu lên hệ thống, để các dịch vụ như: Giám sát kinh tế xã hội, Y tế, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường… ngày càng có nhiều thông tin bổ ích, thiết thực cho người dân, doanh nghiệp tra cứu. UBND các huyện, thị xã, thành phố sẵn sàng kế hoạch, phương án phối hợp triển khai các dịch vụ đô thị thông minh đến cấp huyện; các doanh nghiệp tham gia triển khai các dịch vụ đô thị thông minh duy trì có hiệu quả các dịch vụ đô thị thông minh đã triển khai…
10 dịch vụ chính thức ra mắt gồm:
– Giám sát an toàn thông tin mạng (SOC)
– Giám sát, điều hành chỉ tiêu Kinh tế xã hội
– Giám sát, điều hành lĩnh vực Dịch vụ công
– Giám sát hiệu quả hoạt động chính quyền
– Giám sát, điều hành Lĩnh vực vụ y tế
– Giám sát, điều hành Lĩnh vực giáo dục
– Giám sát, điều hành Lĩnh vực du lịch
– Giám sát, điều hành lĩnh vực Phản ánh hiện trường
– Giám sát an ninh trật tự và An toàn giao thông
Giám sát, điều hành lĩnh vực Tài nguyên môi trường.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị