Bà Rịa – Vũng Tàu bảo vệ môi trường khu vực nông thôn: Nhiều giải pháp thiết thực
Bà Rịa – Vũng Tàu bảo vệ môi trường khu vực nông thôn: Nhiều giải pháp thiết thực
Thời gian qua, Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, các sở , ngành chức năng và các địa phương đã chủ động triển khai thực hiện nhiều giải pháp thiết thực nhằm nâng cao hiệu quả công tác thu gom, xử lý chất thải
Giảm thiểu ô nhiễm
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có hơn 3.577 hộ, cơ sở tham gia hoạt động ngành nghề nông thôn, được chia thành các nhóm: Chế biến, bảo quản nông thủy sản; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ; xử lý, chế biến nguyên vật liệu; sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh; sản xuất muối… Hiện tại, đã có 6 nghề và 1 làng nghề truyền thống được UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu công nhận.
Nhằm quản lý chất thải từ hoạt động ngành nghề ở nông thôn, nâng cao hiệu quả công tác BVMT, Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã tăng cường phối hợp với các sở ngành và các địa phương triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp. Cụ thể, đối với việc quản lý chất thải nguy hại, các sở ngành và các địa phương đã tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) an toàn, hạn chế tồn dư của thuốc BVTV thẩm thấu vào môi trường và thu gom bao bì thuốc BVTV sau sử dụng vào các bể chứa do địa phương bố trí. Đối với hoạt động gia công, chế biến hải sản, Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã phối hợp với các sở ngành liên quan và các địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm đối với những hộ, cơ sở kinh doanh không đầu tư hệ thống xử lý nước thải; di dời các cơ sở gia công, chế biến hải sản vào khu tập trung giảm thiểu ô nhiễm môi trường, cũng như phục hồi suy thoái nguồn nước mặt tại các sông.
Theo ông Đặng Sơn Hải – Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, các ngành nghề kinh tế nông thôn giữ vai trò quan trọng trong ổn định đời sống của người dân địa phương, đồng thời đóng góp trong phát triển kinh tế – xã hội chung của các khu vực. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm môi trường trong khu dân cư tại một số địa phương vẫn còn xảy ra. Điển hình là hoạt động xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường của các cơ sở chế biến hải sản nhỏ lẻ, hộ gia đình, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân.
Siết chặt quản lý
Ông Đặng Sơn Hải – Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết: Để góp phần tạo diện mạo mới của môi trường khu vực nông thôn, đồng thời, chung tay đẩy nhanh phát triển kinh tế – xã hội bền vững của địa phương, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu yêu cầu Sở TN&MT, các sở ngành có liên quan và các địa phương tập trung khắc phục các tồn tại, xử lý dứt điểm các khu vực ô nhiễm môi trường, bảo đảm phát triển của tỉnh theo hướng bền vững và thân thiện với môi trường.
Theo đó, đối với khu vực nông thôn, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giao các cơ quan chức năng tăng cường quản lý, kiểm soát đối với hoạt động sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón và tập trung xử lý tình trạng vứt vỏ thuốc BVTV ra môi trường. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, doanh nghiệp về vai trò, trách nhiệm của mình trong việc BVMT, từ đó góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe của người dân và hệ sinh thái.
Đối với quản lý chất thải rắn môi trường làng nghề, Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, các sở ngành, các địa phương tăng cường rà soát các điều kiện BVMT đối với các làng nghề trên địa bàn, lập kế hoạch khắc phục và triển khai thực hiện đối với các làng nghề chưa đáp ứng các điều kiện về BVMT, quản lý chặt chẽ việc công nhận các làng nghề đảm bảo các điều kiện về BVMT theo quy định tại Khoản 1 Điều 7 Thông tư số 46/2011/TT-BTNTM ngày 26/12/2011 của Bộ TN&MT.
Đồng thời, Sở TN&MT, các sở ngành, các địa phương tiếp tục đẩy mạnh việc hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về BVMT đối với các cơ sở sản xuất trong làng nghề, đặc biệt tập trung vào các cơ sở thuộc loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; tập trung đầu tư hệ thống hạ tầng thu gom, xử lý nước thải, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật 2 Khu chế biến hải sản tập trung Lộc An, Bình Châu và Cụm công nghiệp Hòa Long để di dời các cơ sở chế biến hải sản, cơ sở sản xuất hoạt động trong khu dân cư gây ô nhiễm.
Ngoài ra, Sở TN&MT, các sở ngành có liên quan và các địa phương tiếp tục quán triệt trong toàn hệ thống chính trị thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về BVMT theo tinh thần của Chỉ thị số 27-CT/TU ngày 23/3/2018 của Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu về công tác quản lý, BVMT; tổ chức thực hiện quyết liệt, có trách nhiệm các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 2029/QĐ-UBND ngày 27/7/2018 của UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu về Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TU của Tỉnh ủy theo phân công, phân cấp. Người đứng đầu sở ngành có liên quan và địa phương các cấp chịu trách nhiệm theo phân cấp quản lý trước UBND tỉnh nếu để các tổ chức, cá nhân hoạt động gây ô nhiễm môi trường mà không bị phát hiện, xử lý kịp thời.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị