Lý do Mỹ dẫn đầu thế giới về thảm hoạ thời tiết
Lý do Mỹ dẫn đầu thế giới về thảm hoạ thời tiết
Chuyên gia nhận định vị trí địa lý và địa hình đa dạng khiến Mỹ chịu ảnh hưởng của các hình thái thời tiết cực đoan nhiều nhất thế giới, song con người đã khiến những mối nguy hiểm đó thành thảm họa.
Mỹ là nơi hứng chịu các hiện tượng thời tiết cực đoan nhiều nhất trên Trái Đất, từ “bom bão tuyết”, lốc xoáy, lũ lụt, sông khí quyển, cho tới hạn hán, cháy rừng, bão bụi và những trận giông lốc kinh hoàng.
Theo đó, việc Mỹ được bao quanh bởi 2 đại dương, vịnh Mexico, dãy núi Rocky, các bán đảo nhô ra như Florida khiến các cơn bão dễ va chạm và tạo ra dòng phản lực kết hợp với nhau, gây nên hiện tượng thời tiết cực đoan.
Một số chuyên gia nói với hãng thông tấn AP rằng thiên nhiên đã giáng một bàn tay tồi tệ vào Hoa Kỳ, nhưng con người đã làm cho nó trở nên tồi tệ hơn nhiều. Sự biến đổi khí hậu do ô nhiễm môi trường, Trái đất nóng lên… cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến các hiện tượng thời tiết cực đoan ở Mỹ.
Ngoài ra, việc Mỹ liên tục bị đụng độ các khối không khí cũng khiến quốc gia này chứng kiến nhiều thiên tai khắc nghiệt. Cho đến nay, Mỹ được xem là nước đứng đầu trong việc hứng chịu các cơn lốc xoáy và các cơn bão nghiêm trọng.
Với không khí lạnh hơn ở Bắc Cực và không khí ấm hơn ở vùng nhiệt đới, trong khi các khu vực giữa có vĩ độ trung bình, Mỹ trở thành nơi có thời tiết thú vị nhất. Độ dốc nhiệt độ thúc đẩy các dòng phản lực.
Giáo sư khí tượng học Marshall Shepherd của Đại học Georgia, cựu Chủ tịch của Hiệp hội Khí tượng Hoa Kỳ cho biết, nếu Mỹ nói chung bị ảnh hưởng nặng nề, thì miền Nam là khu vực tồi tệ nhất.
Shepherd nói: “Chúng tôi đã trải qua mọi loại sự kiện thời tiết khắc nghiệt theo đúng nghĩa đen, bao gồm cả bão tuyết, cháy rừng, lốc xoáy, lũ lụt, bão. Không có nơi nào khác ở Mỹ chứng kiến đa dạng các thảm họa như vậy.”
Hiện, các chuyên gia đang cố gắng nghiên cứu đã giảm thiểu các thiệt hại do hiện tượng thời tiết cực đoan gây ra cho Mỹ.
Giáo sư khí tượng học tại Northern Illinois, ông Walker Ashley, nhận định miền Nam nước Mỹ có nhiều nhà lắp ghép hơn so với các khu vực khác trên cả nước. Những dạng nhà này dễ chịu ảnh hưởng của mọi hiện tượng thời tiết nguy hiểm.
Ngoài ra, thiệt hại tại đây thường lớn do bão đa phần xảy ra vào ban đêm khi người dân khó có khả năng ứng phó kịp thời, tìm nơi tránh trú an toàn, cũng như có thể bỏ lỡ các cảnh báo bão khi đang ngủ.
Cũng theo Giáo sư Ashley, thời tiết cực đoan do những yếu tố địa lý, địa hình đa dạng của Mỹ tạo ra nhiều mối nguy hiểm, song con người lại khiến những mối nguy hiểm đó thành thảm họa.
Về phần mình, Giáo sư Susan Cutter, Giám đốc Viện nghiên cứu Khả năng phục hồi trước những yếu tố cực đoan tại Đại học South Carolina, cho rằng một trong những biện pháp giúp các cộng đồng dân cư có khả năng chống chọi trước các hiện tượng thời tiết cực đoan là không phát triển theo cách dễ gây xảy ra rủi ro nhất.
Việc cố xây dựng và phát triển các đảo chắn, đặc biệt là ở khu Bờ Đông và Bờ Vịnh, dù biết cát và bão vẫn ập tới với tần suất nhất định, “dường như gây ra sự lãng phí ngân sách khổng lồ.”
Theo Giáo sư Ashley, các tiêu chuẩn xây dựng công trình chắn bão thường có xu hướng được chi ở mức tối thiểu và các công trình như vậy ít có khả năng chống chịu với thiên tai.
Cùng chung nhận định, Giáo sư Shepherd đánh giá cơ sở hạ tầng đã xuống cấp hiện nay của nước Mỹ gần như không có khả năng chống chịu trước các đợt thiên tai.
Ngoài ra, nghèo đói khiến công tác chuẩn bị và phục hồi sau các thảm họa thiên nhiên trở nên khó khăn hơn, đặc biệt ở khu vực miền Nam.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị