Cảnh báo nguy cơ sốc nhiệt những ngày nắng nóng

Cảnh báo nguy cơ sốc nhiệt những ngày nắng nóng

Thời tiết thất thường, nhiệt độ tăng cao vào ban ngày ảnh hưởng xấu đến sức khỏe rất nhiều người, nguy cơ sốc nhiệt.

Theo BS Hoàng Anh Dũng, Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM), người ở lâu dưới mức nhiệt ngoài trời 32-400C có thể bị kiệt sức, uể oải, sốc nhiệt, mất nước trầm trọng dẫn tới suy thận, ban nhiệt, cháy da, rối loạn nhận thức…

Do đó, người dân nên hạn chế hoạt động ngoài trời khi nhiệt độ trong khoảng này. Uống đủ nước ngay cả khi không khát, tránh những thức uống có thể gây mất nước như rượu hay đồ uống có quá nhiều đường.

Nắng nóng khiến người đi đường tìm bóng mát để dừng đèn đỏ. Ảnh: Trần Minh

Trường hợp phải làm việc ngoài trời, cần tăng dần thời gian và tránh hoạt động quá lâu lần đầu vào lúc trời nắng nóng, tránh bị sốc nhiệt. Nếu có sử dụng thuốc, người dân nên cẩn thận một số loại thuốc có thể tăng tác dụng phụ như mất nước, giảm tiết mồ hôi hay nhịp tim chậm…

Cạnh đó, nên mặc quần áo rộng rãi, sáng màu, nhẹ. Không nên mặc đồ bó sát.

Nếu có việc phải ra đường, làm việc dưới nắng gắt nên có thêm đồ chống nắng như mũ, áo, khẩu trang, bao tay… Mỗi khi đi từ ngoài nắng vào, không nên vào ngay phòng máy lạnh hoặc khi từ phòng máy lạnh bước ra nên đứng vài phút ở nơi râm mát để tránh sốc nhiệt, gây nguy hiểm cho tính mạng.

Làm gì khi bị sốc nhiệt?

Sốc nhiệt xảy ra khi nhiệt độ cơ thể lớn hơn 40 độ C sau khi tiếp xúc với nhiệt độ cao. Nhận biết bản thân hay người xung quanh có bị sốc nhiệt hay không cần dựa trên các triệu chứng: nhịp tim nhanh, thở nhanh, da nóng, khô, mặt đỏ bừng ; buồn nôn và nôn ói hoặc thay đổi tri giác (đau đầu, lú lẫn, nói lắp, mê sảng hoặc hôn mê).

Nếu có người sốc nhiệt, cần đưa ngay tới cơ sở cấp cứu gần nhất. Trước khi xe cấp cứu tới, có thể sơ cứu ban đầu qua các bước:

– Đưa người bị sốc nhiệt vào chỗ mát hơn. Cởi bỏ bớt quần áo để điều hòa nhiệt độ. Nghiêng người bệnh qua một bên để hạn chế hít sặc và hỗ trợ họ uống nước nếu họ còn tỉnh táo.

– Ngâm người bệnh vào nước lạnh hoặc sử dụng quần áo ướt, túi đá chườm trên da bệnh nhân vào các vị trí như cổ, hai bên hố nách, háng. Có thể dùng vòi nước hay xô nước mát xối để hạ nhiệt độ cơ thể. Tiếp tục hạ nhiệt cho người bệnh tới khi đạt ngưỡng từ 38,4 đến 390C.

– Tránh dùng các thuốc hạ sốt aspirin hay acetaminophen (tên thông dụng paracetamol) vì hai thuốc này không giúp hạ nhiệt. Nếu người bệnh ngưng tuần hoàn, hô hấp cần phải ép tim liên tục kết hợp hà hơi tới khi có chuyên viên cấp cứu tiếp nhận.

Ông Lê Đình Quyết, Phó Trưởng phòng dự báo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, cho biết nắng nóng sẽ còn kéo dài, xuất hiện nhiều đợt. Từ nay đến tháng 5-2023, thời điểm nhiệt độ cao nhất có thể lên tới 380C hoặc hơn./.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích