Cơ chế khuyến khích thu hồi, tái chế rác thải trong khai thác thủy sản

Cơ chế khuyến khích thu hồi, tái chế rác thải trong khai thác thủy sản

Tổng cục Thủy sản và WWF Việt Nam phối hợp tổ chức hội thảo góp ý báo cáo tổng kết để lấy ý kiến các bên có liên quan nhằm hoàn thiện báo cáo “Nghiên cứu, đề xuất cơ chế khuyến khích thu đổi, tái chế rác thải nhựa trong khai thác thủy sản”.

Với mong muốn đề xuất một giải pháp mang tính thực tiễn cao nhằm giảm thiểu phát sinh rác thải nhựa từ ngành thủy sản, Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương ở Việt Nam” với sự tham gia của Cục Biển và Hải đảo và tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) đã được thực hiện với mong muốn hỗ trợ các cơ quan quản lý ngành thủy sản nghiên cứu, đề xuất cơ chế khuyến khích thu đổi, tái chế rác thải nhựa trước khi thực hiện một quy định có tính chất bắt buộc.

Trong khuôn khổ hoạt động của Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam”, năm 2022 tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF Việt Nam) tiếp tục hỗ trợ triển khai “Kế hoạch hành động quản lý rác thải nhựa đại dương ngành thủy sản, giai đoạn 2020-2030” thông qua việc hỗ trợ “Nghiên cứu, đề xuất cơ chế khuyến khích thu đổi, tái chế rác thải nhựa trong khai thác thủy sản”.

Các đại dương trên thế giới hiện nay đang lưu giữ khoảng 275 tấn rác thải nhựa, do đó, thu gom rác thải nhựa trên biển đang là yêu cầu cấp thiết đối với các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Tại Hội thảo “Góp ý báo cáo tổng kết nghiên cứu và đề xuất cơ chế khuyến khích thu hồi, tái chế rác trong khai thác thủy sản” mới đây, ông Nguyễn Quốc Tình, chủ nhiệm Dự án cho biết: Phụ lục V công ước MARPOL Quy định về ngăn ngừa ô nhiễm do rác thải của tàu, có hiệu lực từ ngày 31 tháng 12 năm 1988. Đến ngày 11 tháng 5 năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 795/QĐTTg phê duyệt Kế hoạch thực hiện các Phụ lục III, IV, V, VI của Công ước MARPOL.

Phụ lục V Công ước có quy định: Tất cả các loại rác khác bao gồm nhựa, dây thừng tổng hợp, dụng cụ đánh cá, túi đựng rác nhựa, tro lò đốt, clinker, dầu ăn, vật liệu chèn lót nổi, vật liệu lót và đóng gói, giấy, giẻ lau, thủy tinh, kim loại, chai lọ, sành sứ và các loại rác thải tương tự đều bị cấm thải bỏ trên biển kể cả ngoài khơi. Theo đó, Bộ Giao thông vận tải được giao chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành triển khai thực hiện Công ước. Tuy nhiên, trong hệ thống pháp luật của Việt Nam hiện tại, chưa có một văn bản quy phạm pháp luật nào quy định một cách riêng biệt việc thực hiện phụ lục V công ước MARPOL về quản lý rác thải nhựa từ tàu cá tại cảng cá mà mới chỉ được thí điểm tại mô hình thí điểm quản lý rác thải nhựa cho tàu cá, cảng cá.

tm-img-alt
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Trong khuôn khổ mô hình thí điểm triển khai “Kế hoạch hành động quản lý rác thải nhựa đại dương ngành thủy sản giai đoạn 2020-2030”, năm 2021-2022, tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên Việt Nam (WWF Việt Nam) đã phối hợp với Tổng cục Thủy sản triển khai một dự án thí điểm: “Mô hình thí điểm quản lý RTN cho tàu cá, cảng cá thực hiện phụ lục V công ước MARPOL”.

Kết quả phân tích, tính toán khối lượng và tỷ lệ các loại rác thải nhựa này được thống kê cụ thể, trung bình chung mỗi chuyến biển của một tàu cá đánh bắt xa bờ, ngư dân thu gom về bờ 55,26 kg/chuyến chiếm 89,68% tổng số lượng rác thải nhựa phát sinh trong chuyến biển, đồng thời ngư dân cũng xả ra biển bình quân 6,36 kg/chuyến tương đương với 10,32% tổng lượng rác thải nhựa phát sinh trong 1 chuyến biển.

Đa số rác thải thu gom về là các loại có thể tái chế được như chai, lọ và các vật qua sử dụng. Phần thất thoát ra biển là những vật dụng không thể tái chế trong đó có lưới, xốp, ngư cụ…là những vật liệu gây nguy hại đến sinh vật biển.

Để khuyến khích việc thu gom, vận chuyển rác thải nhựa từ biển về bờ khai thác, bên cạnh việc xây dựng các quy định cụ thể về quản lý rác thải nhựa trong KTTS thì việc xây dựng mô hình thu gom, tiếp nhận, xử lý rác thải nhựa từ tàu KTTS là rất cần thiết nhằm giảm thiểu tiến tới loại bỏ hành vi vứt rác thải nói chung và RTN nói riêng của các tàu KTTS.

Trên thực tế, khi đã tham gia công ước MARPOL, các quốc gia thành viên của Công ước đều phải bắt buộc thực hiện cơ chế thu gom, xử lý rác thải nhựa đối với tàu cá trên nguyên tắc hài hòa lợi ích. Do trong các văn bản pháp lý của Việt Nam chưa có quy định cụ thể cho vấn đề này nên theo nhóm nghiên cứu và các thành viên tham dự Hội thảo “Góp ý báo cáo tổng kết nghiên cứu và đề xuất cơ chế khuyến khích thu hồi, tái chế rác trong khai thác thủy sản” cho rằng, cần thiết phải rà soát các văn bản pháp luật để đề xuất những khoảng trống pháp lý còn chưa quy định về việc xử lý rác thải nhựa từ các tàu cá; từ đó có những đề xuất, kiến nghị cụ thể về quy trách nhiệm cho các đối tượng liên quan; trước mắt cần thực hiện đề xuất của nhóm nghiên cứu về cơ chế khuyến khích thu gom rác thải nhựa về bờ để thu đổi và tái chế đối với rác thải nhựa có thể bán và chi trả phí thu gom, xử lý cho các loại rác thải khác( cơ chế giá) đang được thử nghiệm đối với các tàu vận tải hàng hải tại Việt Nam.

Cơ chế giá dịch vụ tiếp nhận, thu gom và xử lý rác thải nhựa có nhiều điều kiện thuận lợi để triển khai thử nghiệm áp dụng đối với tàu KTTS tại Việt Nam khi kết quả nghiên cứu của dự án cho thấy: Có 85% tổng số người tham gia phỏng vấn đồng ý chi trả phí tiếp nhận, thu gom và xử lý RTN tàu cá với mức phí trung bình là 39.380 đồng/tàu/tháng.

Với kết quả ước tính mức kinh phí cho các chỉ tiêu xử lý rác thải nhựa và mức đóng góp của ngư dân thì việc xây dựng cơ chế giá dịch vụ tiếp nhận, thu gom, xử lý rác thải nhựa từ tàu KTTS với Ban quản lý cảng cá là đơn vị đầu mối liên kết với các thành phần khác như người thu mua ve chai, cơ sở thu mua và tái chế, công ty môi trường đô thị cung cấp dịch vụ tiếp nhận, thu gom, xử lý rác thải nhựa là hoàn toàn khả thi.

Tuy nhiên, để thực hiện được cơ chế về giá trong thu gom, xử lý rác thải nhựa rất cần thúc đẩy các sáng kiến tái chế, tái sử dụng RTN hay những sáng kiến nhằm giảm thiểu lượng rác thải nhựa trong hoạt động KTTS. Sử dụng cơ chế mua lại lượngrác thải nhựa không có khả năng tái chế trong giai đoạn đầu thực hiện mô hình như một phần thưởng cho các nhân tố tích cực trong mô hình. Nghiên cứu đề xuất cơ chế khuyến khích phát triển doanh nghiệp tái chế thông qua chính sách hỗ trợ vốn, mặt bằng xây dựng.

Xây dựng cơ chế phát triển nghiên cứu khoa học, công nghệ tái chế trong đó phát triển quy trình công nghệ hóa học hướng đến việc sản xuất nhiên liệu, nguyên liệu từ rác thải nhựa. Tiếp nhận công nghệ tái chế hiện đại từ các nước có nền khoa học công nghệ phát triển như tái chế rác thải nhựa đại dương thành vỏ coca cola,… để phát triển công nghệ tái chế trong nước…

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích