Yên Bái: Nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm tại cơ sở

Yên Bái: Nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm tại cơ sở

Trước tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn được dự báo vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, ngành Y tế tỉnh Yên Bái đã triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ…

Đến nay, ngoài 7 trường hợp riêng lẻ mắc cúm A, tỉnh Yên Bái chưa phát hiện ổ dịch truyền nhiễm nguy hiểm thuộc nhóm A. Tuy nhiên, các dịch bệnh truyền nhiễm nhóm B đã được phát hiện với số bệnh nhân lên tới hàng nghìn người và luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát như: cúm mùa, sởi, tay chân miệng, tiêu chảy…

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ

Để chủ động đối phó với các tình huống dịch bệnh xảy ra, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Vũ Thị Hiền Hạnh, trước hết, địa phương cần tăng cường năng lực của hệ thống giám sát, kiểm soát bệnh truyền nhiễm, đáp ứng khả năng chống dịch của 9/9 huyện, thị xã, thành phố nhằm phát hiện sớm, xử lý kịp thời đối với các tình huống; đồng thời đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân trong phát hiện, phối hợp xử lý khi có dịch bệnh xuất hiện. Ngành Y tế tiếp tục đổi mới y tế cơ sở một cách toàn diện, đồng bộ, hướng tới “bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân”; trong đó, đặc biệt quan tâm tới công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm tại cơ sở.

Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thị Hồng Vân, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Yên Bái cho biết, nhờ các biện pháp nghiệp vụ triển khai kịp thời, những ổ dịch trên địa bàn tỉnh đã sớm được phát hiện, khoanh vùng, cách ly. Công tác thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân được thực hiện ngay tại cơ sở, hạn chế tối đa bệnh nhân chuyển nặng, biến chứng, không để bệnh nhân tử vong và giảm tải cho bệnh viện tuyến cuối. Bên cạnh đó, ngành Y tế chủ động tiêm chủng để duy trì tỷ lệ bao phủ vaccine đạt được miễn dịch cộng đồng theo hướng dẫn Bộ Y tế; thực hiện điều tra dịch tễ ca bệnh, phân tích, dự báo xu hướng phát triển của dịch bệnh truyền nhiễm ở từng ổ dịch, liên tục giám sát và kiểm soát chặt chẽ các ổ dịch cũ.

Kết quả cho thấy, 3 tháng đầu năm 2023, ngành Y tế tỉnh đã ngăn chặn, đẩy lùi hàng chục ổ dịch cúm mùa, thủy đậu và tiêu chảy, kịp thời khoanh vùng, điều trị cho hơn 1.200 bệnh nhân khỏi bệnh, không để bệnh nhân tử vong do dịch bệnh truyền nhiễm gây ra. Đến nay, tỉnh đạt tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ 8 loại vaccine cho trẻ dưới 1 tuổi là 98,6%.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Song Hào, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Yên Bái cho biết, ngành Y tế đã tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo cấp ủy và chính quyền các cấp củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm ở người từ cấp tỉnh đến cơ sở; đảm bảo 100% các huyện, thị xã, thành phố thực hiện có hiệu quả các biện pháp dự phòng chủ động tại cộng đồng.

Ngành Y tế lấy trạm y tế xã, phường, thị trấn làm đầu mối, nòng cốt cho các hoạt động giám sát, phát hiện và tổ chức phòng, chống dịch truyền nhiễm ngay từ khi phát hiện ca bệnh đầu tiên; đẩy mạnh hoạt động giám sát dịch đến từng thôn, bản, hộ gia đình; đảm bảo đủ nguồn tài chính cho y tế cơ sở, cấp phát đủ thuốc cho người dân tại trạm y tế xã theo đơn cấp thuốc của tuyến huyện. Nhờ đó, tỷ lệ khám, chữa bệnh tuyến xã hiện đạt trên 40% tổng số lượt khám, chữa bệnh toàn tỉnh.

Toàn tỉnh hiện có trên 160 trạm y tế xã, phường, thị trấn với hơn 800 cán bộ y tế và 1.132 nhân viên y tế thôn, bản. Đây là lực lượng quan trọng, trực tiếp tổ chức triển khai mọi hoạt động phòng, chống bệnh dịch truyền nhiễm tại cơ sở. Dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng Yên Bái luôn quan tâm ưu tiên và phân bổ nguồn lực cho việc đầu tư cơ sở vật chất, trang bị đầy đủ các phương tiện, thiết bị y tế và vật tư y tế cho hệ thống y tế cơ sở theo tiêu chuẩn quy định. Từ năm 2022 đến nay, Yên Bái đã triển khai cải tạo, nâng cấp, mở rộng 46 trạm y tế, nâng tổng số xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế là 154 xã, chiếm trên 96% tổng số xã.

Hiện nay, Yên Bái đã đạt 10,8 bác sĩ/vạn dân; tất cả cán bộ làm công tác giám sát, phòng, chống dịch của tỉnh đều đã được bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, đủ năng lực ứng dụng các phần mềm tin học chuyên ngành vào công tác tại cơ sở.

Ngoài ra, tỉnh tiếp tục thực hiện chính sách biệt phái, cử cán bộ y tế ở địa bàn thuận lợi đến hỗ trợ địa bàn khó khăn; thường xuyên tổ chức tập huấn cho đội ngũ phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm tuyến cơ sở về phác đồ điều trị, hồi sức cấp cứu; đồng thời, duy trì đội cơ động chống dịch, đội cấp cứu lưu động tại cơ sở, kịp thời thu dung, điều trị bệnh nhân tại chỗ khi dịch lớn xảy ra nhằm đạt được mục tiêu giám sát, kiểm soát bệnh chủ động, phát hiện sớm nhất trường hợp nhiễm bệnh tại địa bàn./.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích