Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 30/3/2023

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 30/3/2023

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 30/3/2023. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 30/3/2023 trên Môi trường và Đô thị.

Xử phạt Công ty TNHH 68 Hòa Bình 440 triệu do vi phạm về lĩnh vực khoáng sản

Theo quyết định, doanh nghiệp này không lắp đặt hệ thống camera giám sát tại khu vực vận chuyển đá nguyên khai theo quy định; không lắp đặt trạm cân tại kho chứa, nơi vận chuyển khoáng sản nguyên khai ra khỏi mỏ để theo dõi, lưu trữ thông tin liên quan; khai thác khoáng sản không có thiết kế mỏ theo quy định (không có bản vẽ thi công điều chỉnh được thẩm định).

tm-img-alt
Công ty CP khai thác khoáng sản Lương Sơn lấn chiếm hơn 3ha đất để phục vụ khai thác tại mỏ đá số 5 thuộc thôn Om Làng (KV1) xã Cao Dương, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình 11 năm mới bị xử phạt. Ảnh minh họa

Được biết, Công ty TNHH 68 Hòa Bình có địa chỉ tại xã Cao Dương, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình; hoạt động trong lĩnh vực khai thác quặng kim loại khác không chứa sắt; khai thác đá, cát, sỏi, đất sét.

Bộ TN&MT vào cuộc vụ nghìn tấn lưu huỳnh lộ thiên ven sông Lô

Vietnamnet đưa tin, chiều 30/3, một nguồn tin xác nhận, Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường Hoàng Văn Thức mới chỉ đạo các đơn vị chức năng vào cuộc kiểm tra, xác minh thông tin về bãi lưu huỳnh tập kết tại Cảng Việt Trì (phường Bến Gót, TP Việt Trì).

Theo đó, các đơn vị phụ trách khu vực miền Bắc sẽ trực tiếp phối hợp với cơ quan chức năng tỉnh Phú Thọ để kiểm tra và đưa ra những giải pháp cụ thể.

tm-img-alt
Bãi lưu huỳnh gần 2.000 tấn lộ thiên ở cảng Việt Trì. Ảnh: Đoàn Bổng

Trước đó, vào sáng 29/3, một đoàn kiểm tra của tỉnh Phú Thọ do Sở TN&MT chủ trì, phối hợp Sở Công Thương, Công an tỉnh tổ chức kiểm tra thực địa tại Cảng Việt Trì.

Bước đầu, đoàn kiểm tra xác định việc tập kết lộ thiên lưu huỳnh tại Cảng Việt Trì là sai quy định, đơn vị tập kết chưa có các biện pháp nhằm ngăn ngừa ô nhiễm, an toàn phòng cháy, chữa cháy…

Khi đoàn kiểm tra vào cuộc làm việc, Cảng Việt Trì đã tổ chức nhiều biện pháp nhằm khắc phục ngay những tồn tại. Cụ thể, Cảng đã cắt cử công nhân bảo vệ tại khu vực tập kết lưu huỳnh, bố trí 2 bình chữa cháy cỡ lớn, xe bồn chở nước cũng được huy động để ứng phó trong tình huống bất ngờ.

Dự kiến, trong 3 ngày tới, phía Cảng sẽ hoàn tất việc di dời bãi lưu huỳnh nêu trên.

Thái Nguyên: Hỗ trợ phụ nữ nông thôn tiếp cận với nước sạch và vệ sinh

Tại Hội thảo, các đại biểu đã đánh giá, làm rõ sự cần thiết của việc đầu tư nước sạch và vệ sinh môi trường với phụ nữ và trẻ em; cũng như tầm quan trọng của nước, vệ sinh đối với sự phát triển kinh tế, sức khỏe cộng đồng và an sinh xã hội của Việt Nam.

tm-img-alt
Quang cảnh hội thảo

Các đại biểu cũng thảo luận những giải pháp để nâng cao nhận thức của hội viên và nhân dân về nước sạch, vệ sinh môi trường. Đồng thời, nâng cao vai trò các cấp, các ngành trong việc hỗ trợ người dân tiếp cận được nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh…

Theo báo cáo tại Hội thảo, Thái Nguyên hiện có 50,25% hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch đạt chuẩn quy chuẩn của Bộ Y tế, 86% hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh. Thời gian qua, Hội LHPN tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ thực hiện tốt nội dung 3 sạch “sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ”. Đây là nội dung được đưa vào triển khai trong Bộ tiêu chí thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và đô thị văn minh giai đoạn 2021-2025.

Tại Hội thảo, Hội LHPN tỉnh cũng đã trình bày Dự thảo Kế hoạch “Nâng cao chất lượng xây dựng gia đình 3 sạch, xóa bỏ hộ không có nhà tiêu giai đoạn 2023-2025”.

Thanh Hóa: Chú trọng công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh

Trên địa bàn huyện Triệu Sơn phát sinh hơn 120 tấn rác thải sinh hoạt (RTSH). Để bảo đảm tốt vệ sinh môi trường(VSMT), huyện đã xây dựng đề án “Thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025”.

Thông qua đề án, huyện đã huy động được nguồn lực từ Nhân dân tham gia thực hiện công tác thu gom, xử lý rác thải. Đến nay, có 7 xã trên địa bàn huyện hợp đồng với các đơn vị dịch vụ để thu gom, vận chuyển RTSH đưa đi xử lý, với tổng khối lượng thu gom trên khoảng 19 tấn/ngày; 27 xã, thị trấn đã quy hoạch bãi rác ngay tại địa phương để xử lý. Hàng ngày, RTSH từ trong các khu dân cư được người dân để đúng nơi quy định, lượng rác thải được thu gom đạt hơn 90%.

tm-img-alt

Nhóm Thanh Hóa xanh ra quân dọn dẹp rác thải trên địa bàn TP Thanh Hoá

Tại huyện Như Thanh bình quân mỗi ngày lượng rác thải sinh hoạt (RTSH) ở các xã, thị trấn phát sinh khoảng 30 tấn. Để việc thu gom RTSH mang lại hiệu quả tích cực, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn tập trung làm tốt công tác xử lý rác thải tại chỗ và yêu cầu các phòng chức năng liên quan phối hợp với các xã, thị trấn duy trì phong trào vệ sinh môi trường (VSMT) vào sáng thứ bảy hàng tuần; phát động toàn dân tham gia tổng VSMT tại nhà, khu dân cư, các điểm công cộng, đường làng, ngõ xóm…

Được biết, đến thời điểm hiện tại, việc thu gom, vận chuyển RTSH trên địa bàn huyện Như Thanh, được thực hiện định kỳ từ 2 đến 3 lần/tuần; đã có 10/14 xã, thị trấn ký hợp đồng với đơn vị thu gom, với trên 86% lượng rác thải rắn được thu gom, xử lý, trong đó chiếm khoảng 6% được xử lý bằng biện pháp chôn lấp.

Hà Tĩnh: Xác cá voi liên tiếp trôi dạt vào bờ biển Nghi Xuân

Đại diện lãnh đạo xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân cho biết, trong 2 ngày 26 và 28/3 người dân trên địa bàn đã phát hiện 2 xác cá voi trôi dạt vào bờ biển. Trong đó, con cá lớn trọng lượng khoảng 50kg, con còn lại có trọng lượng khoảng 25kg.

Do bị chết nhiều ngày trên biển, nên khi xác cá voi trôi vào bờ đều trong tình trạng không còn nguyên vẹn, phần đuôi đã bị phân hủy. Sau khi phát hiện sự việc, chính quyền xã Cương Gián và người dân đã trục vớt xác cá voi, tiến hành các nghi lễ chôn cất theo phong tục của người dân vùng biển.

tm-img-alt
Ảnh minh họa

Trước đó, vào khoảng 15h30 phút ngày 25/1 (mùng 4 tết), người dân cũng đã phát hiện xác con cá voi trôi dạt vào bờ sông Lam thuộc thôn 1, xã Xuân Hồng. Cá có trọng lượng khoảng 6kg, chiều dài hơn 60cm, đang trong tình trạng phân hủy.

Cá voi thường có kích thước, trọng lượng lớn. Theo quan niệm dân gian, cá voi là vị phúc thần, thường giúp đỡ cứu ngư dân khi chẳng may gặp nạn trên biển. Vì vậy, khi phát hiện cá voi bị chết trên biển người dân đều đưa vào bờ làm lễ chôn cất chu đáo, cầu mong phù hộ cho những chuyến đi biển thuận buồm xuôi gió, tôm cá đầy ắp khoang thuyền.

Động đất liên tục xảy ra tại Kon Tum và Biển Đông

Sáng 30/3, Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, Viện Vật lý Địa cầu vừa mới thông tin liên tục về các trận động đất tại Kon Tum và Biển Đông.

Theo đó, vào lúc 3 giờ 27 phút 45 giây (giờ Hà Nội) ngày hôm nay (30/3/2023) một trận động đất có độ lớn 2.6 xảy ra tại vị trí có tọa độ (14.891 độ vĩ Bắc, 108.316 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 5.5 km. Động đất xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0.

tm-img-alt
Động đất xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum lúc 3 giờ sáng 30/3/2023.

Trước đó, vào hồi 20 giờ 18 phút 49 giây (giờ Hà Nội) ngày 29/3/2023, một trận động đất có độ lớn 2.5 xảy ra tại vị trí có tọa độ (14.760 độ vĩ Bắc, 108.286 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1 km.

Động đất xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0.

Trên Biển Đông, vào hồi 16 giờ 37 phút 14 giây (giờ Hà Nội) ngày 28/3/2023 một trận động đất có độ lớn 3.4 xảy ra tại vị trí có tọa độ (13.159 độ vĩ Bắc, 110.146 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 12 km.

Động đất xảy ra tại khu vực Biển Đông, cách TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên khoảng 82 km. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0.

Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần – Viện Vật lý Địa cầu vẫn đang tiếp tục theo dõi các trận động đất này.

Như vậy, trong tháng 3, theo Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, tại Việt Nam đã xảy ra khoảng 32 trận động đất, có cường độ trên dưới 3 độ Richter, cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0, chủ yếu xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.

Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết lịch sử về khí hậu

Nghị quyết được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua đề nghị Tòa án Công lý Quốc tế làm rõ trách nhiệm của các nước thành viên trong bảo vệ khí hậu Trái Đất.

Nghị quyết vừa được Đại hội đồng thông qua do Vanuatu và các nước nhóm đảo Thái Bình Dương khởi xướng, được 132/193 nước thành viên LHQ đồng bảo trợ và được thông qua bằng hình thức đồng thuận cho thấy sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế đối với vấn đề này.

tm-img-alt
Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết lịch sử về biến đổi khí hậu. Ảnh: AP.

Nghị quyết này đề nghị ICJ làm rõ nghĩa vụ của các quốc gia theo luật pháp quốc tế nhằm bảo đảm bảo vệ hệ thống khí hậu.

Bên cạnh đó, nghị quyết cũng đề nghị ICJ làm rõ các hệ quả pháp lý nếu quốc gia thành viên gây tổn hại nghiêm trọng cho hệ thống khí hậu và các bộ phận khác của môi trường.

Các quốc gia hiện không có nghĩa vụ pháp lý trong giảm phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, các nước bảo trợ nghị quyết hy vọng ICJ sẽ chỉ ra những nghĩa vụ pháp lý có thể tồn tại trong các văn kiện quốc tế khác như Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982) hay Tuyên ngôn Quốc tế về nhân quyền.

Ý kiến của ICJ không mang tính ràng buộc nhưng có sức nặng về pháp lý và chính trị, do đó thường được tòa án các quốc gia xem xét.

T.Anh (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích