Quy định về xin cấp giấy phép môi trường: Những vấn đề pháp lý và thực tiễn

(Xây dựng) – Theo các chuyên gia, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 mặc dù có nhiều điểm mới nhưng vẫn còn bộc lộ một số vướng mắc trong việc áp dụng các quy định về hồ sơ, thủ tục xin cấp giấy phép về môi trường, do đó, rất cần hoàn thiện quy định pháp luật về việc cấp, xin cấp giấy phép môi trường.

Quy định về xin cấp giấy phép môi trường: Những vấn đề pháp lý và thực tiễn
Các đại biểu tham dự Tọa đàm.

Ngày 28/3, tại Hà Nội, Tạp chí Luật sư Việt Nam tổ chức Tọa đàm với chủ đề: Quy định về xin cấp giấy phép môi trường: Những vấn đề pháp lý và thực tiễn. Tọa đàm có sự tham gia của đông đảo các chuyên gia pháp lý, đại diện cơ quan quản lý Nhà nước, Luật sư và doanh nghiệp cùng đóng góp ý kiến nhằm tháo gỡ vướng mắc trong việc cấp giấy phép môi trường (GPMT).

Tọa đàm diễn ra với 2 nhóm chủ đề: Cơ sở pháp lý của những quy định pháp luật về xin cấp GPMT và Giải pháp nâng cao hiệu quả việc thực hiện Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) đối với các cơ quan quản lý, tổ chức, doanh nghiệp.

Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư, phát triển kinh tế thì việc đơn giản hóa thủ tục hành chính nhưng vẫn đảm bảo chặt chẽ các quy định pháp luật BVMT là rất cần thiết.

Trên thực tế, sau thời gian Luật BVMT có hiệu lực, việc cấp GPMT cho các doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều bất cập, thậm chí các văn bản quy định có hiện tượng chồng chéo, gây trở ngại cho các doanh nghiệp.

Phát biểu tại Tọa đàm, ThS Đặng Ngọc Luyến, Tổng Biên tập Tạp chí Luật sư Việt Nam cho biết, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 mặc dù có nhiều điểm mới, nâng cao chất lượng BVMT nhưng vẫn còn bộc lộ một số vướng mắc trong việc áp dụng các quy định về hồ sơ, thủ tục xin cấp GPMT.

Đồng quan điểm trên, TS. LS Ngô Ngọc Diễm (Công ty Luật TNHH Thinksmart) cho rằng, Luật BVMT năm 2020 đang tồn tại nhiều vướng mắc cả trong quy định của pháp luật và thực tiễn áp dụng pháp luật.

Bên cạnh đó, trong quá trình thi hành Luật BVMT, việc cấp GPMT từ phía cơ quan Nhà nước cũng như quá trình thực hiện GPMT từ phía doanh nghiệp còn mang tính thủ tục, hình thức.

Từ việc phân tích trên, LS Ngô Ngọc Diễm đã đưa ra một số đề xuất kiến nghị nhằm hoàn thiện quy định pháp luật về việc cấp, xin cấp GPMT. Cụ thể, đối với việc cấp lại, cấp đổi, cấp mới GPMT, pháp luật về BVMT nên hoàn thiện các quy định còn thiếu sót, nhằm tránh việc áp dụng quy định pháp luật tùy nghi, đồng thời nhằm bảo đảm quyền lợi cho doanh nghiệp, đơn vị, cơ sở và tránh những khó khăn về thủ tục hành chính không đáng có. Đồng thời, cần bổ sung trường hợp đặc biệt về GPMT vẫn còn thời hạn nhưng áp dụng theo Luật BVMT năm 2014.

Thứ hai, đối với việc cấp GPMT, nhất là quá trình thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật liên quan tới GPMT cần phải được thực hiện một cách đồng bộ, thống nhất theo đúng quy định pháp luật và dựa trên nguyên tác phát triển bền vững.

Thứ ba, cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật, BVMT của cơ quan Nhà nước cũng như các chủ thể kinh doanh, đầu tư trong quá trình quản lý và sử dụng GPMT, nhằm bảo đảm phát huy đúng vai trò, mục đích, ý nghĩa của GPMT trong quá trình quản lý, BVMT để phát triển kinh tế – xã hội.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường cho rằng, Luật BVMT năm 2020 có những thay đổi khá lớn so với Luật BVMT năm 2014, là một Luật được quy định chi tiết ngay từ thời gian đầu tiên có hiệu lực, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực thi Luật trên thực tế.

Quy định về xin cấp giấy phép môi trường: Những vấn đề pháp lý và thực tiễn
Toàn cảnh Tọa đàm.

Tuy nhiên, qua thực tiễn thực hiện cho thấy một số bất hợp lý nên thực tế, các cơ quan chức năng đang rà soát lại quy định tại Nghị định 08/2022/NĐ-CP về quy trình, thủ tục thẩm định cấp GPMT để sửa đổi, bổ sung nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động này.

Còn theo ông Lê Đức Thọ, Phó chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh), để tháo gỡ các vướng mắc của Luật BVMT và các văn bản hướng dẫn cần đơn giản, minh bạch hóa thủ tục cấp GPMT và chuyển sang hậu kiểm thay vì chỉ tiền kiểm.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích