Hạ Hoà – Phú Thọ: Dân héo mòn vì bê tông “tươi” Sông Lô
Hạ Hoà – Phú Thọ: Dân héo mòn vì bê tông “tươi” Sông Lô
Mặc dù mới đi vào hoạt động nhưng trạm bê tông của Công ty Cổ phần bê tông thương phẩm Sông Lô tại xã Ấm Hạ, huyện Hạ Hoà (Phú Thọ) đã gây nhiều hệ luỵ về môi trường và hồ sơ đất đai có ‘vấn đề’
Thời gian qua nhiều người dân tại xã Ấm Hạ, huyện Hạ Hoà, tỉnh Phú Thọ vô cùng bức xúc về việc trạm bê tông của Công ty Cổ phần bê tông thương phẩm Sông Lô (sau đây viết tắt là Bê tông Sông Lô, có trụ sở tại khu 10, xã Tiên Du, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ) hoạt động gây ô nhiễm về tiếng ồn, khói bụi và đặc biệt là việc xả thải trực tiếp ra môi trường gây ảnh hưởng đến việc nuôi trồng của người dân quanh khu vực.
Để làm rõ sự việc, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam đã có mặt tại khu vực phản ánh của người dân để ghi nhận thực tế. Theo quan sát của PV, trạm Bê tông Sông Lô được xây dựng trên một quả đồi, cách đường Quốc lộ 32 khoảng 200m.
Việc người dân địa phương xem trạm bê tông này giống như một cỗ máy “bức tử” môi trường là hoàn toàn có cơ sở.
Bởi lẽ, theo quan sát thực tế tại trạm bê tông Sông Lô chúng tôi thấy quá trình hoạt động đã để bụi bay mù mịt, kèm đó là tiếng gầm rú của các phương tiện máy móc hoạt động đã gây ra tiếng ồn rất khó chịu.
Ngoài ra còn xuất hiện nguồn nước màu đục, xám xịt thải ra từ quá trình sản xuất nhưng không được xử lý mà cứ thế xả thẳng ra môi trường, khiến cho tình trạng ô nhiễm càng nặng nề, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, trồng cây của các hộ dân xung quanh.
Trao đổi với PV Môi trường và Đô thị Việt Nam về vấn đề trên, ông T.M.T là người địa phương than thở: Quê tôi có nghề chế biến gỗ làm ván bóc xuất khẩu nên hàng ngày có đủ các loại xe vận tải, máy móc vận hành đã gây ảnh hưởng nhiều đến người dân địa phương. Và gần đây lại mọc lên trạm bê tông Sông Lô nằm chênh vênh trên trên ngọn đồi kia, kéo theo hàng loạt xe cộ chở xi măng, cát, đá, rồi xe bồn chở bê tông đi tiêu thụ chạy suốt ngày, càng khiến môi trường sống thêm ngột ngạt.
Cũng theo người dân địa phương, nguồn gốc khu đất đặt trạm bê tông Sông Lô là đất đồi sản xuất, đất trồng rừng. Đến nay không biết doanh nghiệp đã chuyển đổi mục đích sử dụng đất chưa và trạm bê tông này đã được cấp phép hoạt động theo quy định pháp luật hay chưa thì họ chưa nắm được.
Theo tìm hiểu PV, trạm bê tông trên do Công ty Cổ phần bê tông thương phẩm Sông Lô (Công ty Sông Lô) là chủ đầu tư. Nội dung quảng cáo của Công ty Sông Lô trên website http://betongphutho.com.vn thì những hình ảnh, con số hết sức hấp dẫn, thể hiện đây là doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trong ngành công nghiệp bê tông tại Việt Nam.
“Công ty chúng tôi coi trọng sự phát triền bền vững. Nằm trong chiến lược kinh doanh cốt lõi của chúng tôi là tiêu chí mang đến cân bằng lâu dài giữa phát triển kinh tế cho tất cả các đối tác liên quan, sự quan tâm đến thành quả môi trường, và những đóng góp để tạo nên môi trường sống lành mạnh cho cộng đồng xung quanh” – Trích nội dung Công ty Sông Lô “nổ” trên website http://betongphutho.com.vn
Về nội dung quảng cáo trên, anh Trần Thế Tr. là người dân sống gần trạm bê tông Sông Lô thẳng thắn nói: Doanh nghiệp “nổ” rằng sẽ quan tâm đến môi trường, tạo môi trường sống lành mạnh cho cộng đồng xung quanh,… nhưng thực tế bê tông “tươi” Sông Lô lại đang làm “héo mòn” đời sống của người dân và môi trường xanh vốn có quanh khu vực.
Để rộng đường dư luận, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam đã phản ánh trực tiếp những thông tin, hình ảnh hoạt động của trạm bê tông Sông Lô tới ông Hoàng Minh Phong – Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hạ Hoà, tỉnh Phú Thọ.
Sau khi tiếp nhận thông tin ông Phong cho biết: “Chúng tôi cũng mới tiến hành kiểm tra tình hình hoạt động sản xuất của trạm bê tông này, hiện nay đang tổng hợp và chưa có kết luận chính thức”.
Khi PV đặt một số câu hỏi liên quan đến hồ sơ pháp lý về đất đai, xây dựng và môi trường của trạm bê tông Sông Lô, thì vị trưởng phòng này từ chối trả lời. Nguyên nhân được đưa ra, là theo quy chế phát ngôn của huyện thì PV phải đặt lịch làm việc qua Văn phòng UBND huyện Hạ Hoà.
Tuy nhiên, PV đã đặt lịch làm việc kèm theo chi tiết nội dung và câu hỏi liên quan tới trạm bê tông Sông Lô với Văn phòng của UBND huyện Hạ Hòa, nhưng đến nay đã nhiều tuần trôi qua PV vẫn chưa nhận được phản hồi về thời gian và lịch làm việc với đại diện UBND huyện Hạ Hoà.
Trước những kiến nghị chính đáng và hoàn toàn có cơ sở nêu trên của người dân xã Ấm Hạ, thiết nghĩ lãnh đạo UBND huyện Hạ Hòa cần chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn liên quan của huyện sớm có phương án để hạn chế, khắc phục tình trạng ô nhiễm từ hoạt động sản xuất tại trạm bê tông Sông Lô, trả lại môi trường sống trong lành cho người dân.
Môi trường và Đô thị Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin sự việc
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị