Quy trình kỹ thuật dự báo và cảnh báo triều cường được quy định như thế nào?
Quy trình kỹ thuật dự báo và cảnh báo triều cường được quy định như thế nào?
Các bước trong quy trình kỹ thuật dự báo, cảnh báo triều cường được quy định như thế nào? Nội dung nào về triều cường được thực hiện dự báo, cảnh báo?
Các bước trong quy trình kỹ thuật dự báo, cảnh báo triều cường được quy định như thế nào?
Căn cứ Điều 38 Thông tư 25/2022/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì các bước trong quy trình kỹ thuật dự báo, cảnh báo triều cường bao gồm:
Bước 1. Thu thập, xử lý các loại thông tin, dữ liệu
– Dữ liệu quan trắc mực nước tại các trạm hải văn trong khu vực dự báo;
– Dữ liệu dự báo thủy triều từ các sản phẩm mô hình dự báo số trị;
– Dữ liệu dự báo thủy triều được phát tin từ Trung tâm dự báo khác trong và ngoài nước (nếu có);
– Số liệu và thông tin về hiện trạng các đối tượng có khả năng chịu tác động của triều cường và các thiệt hại (nếu có).
Bước 2. Phân tích, đánh giá hiện trạng
– Xác định khu vực ven biển, đảo xuất hiện triều cường: Độ lớn và thời gian xuất hiện nước lớn, nước ròng;
– Xác định diễn biến cấp và hướng gió, độ cao và hướng sóng, độ cao nước dâng tại khu vực xuất hiện triều cường trong khoảng 6 đến 12 giờ trước.
Bước 3. Thực hiện phương án dự báo, cảnh báo
– Các phương án được sử dụng trong dự báo, cảnh báo triều cường tại hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia: Phương án dựa trên phương pháp phân tích điều hòa; phương án dựa trên phương pháp mô hình số trị; phương án dự báo dựa trên cơ sở các phương pháp khác;
– Căn cứ vào điều kiện cụ thể, tổ chức, cá nhân không thuộc hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia tự quy định việc sử dụng các phương án dự báo, cảnh báo cho phù hợp.
Bước 4. Thảo luận dự báo, cảnh báo
– Phân tích, đánh giá độ tin cậy của các kết quả dự báo bằng các phương án khác nhau, các kết quả dự báo trong các bản tin dự báo gần nhất;
– Tổng hợp các kết quả dự báo gốc từ các phương án khác nhau và nhận định của các dự báo viên;
– Người chịu trách nhiệm phát hành bản tin lựa chọn và đưa ra kết luận dự báo cuối cùng đảm bảo độ tin cậy theo thời hạn dự báo.
Bước 5. Xây dựng bản tin dự báo, cảnh báo
– Hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia xây dựng và ban hành bản tin dự báo, cảnh báo triều cường khi phát hiện triều cường có khả năng xảy ra trước 72 giờ gồm:
Tiêu đề bản tin dự báo, cảnh báo triều cường cho khu vực cụ thể; thông tin về hiện trạng thủy triều tại khu vực xuất hiện triều cường, diễn biến triều cường, độ cao và thời gian xuất hiện nước lớn; thông tin về gió (cấp, hướng), sóng (độ cao, hướng), độ cao nước dâng lớn nhất; nhận định nguy cơ ngập do triều cường; thời gian ban hành bản tin; tên và chữ ký của người chịu trách nhiệm ban hành tin;
– Căn cứ yêu cầu thực tế, tổ chức, cá nhân không thuộc hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia tự quy định nội dung bản tin cho phù hợp.
Bước 6. Cung cấp bản tin dự báo, cảnh báo
– Hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia cung cấp các bản tin dự báo, cảnh báo triều cường cho các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức hoạt động liên quan đến phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; các cơ quan, tổ chức truyền tin về thiên tai.
– Tổ chức, cá nhân không thuộc hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia tự quy định danh sách các địa chỉ được cung cấp bản tin cho phù hợp với yêu cầu thực tế.
Bước 7. Bổ sung bản tin dự báo, cảnh báo
Trong trường hợp phát hiện triều cường có diễn biến bất thường, cần bổ sung bản tin dự báo, cảnh báo ngoài các bản tin được ban hành theo quy định tại Điều 39 Thông tư này. Việc bổ sung bản tin được thực hiện theo các bước trên
Bước 8. Đánh giá chất lượng dự báo, cảnh báo
– Hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia: Đánh giá việc thực hiện đầy đủ các bước trên; đánh giá tính đầy đủ, kịp thời việc dự báo, cảnh báo triều cường theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều này với thời gian chậm nhất là 15 phút kể từ thời điểm hoàn thành bản tin dự báo, cảnh báo gần nhất; đánh giá chất lượng dự báo, cảnh báo triều cường theo quy định tại Điều 17 Thông tư 16/2019/TT-BTNMT.
Việc đánh giá chất lượng dự báo, cảnh báo triều cường được thực hiện sau khi có đủ số liệu quan trắc theo thời hạn của bản tin dự báo;
– Các tổ chức, cá nhân không thuộc hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia phải tuân thủ các quy định hiện hành về đánh giá chất lượng dự báo.
Nội dung nào về triều cường được thực hiện dự báo, cảnh báo?
Căn cứ Điều 37 Thông tư 25/2022/TT-BTNMT có quy định nội dung dự báo, cảnh báo triều cường gồm:
– Khu vực xuất hiện triều cường.
– Độ cao và thời gian xuất hiện nước lớn.
– Cảnh báo khu vực có nguy cơ ngập do triều cường.
Bản tin dự báo, cảnh báo triều cường được phát với tần suất như thế nào?
Căn cứ Điều 39 Thông tư 25/2022/TT-BTNMT có quy định như sau:
Tần suất và thời gian ban hành bản tin dự báo, cảnh báo triều cường
1. Hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia ban hành bản tin dự báo, cảnh báo triều cường đầu tiên khi phát hiện khả năng xuất hiện triều cường trong khu vực cảnh báo, dự báo; các bản tin tiếp theo được ban hành mỗi ngày 01 bản tin vào lúc 15 giờ 30 đến khi kết thúc đợt triều cường.
2. Các tổ chức, cá nhân không thuộc hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia có trách nhiệm quy định tần suất, thời gian ban hành các bản tin phù hợp với yêu cầu thực tế.
Theo đó, tần suất và thời gian ban hành bản tin dự báo, cảnh báo triều cường được quy định như sau:
– Hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia ban hành bản tin dự báo, cảnh báo triều cường đầu tiên khi phát hiện khả năng xuất hiện triều cường trong khu vực cảnh báo, dự báo; các bản tin tiếp theo được ban hành mỗi ngày 01 bản tin vào lúc 15 giờ 30 đến khi kết thúc đợt triều cường.
– Các tổ chức, cá nhân không thuộc hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia có trách nhiệm quy định tần suất, thời gian ban hành các bản tin phù hợp với yêu cầu thực tế.
Thông tư 25/2022/TT-BTNMT sẽ có hiệu lực từ ngày 15/3/2023.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị