Lấy ý kiến dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bộ phát đáp Rađa tìm kiếm và cứu nạn

Tại Việt Nam, việc quản lý về chất lượng, độ an toàn của các thiết bị thông tin vô tuyến đã và đang được thực hiện toàn diện và thống nhất. Nhiều quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đã được ban hành và áp dụng cụ thể cho từng chủng loại thiết bị vô tuyến đang được sản xuất, ứng dụng ở Việt Nam, trong đó có thiết bị/bộ phát đáp ra đa tìm kiếm cứu nạn

Thiết bị phát đáp ra đa tìm kiếm và cứu nạn (SART- Search and Rescue Transponder) là một trong những thành phần chính của hệ thống GMDSS nhằm mục đích định vị tàu bị nạn hoặc phương tiện cứu sinh của tàu đó trong hoạt động tìm kiếm cứu nạn tại hiện trường. Tổ chức Hàng hải quốc tế IMO đã thông qua Nghị quyết A.802 (19), theo đó, các tàu SOLAS đều bắt buộc trang bị thiết bị SART và quy định trình tự các bước cơ bản trong quá trình sử dụng thiết bị SART khi mang ra khỏi tàu xuống phương tiện cứu sinh.

Bộ Thông tin và Truyền thông (BTTTT) cũng ban hành nhiều quy chuẩn kỹ thuật gồm quy chuẩn kỹ thuật về thu/phát vô tuyến điện và quy chuẩn kỹ thuật về tương thích điện từ để áp dụng cho loại thiết bị này, trong đó bao gồm quy chuẩn áp dụng cho việc quản lý thiết bị phát đáp ra đa tìm kiếm và cứu nạn.

Ảnh minh hoạ

Có thể lấy dẫn chứng về QCVN 60:2011/BTTTT “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bộ phát đáp Ra đa tìm kiếm cứu nạn”. Quy chuẩn này được xây dựng cơ sở các yêu cầu kỹ thuật của Khuyến nghị ITU-R M.628-4 của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU). Hay như QCVN 119:2019/BTTTT “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tương thích điện từ đối với thiết bị thông tin vô tuyến và dẫn đường hàng hải”. Quy chuẩn này được xây dựng cơ sở tiêu chuẩn IEC:2002 và IEC 60945:2022/COR1:2008 của Uỷ ban Kỹ thuật điện quốc tế (IEC).

Do sự phát triển của công nghệ mới cũng như sự biến động của quy ước thông tin vô tuyến điện, các phiên bản tiêu chuẩn được tham chiếu trên đã được các tổ chức tiêu chuẩn hoá trên thế giới như ITU, IEC, ETSI,… bãi bỏ và thay thế. Vì vậy, việc các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trên liên tục được rà soát, cập nhật, sửa đổi, bổ sung hàng năm là cần thiết nhằm đáp ứng công tác chuẩn hóa thiết bị và quản lý chất lượng các sản phẩm, hàng hóa chuyên ngành thông tin và truyền thông trong giai đoạn mới.

Phong Lâm

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích