Doanh nghiệp cần địa phương hóa giải pháp đổi mới sáng tạo
Đề xuất cơ chế thành lập Quỹ đầu tư đổi mới sáng tạo
Phát biểu tại Diễn đàn Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 – Cưỡi trên ngọn sóng số vừa diễn ra, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Duy Đông cho biết, năm 2022, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam đạt trên 22 tỉ đô la, tăng 13,5% so với năm trước và đây là những con số cao nhất trong vòng từ năm 2018 đến nay.
Số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường năm 2022 đạt khoảng 208.000 doanh nghiệp, tăng hơn 30% so với năm 2021, trong đó có hơn 148.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới chiếm tới khoảng 70 %. Bên cạnh đó, đã có 41 quỹ đầu tư phát triển cam kết đầu tư 1,5 tỷ đô la vào thị trường Việt Nam trong giai đoạn 2023 – 2025. Dự kiến tổng giá trị đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam trong thời gian này sẽ đạt khoảng 5 tỉ đô la Mỹ
Trong bảng xếp hạng của StartupBlink về hệ sinh thái startup các quốc gia năm 2022, Việt Nam xếp thứ 54, tăng 5 bậc so với năm trước. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII), chỉ số cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Việt Nam đều được cải thiện và đứng thứ hạng cao cùng với các nước phát triển.
“Việt Nam vẫn duy trì được vị trí trong nhóm 50 quốc gia đổi mới sáng tạo dẫn đầu (thứ 44/132) là một nỗ lực rất lớn. Đó là dấu hiệu đáng khích lệ khi Việt Nam chuyển từ khả năng phục hồi sang quá trình phát triển bứt phá,” Thứ trưởng nói. Tuy nhiên, dù có những con số hết sức ấn tượng, song hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp tại Việt Nam chưa được khai thác tối đa về tiềm năng thu hút đầu tư.
Trong đó, dễ dàng thấy là số lượng “kỳ lân” công nghệ của Việt Nam chưa nhiều, chỉ có bốn startup đạt được danh hiệu này. Trong khi đó, các thị trường khác thì con số “kỳ lân” này lại rất cao. Các quỹ đầu tư mạo hiểm cũng chưa nhiều và chưa có nhiều các khoản đầu tư lớn.
“Mặc dù nằm trong 50 nước có chỉ số phát triển vì sáng tạo cao nhưng chúng ta đang bị cạnh tranh rất nhiều. Các quốc gia khác đang không ngừng đổi mới, và chúng ta cũng cần liên tục đổi mới về mọi mặt, kể cả với các cơ quan quản lý, hoạch định chính sách,…”, Thứ trưởng Trần Duy Đông nhận định.
Ảnh minh hoạ
Ngoài ra, theo Thứ trưởng sự liên kết, hỗ trợ lẫn nhau giữa các doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo chưa thật sự chặt chẽ; thủ tục thành lập các quỹ đầu tư cũng bị phản ánh là còn phức tạp.
Với vai trò là cơ quan giao lưu, tổng hợp về chiến lược phát triển kinh tế xã hội, Bộ KH&ĐT sẽ tiếp tục nghiên cứu, báo cáo khả năng xây dựng chính sách về đầu tư mạo hiểm và đề xuất cơ chế thành lập Quỹ đầu tư đổi mới sáng tạo với mục tiêu hỗ trợ nhanh chóng, hiệu quả các dự án vừa mới sáng tạo tiềm năng cũng như để hình thành một môi trường đầu tư đổi mới sáng tạo thực sự có hiệu quả.
Cơ hội cho Việt Nam
Ông Orkan Akcan, Phó Chủ tịch điều hành bộ phận Phát triển quốc tế (Công ty Insider) chia sẻ, đổi mới sáng tạo và nắm bắt các cơ hội phát triển trong xu thế dịch chuyển từ nền kinh tế truyền thống sang nền kinh tế số sẽ mang lại nhiều cơ hội cho Việt Nam.
Về câu chuyện khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo thành công của Công ty Insider, công ty bắt đầu lựa chọn khởi điểm tại Thổ Nhĩ Kỳ, sau đó phát triển sang khu vực Đông Nam Á và trong đó có Việt Nam, cũng như mở rộng thêm những thị trường tiềm năng khác. Khi thâm nhập vào thị trường Việt Nam, Công ty Insider bắt đầu từ con số 0 nhưng dần khẳng định được thương hiệu thể hiện qua chỉ số doanh thu ròng và giữ chân được khách hàng.
Liên quan đến lĩnh vực công nghệ, ông Orkan Akcan đánh giá làn sóng công nghệ phát triển rất nhanh chóng nên thị trường khác nhau cần những nền tảng khác nhau và đáp ứng yêu cầu về năng lực cạnh tranh khác nhau. Vì vậy, doanh nghiệp cần địa phương hóa giải pháp đổi mới sáng tạo, phát triển đúng sản phẩm… mới có thể tiếp cận thị trường và định vị cũng như luôn sẵn sàng bắt đầu lại.
Ông Nguyễn Đức Long, Đại diện Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), cũng chỉ ra rằng NIC đã và đang xác định một số nhóm ngành nghề, lĩnh vực nhằm tập trung hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp nhiều nhất trong năng lực có thể như sản xuất thông minh, thành phố thông minh, an ninh mạng, truyền thông số, bán dẫn, công nghệ y tế…
Tuy nhiên, rất khó để lựa chọn ra những nhóm ngành hay nhóm doanh nghiệp nào đó để hỗ trợ nên một trong những vấn đề cốt lõi mà NIC chú trọng hàng đầu là xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp từ nguồn lực con người.
Phong Lâm