Khuyến cáo người tiêu dùng khi giao kết hợp đồng viễn thông và truyền hình trả tiền
Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng (Bộ Công Thương), Khoản 4 Điều 3 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 (Luật BVQLNTD) quy định: “hợp đồng theo mẫu là hợp đồng do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ soạn thảo để giao dịch với người tiêu dùng”.
Theo đó, đối với lĩnh vực viễn thông, truyền hình trả tiền, hợp đồng theo mẫu là các hợp đồng cung cấp và sử dụng (các) dịch vụ viễn thông, truyền hình trả tiền do các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, truyền hình trả tiền soạn thảo sẵn để giao kết với khách hàng.
Tùy từng loại dịch vụ, các mẫu hợp đồng dịch vụ viễn thông, truyền hình trả tiền thường được thể hiện với nhiều tên gọi khác nhau như: hợp đồng cung cấp và sử dụng dịch vụ (truy nhập internet/điện thoại cố định/thông tin di động hình thức trả trước, trả sau/truyền hình trả tiền/truyền hình trả tiền trên mạng internet); điều khoản của hợp đồng cung cấp và sử dụng dịch vụ (truy nhập internet/điện thoại cố định/thông tin di động hình thức trả trước, trả sau/truyền hình trả tiền/truyền hình trả tiền trên mạng internet); điều khoản và điều kiện của hợp đồng cung cấp và sử dụng dịch vụ;…
Ngoài ra, với việc đa dạng hóa dịch vụ cung cấp theo nhu cầu thực tiễn, bên cạnh mẫu hợp đồng cung cấp từng dịch vụ riêng lẻ, nhiều doanh nghiệp cũng tích hợp cung cấp một hoặc một số dịch vụ viễn thông, truyền hình trả tiền trong một hợp đồng (gọi là “hợp đồng combo”) để khách hàng có thể lựa chọn, ví dụ: hợp đồng cung cấp và sử dụng dịch vụ (bao gồm truy nhập internet và/hoặc truyền hình trả tiền; dịch vụ điện thoại cố định mặt đất và/hoặc truy nhập internet;…).
Về hình thức, hợp đồng dịch vụ viễn thông, truyền hình trả tiền có thể là một hợp đồng hoàn chỉnh hoặc được tách thành các tài liệu khác nhau như: (i) hợp đồng cung cấp và sử dụng dịch vụ; (ii) điều khoản/điều khoản và điều kiện của hợp đồng; và (iii) phụ lục hợp đồng. Các tài liệu này đều được quy định là một phần đính kèm, không tách rời và là bộ phận cấu thành bộ hợp đồng hoàn chỉnh, được bên cung cấp dịch vụ cung cấp cho khách hàng xem xét trước tại thời điểm giao kết hợp đồng.
Ảnh minh họa
Về bố cục, các nội dung chính về cung cấp dịch vụ, gói dịch vụ/gói cước, quyền và nghĩa vụ của các bên, tạm dừng/chấm dứt hợp đồng, giải quyết tranh chấp,… thường được quy định trực tiếp tại hợp đồng hoặc điều khoản của hợp đồng. Các thông tin riêng biệt về từng giao dịch như thông tin khách hàng, thông tin chi tiết về gói dịch vụ, gói cước, giá cước, danh mục kênh truyền hình, thanh toán cước,… có thể được quy định tại hợp đồng hoặc được tách thành phụ lục riêng của hợp đồng. Ngoài ra, bản điều kiện giao dịch chung về cung cấp và sử dụng dịch vụ (trường hợp doanh nghiệp ban hành tài liệu này) sẽ được cung cấp đính kèm hợp đồng cho khách hàng tại thời điểm giao kết hợp đồng.
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng cũng đưa ra một số lưu ý đối với người tiêu dùng khi giao kết hợp đồng theo mẫu trong lĩnh vực viễn thông, truyền hình trả tiền.
Cụ thể, theo Quyết định số 02/2012/QĐ-TTg ngày 13 tháng 01 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản sửa đổi, bổ sung, một số dịch vụ viễn thông, truyền hình trả tiền thuộc nhóm danh mục phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung với cơ quan bảo vệ người tiêu dùng có thẩm quyền.
Danh mục này bao gồm: (i) Dịch vụ điện thoại cố định mặt đất; (ii) Dịch vụ thông tin di động mặt đất (hình thức thanh toán: trả sau); (iii) Dịch vụ thông tin di động mặt đất (hình thức thanh toán: trả trước); (iv) Dịch vụ truy nhập internet; và (v) Truyền hình trả tiền. Như vậy, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, truyền hình trả tiền cần thực hiện và hoàn thành thủ tục đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung về viễn thông, truyền hình trả tiền với Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương hoặc Sở Công Thương (tùy theo phạm vi áp dụng) trước khi giao kết với người tiêu dùng. Bên cạnh việc tuân thủ pháp luật chuyên ngành, hình thức và nội dung của hợp đồng giao kết với người tiêu dùng cần tuân thủ các quy định cụ thể tại Luật BVQLNTD và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Để tránh rủi ro và tranh chấp phát sinh từ việc giao kết các hợp đồng viễn thông, truyền hình trả tiền được soạn thảo sẵn, người tiêu dùng cần lưu ý một số vấn đề trước khi giao kết.
Một là, đề nghị doanh nghiệp cung cấp đầy đủ bộ hợp đồng hoàn chỉnh (trong trường hợp hợp đồng gồm nhiều cấu phần khác nhau) và đọc kỹ toàn bộ hợp đồng trước khi giao kết; lưu giữ một bản hợp đồng sau khi đã giao kết để làm cơ sở giải quyết các vấn đề/tranh chấp phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng.
Hai là, kiểm tra kỹ các thông tin của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ (ví dụ: tên doanh nghiệp, mã số doanh nghiệp, giấy phép kinh doanh, địa chỉ liên hệ,…) đảm bảo các thông tin đã được doanh nghiệp điền đầy đủ, chính xác.
Ba là, kiểm tra việc đáp ứng các điều kiện cung cấp dịch vụ viễn thông, truyền hình trả tiền và điều kiện giao kết hợp đồng của doanh nghiệp theo pháp luật hiện hành khác có liên quan (ví dụ: phải có giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông/phát thanh, truyền hình trả tiền do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp,…).
Bốn là, kiểm tra việc hoàn thành nghĩa vụ đăng ký của các doanh nghiệp tại Cục Cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng (Bộ Công Thương) hoặc Sở Công Thương (tùy thuộc phạm vi áp dụng) theo quy định pháp luật.
Năm là, so sánh mẫu hợp đồng được cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có thẩm quyền thông qua với mẫu hợp đồng do doanh nghiệp cung cấp để yêu cầu doanh nghiệp áp dụng đúng mẫu đã được cơ quan có thẩm quyền thông qua trong trường hợp có sự khác biệt.
Sáu là, nghiên cứu kỹ các nội dung được doanh nghiệp chú thích và cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khuyến cáo tại các phần để trống trong hợp đồng được đăng ký để có sự cân nhắc kỹ lưỡng trước khi giao kết hợp đồng.
Phong Lâm