Du thuyền “trong suốt” ít gây hại tới môi trường nhờ công nghệ in 3D
Du thuyền “trong suốt” ít gây hại tới môi trường nhờ công nghệ in 3D
Du thuyền này gần như vô hình trong môi trường xung quanh nó và ít gây hại tới môi trường nhờ sử dụng công nghệ in 3D.
Nhà thiết kế Jozeph Forakis đã có ý tưởng chế tạo một chiếc du thuyền cao cấp, mang tên Pegasus, với hình dáng độc đáo và sử dụng công nghệ ít gây hại tới môi trường, với chiều dài lên đến 88m cùng vẻ ngoài khác lạ.
Du thuyền này gần như vô hình trong môi trường xung quanh nó và ít gây hại tới môi trường. Ý tưởng của Forakis được cho là chưa từng có trên thế giới.
Trên bản thiết kế, du thuyền được trang bị những “đôi cánh” có gắn kính và chúng sẽ hoạt động như mặt gương phản chiếu môi trường xung quanh, qua đó giúp nó dễ dàng giấu mình vào môi trường xung quanh. Các tấm pin Mặt Trời được gắn lên cấu trúc thượng tầng của du thuyền để cung cấp năng lượng cho các thiết bị điện phân hydro từ nước biển.
Hydro sau đó được chuyển đổi thành điện năng, được lưu trữ trong các khối pin ion lithium để cung cấp năng lượng cho hệ thống điều hành và các tiện nghi trên du thuyền. Hydro được lựa chọn làm nhiên liệu sử dụng trên du thuyền vì không gây phát thải khí CO2 ra môi trường, giảm thiểu tác động tới tình trạng biến đổi khí hậu.
Theo Forakis, du thuyền Pegasus sẽ không phát thải khí nhà kính. Ông cho biết thiết kế này lấy cảm hứng từ một chuyến đi biển tại Hy Lạp. Ông muốn tôn vinh thiên nhiên bằng cách tạo ra một chiếc du thuyền càng gần gũi với tự nhiên càng tốt.
Forakis cũng tiết lộ rằng siêu du thuyền của mình sẽ được chế tạo bằng công nghệ in 3D, để tạo ra một bộ khung tích hợp cả thân tàu và cấu trúc thượng tầng. Như vậy sẽ giảm thiểu tối đa các chi phí về năng lượng, vật liệu, chất thải, không gian và thời gian so với hoạt động đóng tàu thông thường.
Pegasus sẽ được trang bị nhiều tiện nghi như khu chơi bi-a, bồn tắm nước nóng, bancông gấp gọn hay bể bơi có mái linh hoạt và khi đóng lại có thể dùng làm sân bay trực thăng…
Nổi bật nhất trong thiết kế nội thất là ý tưởng “cây sự sống,” sẽ trải dài trên cả 4 lớp sàn tàu. Cấu trúc “cây sự sống” này sẽ là phần lõi của một khu vườn thủy canh, vừa cung cấp thực phẩm tươi sống cho du thuyền, vừa thanh lọc không khí.
Vậy mất bao lâu nữa chiếc du thuyền hạng sang này mới có thể trở thành sản phẩm thực tế? Theo Forakis, dự án này được hình thành với triết lý “khoa học thực tế, không hư cấu” và các công nghệ cần thiết để đóng tàu vẫn cần được phát triển thêm nữa.
Forakis ước tính rằng có thể mất từ 5 đến 7 năm để đóng du thuyền. Ông hy vọng du thuyền sẽ có thể ra mắt công chúng vào năm 2030.
Có lẽ do ý tưởng khá mới mẻ nên dù Forakis đã nhận được vài đề nghị mua, nhưng đến nay Pegasus mới chỉ dừng lại ở bản vẽ 3D.
Vĩnh Hải (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị