Báo chí phải đổi mới, sáng tạo mạnh mẽ để “giữ chân” độc giả

Báo chí phải song hành với công nghệ

Phóng viên: Hội báo Toàn quốc năm 2023 vừa khép lại với rất nhiều hoạt động sôi nổi và ý nghĩa. Thông điệp “Đoàn Kết – Chuyên nghiệp – Văn hoá – Sáng tạo” được thể hiện rõ nét qua hầu hết các sự kiện thiết thực, hấp dẫn, vừa góp phần củng cố tinh thần đoàn kết giữa các cơ quan báo chí, các hội nhà báo địa phương vừa tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa báo chí với công chúng. Với cương vị là Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, đồng chí đánh giá thế nào về Hội báo Toàn quốc năm nay?

Báo chí phải đổi mới, sáng tạo mạnh mẽ để “giữ chân” độc giả
Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh.

Đồng chí Lê Quốc Minh: Có thể khẳng định Hội báo Toàn quốc 2023 đã diễn ra rất thành công: Thành công từ khâu tổ chức, thiết kế tổng thể chương trình của Ban Tổ chức cho đến sự tham gia kỷ lục của các hội nhà báo địa phương, các liên chi hội, chi hội nhà báo với 87 gian trưng bày cùng rất nhiều hoạt động đặc sắc của từng đơn vị.

Trong khuôn khổ Hội báo có rất nhiều sự kiện hấp dẫn như các cuộc hội thảo về những vấn đề nghiệp vụ, về chủ đề rất nóng hiện nay là trí tuệ nhân tạo trong hoạt động sáng tạo nội dung của cơ quan báo chí, trao đổi với những tác giả đoạt giải A báo chí quốc gia hay tọa đàm về vai trò của thanh niên trong công cuộc chuyển đổi số, những cuộc trò chuyện về nghề báo, cả những hoạt động văn hóa – thể thao như cuộc thi tiếng hát người làm báo và giải bóng đá của báo Nhà báo và Công luận.

Chưa bao giờ chúng tôi thấy nhiều lãnh đạo các cơ quan báo chí và Hội nhà báo địa phương tề tựu đông đảo như hội báo năm nay, cũng chưa bao giờ chúng tôi thấy công chúng tới tham quan và tham gia vào các sự kiện sôi nổi như năm nay. Chừng đó khiến chúng tôi tin tưởng rằng Hội báo Toàn quốc 2023 đạt hiệu quả cao nhất từ trước tới nay.

Phóng viên: Chỉ còn 2 năm nữa, nền Báo chí Cách mạng Việt Nam sẽ chạm dấu mốc 100 năm. Trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế sôi động, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ trong đó có xu thế chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo khiến Báo chí Cách mạng Việt Nam đứng trước nhiều thách thức. Theo đồng chí, báo chí Việt Nam cần đổi mới như thế nào để đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới?

Đồng chí Lê Quốc Minh: Nói đến báo chí là nói đến tính tiên phong, là nói đến sự đổi mới sáng tạo. Báo chí trong thời đại kỹ thuật số hiện nay, trong bối cảnh hành vi tiêu dùng thông tin của người dùng có rất nhiều thay đổi, càng phải đổi mới sáng tạo mạnh mẽ thì mới có thể giữ chân độc giả, khán thính giả đang có và thậm chí thu hút những người dùng mới, nhất là người trẻ.

Cách thức đưa tin, kể chuyện ngày nay khác rất nhiều so với thời gian trước đây, bởi báo chí phải cạnh tranh với hàng tỷ kênh thông tin trên mạng Internet, báo chí không còn là nguồn duy nhất cung cấp tin tức, thông tin tới công chúng.

Bây giờ người dùng cũng không đi tìm tin tức nữa mà tin tức phải tìm đến người dùng với tính cá nhân hóa ngày càng cao. Vì thế, báo chí phải song hành với công nghệ. Chúng ta đang nói nhiều tới chuyển đổi số, tới trí tuệ nhân tạo, nhưng đó chỉ là những công cụ mới mẻ của quá trình sản xuất nội dung mà thôi.

Điều quan trọng là các tòa soạn phải bắt kịp xu hướng mới, tạo ra những sản phẩm mới, xây dựng cả một môi trường văn hóa mới. Mỗi nhà báo phải chủ động tự trang bị cho mình những kỹ năng mới, kiến thức mới, không ngừng học hỏi để theo kịp với sự phát triển của thời đại, với nhu cầu ngày càng đa dạng của công chúng.

Cần thử nghiệm, phải chấp nhận rủi ro thì mới tìm ra được mô hình phù hợp

Phóng viên: Thực tiễn cho thấy, kinh tế báo chí vẫn đang là bài toán chưa có lời giải hiệu quả đối với đa số các cơ quan báo chí. Nguồn thu của các cơ quan báo chí đang ngày càng thu hẹp do số lượng phát hành giảm, quảng cáo cũng ngày càng hạn chế. Trước thực trạng đó, Hội Nhà báo Việt Nam có hướng đi mới nào để giúp cơ quan báo chí sớm khắc phục nhữngkhó khăn này và đưa báo chí Việt Nam tiếp tục phát triển không, thưa đồng chí?

Báo chí phải đổi mới, sáng tạo mạnh mẽ để “giữ chân” độc giả
Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh (thứ 3 từ trái sang) trao đổi nghiệp vụ với sinh viên báo chí, người làm báo về thách thức cũng như thuận lợi trong công cuộc chuyển đổi số.

Đồng chí Lê Quốc Minh: Các nghiên cứu báo chí trên thế giới đã chỉ ra rằng nguồn thu quảng cáo của báo chí đã bị sụt giảm đáng kể trong suốt 2 thập niên qua, đặc biệt là với báo in. Trong khi đó, nguồn thu từ quảng cáo digital dù có tăng với tốc độ khá cao vẫn không bù đắp được phần suy giảm.

Nhiều cơ quan báo chí trên thế giới từ lâu đã nhận thấy đòi hỏi phải tăng nguồn thu từ độc giả, và thực tế cho thấy trong vài năm qua, nguồn thu từ độc giả đã vượt nguồn thu quảng cáo – vốn chiếm tới 85-90% nguồn thu của các cơ quan báo chí.

Trong ấn phẩm thường niên của tổ chức báo chí FIPP, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng mỗi cơ quan báo chí phải áp dụng ít nhất 3-4 mô hình kinh doanh thì mới có thể đảm bảo phát triển ổn định.

Tại Việt Nam, tuy Hội Nhà báo đã tổ chức không ít hội nghị, hội thảo về kinh tế báo chí và khẳng định các cơ quan báo chí cần phải đa dạng hóa nguồn thu để đảm bảo sự phát triển ổn định, nhưng rất ít đơn vị làm được điều này.

Trong thời gian tới, Hội Nhà báo Việt Nam sẽ tiếp tục mời các chuyên gia trao đổi về vấn đề kinh tế báo chí, mời các cơ quan báo chí có mô hình hiệu quả chia sẻ kinh nghiệm. Tuy nhiên, xin khẳng định rằng quyết tâm của từng đơn vị mới là yếu tố then chốt. Cần phải thử nghiệm, phải chấp nhận rủi ro, chấp nhận cả thất bại thì mới tìm ra được mô hình phù hợp với tờ báo của mình.

Vừa qua, Chính phủ đã ban hành thông tư hướng dẫn về hoạt động truyền thông chính sách, trong đó nêu rõ các bộ, ngành, chính quyền địa phương cần chủ động phối hợp và dành nguồn lực cho báo chí để thực hiện mục tiêu này. Nếu áp dụng tốt quy định này, báo chí cũng sẽ được hỗ trợ ít nhiều, nhưng đây cũng chỉ là một nguồn thu mà thôi.

Báo Lao động Thủ đô có nhiệm vụ vô cùng lớn lao và cũng rất đỗi tự hào

Phóng viên: Đồng chí đánh giá thế nào về vai trò của hệ thống báo chí Thủ đô nói chung và Báo Lao động Thủ đô nói riêng trong nền Báo chí Cách mạng Việt Nam?

Đồng chí Lê Quốc Minh: Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước, Hà Nội có một vai trò vô cùng quan trọng trong sự phát triển chung, mọi sự kiện xảy ra tại Hà Nội hoặc liên quan đến Hà Nội đều có ý nghĩa lớn trong dòng chảy chung. Vì thế, các cơ quan báo chí của Thủ đô, trong đó có báo Lao động Thủ đô, có nhiệm vụ vô cùng lớn lao và cũng rất đỗi tự hào.

Độc giả của các cơ quan báo chí Hà Nội không chỉ là những người dân sống tại Thủ đô mà là người dân khắp mọi miền Tổ quốc và cả những người nước ngoài, người Việt sống ở nước ngoài. Họ tiếp cận thông tin về Hà Nội có đầy đủ hay không, chủ trương chính sách của lãnh đạo Hà Nội có được chuyển tải chính xác, kịp thời hay không, chính là nhờ một phần lớn vào các báo, đài, tạp chí của Thủ đô.

Báo chí Thủ đô thậm chí phải là hình mẫu, là tấm gương về nghề nghiệp cho các cơ quan báo chí trong cả nước noi theo.

Phóng viên: Dưới góc nhìn là Phó Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, đồng chí có gợi mở với báo Lao động Thủ đô hướng phát triển để bắt kịp xu thế?

Báo chí phải đổi mới, sáng tạo mạnh mẽ để “giữ chân” độc giả
Đồng chí Lê Quốc Minh chia sẻ trong Chương trình đào tạo Chuyển đổi số báo chí.

Đồng chí Lê Quốc Minh: Xu thế phát triển của báo chí hiện nay được đúc kết trong hai từ “big” hoặc “niche” – hoặc phải là một cơ quan báo chí quy mô lớn, có thể bao phủ mọi lĩnh vực, mọi vấn đề, hoặc phải là một cơ quan báo chí rất chuyên sâu và đi vào một thị trường ngách riêng mà các cơ quan báo chí khác khó cạnh tranh được.

Xét về quy mô nhân lực và nguồn lực, báo Lao động Thủ đô không thể và không nên phát triển theo hướng “lớn”, cho nên phải đi theo thị trường ngách theo đúng tên gọi và tôn chỉ mục đích của tờ báo. Thực ra vấn đề lao động của Thủ đô là một lĩnh vực lớn, cái “ngách” này không quá chuyên biệt nên vừa là khó khăn nhưng cũng là lợi thế vì sân chơi rộng hơn, có nhiều chuyện để nói, để kể hơn cho độc giả của mình.

Với ưu thế của một cơ quan báo chí Hà Nội, chắc chắn báo Lao động Thủ đô sẽ tiếp cận được những nội dung, những góc nhìn khác biệt so với các cơ quan báo chí khác.

Tuy nhiên, chiếm lĩnh một vị thế độc tôn không có nghĩa là đảm bảo thành công nếu không đầu tư xây dựng nội dung chất lượng cao, sáng tạo ra những sản phẩm mới mẻ và hấp dẫn, nếu không thực hiện chuyển đổi số để bắt kịp và thậm chí đón chờ độc giả trên các nền tảng số.

Cách làm báo hiện nay khác xa với trước kia, thậm chí khác với 5-10 năm trước. Chúng ta có nhiều công cụ làm báo hơn nhưng độc giả lại dễ bị phân tán sự chú ý hơn, các nhà quảng cáo chi tiền nhiều hơn nhưng đa phần miếng bánh lại rơi vào túi các tập đoàn công nghệ lớn. Để tồn tại và phát triển trong môi trường cạnh tranh khốc liệt hiện nay đòi hỏi ban lãnh đạo cũng như từng phóng viên, biên tập viên và nhân viên của báo Lao động Thủ đô phải liên tục làm mới chính mình.

Phóng viên: Nhân dịp báo Lao động Thủ đô kỷ niệm 30 năm ngày phát hành số báo đầu tiên, đồng chí có lời chúc nào dành cho tập thể cán bộ, phóng viên của Báo?

Đồng chí Lê Quốc Minh: Những thành quả của ngày hôm qua là rất đáng trân trọng, phải luôn ghi nhớ để làm nền tảng cho sự phát triển của ngày mai. Nhưng phải hướng đến tương lai để tiếp tục đi xa hơn nữa. Xin chúc báo Lao động Thủ đô sẽ có quá trình phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, để mỗi năm nhìn lại chặng đường lại càng thêm tự hào với những gì đạt được.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Lê Thị Hà (thực hiện)

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích