Những vướng mắc qua thực tiễn 1 năm triển khai Luật Bảo vệ môi trường 2020
Những vướng mắc qua thực tiễn 1 năm triển khai Luật Bảo vệ môi trường 2020
Qua hơn 1 năm Luật Bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực, việc cấp giấy phép môi trường cho các doanh nghiệp còn gặp nhiều bất cập, thậm chí các văn bản quy định có hiện tượng chồng chéo, gây trở ngại cho các doanh nghiệp.
Để tháo gỡ, Bộ TN&MT đang trong quá trình rà soát, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.
Những vướng mắc ghi nhận từ thực tiễn quá trình tư vấn doanh nghiệp đã được các Luật sư thuộc Liên đoàn Luật sư Việt Nam nêu lên tại Tọa đàm “Quy định về xin cấp phép giấy phép môi trường: Những vấn đề pháp lý và thực tiễn”, diễn ra vào sáng ngày 28/3, tại Hà Nội.
Doanh nghiệp vẫn phải chờ lâu để có giấy phép
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022) thay thế Luật Bảo vệ môi trường năm 2014. Đây là hành lang pháp lý quan trọng để phát huy vai trò của người dân, doanh nghiệp và cả hệ thống chính trị trong việc tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường.
Riêng đối với thủ tục hành chính, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã tập trung cải cách mạnh mẽ, cắt giảm 40% số thủ tục hành chính, góp phần giảm chi phí cho doanh nghiệp và giảm được 20% đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường. Trong đó, giấy phép môi trường (GPMT) mới đã tích hợp 7 loại giấy phép môi trường thành phần và được cấp cho các cơ sở, dự án phát sinh chất thải phải xử lý ra môi trường khi vận hành chính thức.
Phát biểu tại Tọa đàm, LS Nguyễn Thu Hoài, Phó trưởng Ban Chính sách luật sư, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho rằng, việc tích hợp gấy phép giúp tránh sự chồng chéo, trùng lặp, mâu thuẫn trong nội dung cấp phép ở các Luật khác nhau, giảm thủ tục hành chính nhưng vẫn bảo đảm kiểm soát ô nhiễm môi trường. Doanh nghiệp cũng chủ động hơn trong việc tuân thủ pháp luật do chỉ phải thực hiện đúng theo một giấy phép. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai quy định pháp luật hiện hành về GPMT ở nước ta trong thời gian qua cho thấy nhiều hạn chế. Cụ thể, pháp luật còn thiếu quy định chi tiết, cụ thể về điều kiện cũng như cơ chế kiểm tra, giám sát đối với các trường hợp doanh nghiệp xin cấp các loại GPMT vượt quá quy mô, tính chất của dự án hoạt động cũng như yêu cầu về BVMT của dự án.
Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định các doanh nghiệp phải hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường rồi mới làm hồ sơ xin GPMT. Chi phí đầu tư công nghệ xử lý nước thải, xử lý chất thải và các hệ thống quản lý môi trường khác có thể khá lớn và làm tăng chi phí thẩm định, tạo gánh nặng cho doanh nghiệp khi làm các thủ tục xin Giấy phép môi trường.
Về thời gian cấp phép, Luật BVMT quy định chỉ khoảng 30 – 45 ngày làm việc. Tuy nhiên, việc tích hợp nhiều loại giấy phép trong một sẽ khiến cơ quan có thẩm quyền mất nhiều thời gian để kiểm tra, xác minh, thẩm định về việc đáp ứng các điều kiện theo Luật, trong khi nhân lực hạn chế. Vì vậy, theo nhiều doanh nghiệp phản ánh, thời gian thực tế để xin được GPMT thông thường phải mất ít nhất là 1 năm hoặc hơn 1 năm.
Về vấn đề cấp đổi GPMT, TS. LS Ngô Ngọc Diễm (Công ty Luật TNHH Thinksmart) cho rằng, Luật hiện hành quy định cơ sở, đơn vị đầu tư chỉ được cấp đổi trong trường hợp đổi thay đổi tên chủ dự án. Còn những trường hợp khác, pháp luật chưa có quy định. Một số các đơn vị, cơ sở, doanh nghiệp vẫn áp dụng Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 khi đăng ký các loại giấy phép liên quan đến môi trường do chưa hết thời hạn của các loại giấy phép môi trường này. Trong trường hợp các đơn vị, cơ sở này muốn cấp đổi lại giấy phép môi trường thì họ cần chờ đến khi giấy phép môi trường cũ hết hiệu lực. Sau đó, họ mới có thể đăng ký giấy phép môi trường theo luật mới. Còn đối với việc cấp lại, khoản 3 Điều 44 Luật Bảo vệ môi trường cũng không quy định về việc cấp lại, gây khó khăn cho các đơn vị, doanh nghiệp về chi phí, thời gian, quyền và nghĩa vụ liên quan của họ.
Địa phương lúng túng
Qua thời gian thực thi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 tại địa phương, ông Lê Đức Thọ, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh nhận thấy, quá trình triển khai thực hiện còn gặp khó khăn, vướng mắc trong việc xác định thẩm quyền cấp GPMT.
Ví dụ trong lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử, doanh nghiệp có công suất 1 triệu sản phẩm trở lên thuộc thẩm quyền thẩm định của Bộ TN&MT. Thực tế là số lượng doanh nghiệp có công suất này rất nhiều nhưng lượng phát phát thải không lớn. Bởi nước thải đã đưa vào khu xử lý chung của khu, cụm công nghiệp, không có khí thải bởi doanh nghiệp chỉ lắp rắp, rác thải cũng ít. Một số doanh nghiệp thuộc thẩm quyền của địa phương thì quy mô quá nhỏ.
Bên cạnh đó, Luật BVMT và các văn bản hướng dẫn thi hành còn thiếu những hướng dẫn chi tiết, cụ thể về đánh giá sức chịu tải của môi trường trong mối liên hệ với việc cấp GPMT. Sở gặp khó trong việc phân định đối tượng thực hiện thủ tục hành chính về giấy phép môi trường căn cứ theo nội dung dự án, quy mô công suất; yếu tố nhạy cảm về môi trường. Nhiều dự án đã và đang bắt đầu lập hồ sơ nhưng lại lúng túng trong quá trình thực hiện khiến việc cấp GPMT bị chậm so với thời gian dự kiến ban đầu.
Theo quy định, các dự án đầu tư có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Như vậy, các dự án được miễn đăng ký môi trường theo Nghị định 08/2022/NĐ-CP nhưng nếu có chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa thì vẫn phải lập ĐTM. Thực tế có một số dự án sử dụng rất ít đất lúa nhưng vẫn phải thực hiện thủ tục ĐTM, điều này gây nhiều khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện dự án.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Hồng Linh, Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh) chia sẻ, một số dự án đường đô thị, xây dựng trường học, nhà văn hóa trên đất lúa có diện tích nhỏ tuy nhiên vẫn phải thực hiện thủ tục cấp ĐTM, gây kéo dài thời gian thực hiện dự án. Bên cạnh đó, việc phân định đối tượng thực hiện thủ tục hành chính về bảo vệ môi trường như giấy phép môi trường, đánh giá ĐTM khá phức tạp do phải xem xét, đối chiếu với nhiều Luật (Luật Đất đai, Luật Đầu tư công, Luật Tài nguyên nước…), trong khi các loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không được liệt kê chi tiết, rõ ràng.
Sẽ rà soát, bổ sung Nghị định 08
Ghi nhận các ý kiến tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Thu Hà, đại diện Cục Kiểm soát ô nhiễm đã phản hồi, giải đáp các vấn đề liên quan đến quy định trong cấp mới, cấp đổi GPMT; về thời hạn cấp và trường hợp chuyển tiếp giấy phép môi trường thành phần; vấn đề ủy quyền cho ban quản lý các khu công nghiệp thực hiện cấp GPMT….
Về thẩm quyền cấp GPMT, bà Hà lưu ý: Có hai thủ tục độc lập với nhau là thủ tục đánh giá tác động môi trường và thủ tục cấp Giấy phép môi trường. Thủ tục đánh giá tác động môi trường làm trước khi phê duyệt chủ trương đầu tư. Thủ tục cấp GPMT đối với dự án có ĐTM và công trình xử lý chất thải làm trước khi cấp phép xây dựng. Cơ quan quản lý cần phân biệt rõ hai trường hợp này khi tiến hành cấp phép. Đối với dự án không phát sinh chất thải thì không phải làm thủ tục cấp GPMT.
Với trường hợp đất lúa, quy định của Luật nhằm đồng bộ thẩm quyền ban hành GPMT với thẩm quyền giao đất thuộc về địa phương. Trước những kiến nghị của địa phương, Bộ TN&MT đang trong quá trình sửa đổi, bổ sung Nghị định 08/2022/NĐ-CP. Trong đó sẽ quy định mức độ đánh giá tác động môi trường đối với các diện tích đất nhỏ. Mặt khác, những dự án đã làm thủ tục chuyển đổi đất rồi thì không phải đánh giá tác động môi trường, bởi vì chỉ thuộc yếu tố về đất đai.
Theo nhiệm vụ của mình, các Bộ đã ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn. Trong đó, vấn đề “xương sống” để kiểm soát môi trường là các tiêu chuẩn môi trường cũng đã và đang được ban hành, dự kiến đến cuối năm nay sẽ ban hành bộ quy chuẩn chung về môi trường cho tất cả các ngành nghề.
“Quá trình triển khai Luật, Bộ TN&MT nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi từ địa phương, doanh nghiệp về những vướng mắc liên quan đến thủ tục cấp phép môi trường. Do đó, rất cần các luật sư tham gia với vai trò tư vấn Luật cho chủ đầu tư, doanh nghiệp trước khi thực hiện thủ tục cấp GPMT” – bà Nguyễn Thị Thu Hà chia sẻ.
Theo ThS Đặng Ngọc Luyến, Tổng Biên tập Tạp chí Luật sư Việt Nam nhấn mạnh: Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có nhiều điểm mới và phức tạp, liên quan đến nhiều ngành nghề, lĩnh vực nên quá trình triển khai vẫn còn bộc lộ một số vướng mắc trong việc áp dụng các quy định về hồ sơ, thủ tục xin cấp giấy phép về môi trường. Thông qua tọa đàm, các cơ quan hữu quan có thể nắm bắt các thông tin hữu ích để đưa ra quyết định quản lý phù hợp nhất, bảo đảm hài hòa quyền lợi giữa Nhà nước và doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả của công tác bảo vệ môi trường trong thời gian tới.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị