Hoàn thiện hệ thống TCVN về xe điện, trạm sạc xe điện: Yêu cầu từ thực tiễn

Yêu cầu từ thực tiễn

Theo báo cáo mới nhất của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), số lượng xe điện tính đến hết năm 2021 đã lên đến 16,5 triệu xe, tăng gấp 1,5 lần so với năm 2020. Điều này cho thấy nhu cầu lớn của người tiêu dùng toàn cầu đối với sản phẩm xe điện thân thiện môi trường.

Tại Việt Nam, tình hình phát triển xe điện có chiều hướng gia tăng qua các năm nhưng hạ tầng trạm sạc xe điện của chúng ta chưa phát triển tương xứng. Đặc biệt, trước yêu cầu thực tiễn phát triển xe điện, đòi hỏi phải có hệ thống các TCVN đầy đủ, hài hòa với hệ thống tiêu chuẩn trong khu vực và trên thế giới, phục vụ kịp thời nhu cầu của các nhà sản xuất, nhập khẩu và bảo vệ người tiêu dùng. Bên cạnh đó, việc có hệ thống TCVN đầy đủ sẽ giúp các cơ quan quản lý nhà nước trong việc quản lý chất lượng đối với đối tượng xe điện.

Trước yêu cầu thực tiễn phát triển xe điện, đòi hỏi phải có hệ thống TCVN đầy đủ, hài hòa với các hệ thống tiêu chuẩn trong khu vực và trên thế giới. Ảnh minh họa.

Tính đến nay, tổng số TCVN đang áp dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ và trạm sạc xe điện là gần 280 TCVN: ô tô có 140 TCVN; mô tô, xe máy có 100 TCVN; xe đạp có 18 TCVN; trạm sạc và thiết bị liên quan 19 TCVN. Trong các TCVN trên có 52 TCVN cho xe điện và trạm sạc và thiết bị liên quan. Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên, thời gian qua, việc xây dựng các tiêu chuẩn vẫn tồn tại những hạn chế cần khắc phục. Một số nội dung TCVN chưa đề cập đến, chưa đảm bảo được các yêu cầu phát sinh, thay đổi lớn trong thời gian gần đây.

Theo đó, một số hạn chế, nội dung TCVN chưa đề cập đến có thể kể đến như: Yêu cầu kỹ thuật và an toàn điện đối với hệ thống sạc nhanh; Yêu cầu về an toàn khi vận chuyển, thay thế pin/ắc quy của xe điện; Thuật ngữ và phân loại các mức độ của xe tự lái; Yêu cầu kỹ thuật và yêu cầu an toàn đối với xe tự lái; Yêu cầu về kỹ thuật và thử nghiệm đối với hệ thống điều khiển trong quá trình vận hành;

Yêu cầu về tái chế đối với ắc quy, pin sau một thời gian sử dụng; Yêu cầu và đặc tính của thiết bị nạp tự động; Phương pháp thử nghiệm để đánh giá hiệu năng của hệ thống phanh tái sinh; Yêu cầu kỹ thuật và yêu cầu an toàn xe buýt điện… Việc hệ thống TCVN chưa đầy đủ sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của ngành sản xuất, lắp ráp xe điện và ngành công nghiệp phụ trợ sản xuất của xe điện.

Song song với đó, về hệ thống quy chuẩn kỹ thuật (QCVN) về xe điện, hiện có 21 QCVN quy định đối với xe điện, trong đó chỉ 05 QCVN dành riêng cho xe điện, gồm: QCVN 68/2013/BGTVT và Sửa đổi 1:2015 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xe đạp điện: QCVN 75:2019/BGTVT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Động cơ sử dụng cho xe đạp điện; QCVN 76: 2019/BGTVT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Ắc quy sử dụng cho xe đạp điện; QCVN 90: 2019/BGTVT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Động cơ sử dụng cho xe mô tô, xe gắn máy điện; QCVN 91: 2019/BGTVT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Ắc quy sử dụng cho xe mô tô, xe gắn máy điện.

Trong đó, các QCVN chưa bao quát hết vấn đề về chất lượng, an toàn phương tiện cho người sử dụng xe mô tô, xe gắn máy và xe điện. Bên cạnh đó, trong thời gian tới sẽ có một số nhà máy sản xuất xe buýt, xe con chạy điện nhưng hiện tại chưa có QCVN nào cụ thể cho các dòng xe này.

Hoàn thiện hệ thống TCVN về xe điện, trạm sạc xe điện

Vì vậy, để phục vụ quản lý nhà nước, hỗ trợ việc phát triển xe điện và hạ tầng trạm sạc xe điện, việc nghiên cứu, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cũng như hoàn thiện hệ thống TCVN về xe điện và trạm sạc đảm bảo các yêu cầu về công nghệ, chất lượng sản phẩm và an toàn môi trường trong thời điểm hiện nay là rất cần thiết.

Bà Trần Thị Kim Huế – Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam – Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.

Theo bà Trần Thị Kim Huế – Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam – Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ), danh mục các nhóm TCVN (dự kiến) xây dựng năm 2023-2025 về xe điện, trạm sạc xe điện bao gồm: phích cắm, bộ nối (đầu sạc); bộ sạc không dây; dây và cáp điện; thiết bị bảo vệ cá nhân (thiết bị dòng dư); thiết bị đo đếm điện năng để hỗ trợ tính phí; tương thích điện từ; phương tiện giao thông đường bộ – động cơ điện của xe điện; phương tiện giao thông đường bộ – hệ thống truyền dẫn điện của xe điện.

Trong thời gian tới, nhằm tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống TCVN về xe điện, trạm sạc xe điện, bà Trần Thị Kim Huế đưa ra một số đề xuất. Cụ thể, tiếp tục rà soát, hoàn thiện chính sách về phát triển xe điện ở Việt Nam như: xây dựng chiến lược, chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư công nghệ, ban hành các cơ chế thúc đẩy sự tham gia đóng góp, tạo động lực nghiên cứu, phát triển hệ thống TCVN vì lợi ích chung của xã hội.

Đồng thời cần sự vào cuộc chủ động, đồng hành nhiều hơn từ cộng đồng doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu, kinh doanh xe điện, trang thiết bị thử nghiệm, đánh giá xe, trạm/trụ sạc,… để có được nguồn lực mạnh, rà soát, xây dựng hoàn thiện hệ thống TCVN về xe điện ở Việt Nam.

Thanh Tùng

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích