Hơn 9 triệu lượt góp ý về đất đai: Ban soạn thảo luật tiếp thu ra sao?
Hơn 9 triệu lượt góp ý về đất đai: Ban soạn thảo luật tiếp thu ra sao?
Tính đến ngày 27.3, đã có hơn 9 triệu lượt ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, tập trung vào nhiều nội dung như quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; cơ chế, chính sách tài chính đất đai…
Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tính đến ngày 27.3, đã có hơn 9 triệu lượt ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), tập trung vào nhiều nội dung như: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; cơ chế, chính sách tài chính đất đai, giá đất; thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư…
Trao đổi với phóng viên báo điện tử VietnamPlus, ông Đào Trung Chính – Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển Tài nguyên đất (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Tổ trưởng Tổ Biên tập Luật Đất đai (sửa đổi), nhấn mạnh các nội dung góp ý của nhân dân sẽ được tiếp thu, làm rõ để sớm hoàn thiện dự thảo luật, đảm bảo khả thi.
Hơn 9 triệu góp ý Dự thảo Luật đất đai sửa đổi
– Xin ông cho biết những vấn đề nào được người dân quan tâm và góp ý nhiều nhất trong quá trình lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vừa qua?
Ông Đào Trung Chính: Qua tổng hợp ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, chúng tôi thấy rằng phần lớn các ý kiến quan tâm đến nội dung về: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất, chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; cơ chế, chính sách tài chính đất đai, giá đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; vai trò của Ủy ban nhân dân cấp xã; về hộ gia đình sử dụng đất; việc xử lý các Luật có mâu thuẫn, chồng chéo với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Bên cạnh đó, một số nội dung nhận được nhiều góp ý của người dân như: Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư…
Để đáp ứng về những vấn đề trên, hiện cơ quan soạn thảo đang tổng hợp và phân loại các ý kiến để rà soát tiếp thu, giải trình dựa trên quan điểm “Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất phải được bảo đảm và phát huy.”
Đặc biệt là quy định nguyên tắc lựa chọn địa điểm tái định cư thực hiện theo thứ tự ưu tiên, ưu tiên tái định cư tại chỗ, quy định điều kiện, tiêu chí về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đảm bảo để sau khi thu hồi đất thì người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ…
– Ông có thể nói rõ hơn về số lượng ý kiến góp ý đối với dự thảo luật thông qua Cổng thông tin điện tử Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như thông qua các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, trong đợt lấy ý kiến nhân dân vừa qua?
Thời gian qua, nhiều hội nghị, hội thảo, tọa đàm mang tính chuyên môn sâu, theo chuyên đề đã được các bộ, ngành, địa phương, cơ quan tổ chức thể hiện tính chủ động và sự quan tâm sâu sắc của toàn dân đến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Tính đến nay, đã có hơn 9 triệu lượt ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân góp ý. Trong số đó Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã nhận được 8.363.162 ý kiến; cơ quan soạn thảo nhận được 7.979 lượt ý kiến trên website lấy ý kiến nhân dân, 1.968 ý kiến từ Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, 73.104 lượt ý kiến từ 33 báo cáo của bộ, ngành, cơ quan Trung ương, 595.866 lượt ý kiến từ 47 cáo cáo của ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 66 báo cáo của các tổ chức và 79 ý kiến của cá nhân bằng văn bản gửi trực tiếp.
– Qua theo dõi, tổng hợp đợt lấy ý kiến nhân dân kéo dài hơn hai tháng vừa qua, ông có đánh giá, nhận xét gì?
Việc lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai là đợt sinh hoạt chính trị, xã hội hết sức sâu rộng, thu hút được sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp Nhân dân, nhân sĩ, trí thức, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, các tổ chức, doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam.
Các ý kiến tham gia đều thể hiện sự quan tâm sâu sắc, tâm huyết, trách nhiệm của Nhân dân. Thông qua đợt lấy ý kiến lần này, các cơ quan, ban ngành và ban soạn thảo, tổ biên tập được tiếp cận với một bức tranh tổng thể hơn với suy nghĩ, ý kiến của người dân về chính sách đất đai hiện nay; từ đó hoàn thiện pháp luật đất đai đảm bảo quyền lợi, nguyện vọng của Nhân dân.
Tiếp thu đầy đủ, đảm bảo Luật khả thi
– Một trong những vấn đề mà người dân quan tâm là giá đất, tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng quy định về vấn đề này còn chung chung, khó hiểu, gây nhiều khó khăn cho địa phương trong việc định giá đất. Hội đồng định giá đất cũng được nhận định là nặng tính hành chính? Ý kiến này được cân nhắc, tiếp thu thế nào?
Đúng là quá trình lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), giá đất là vấn đề rất được nhân dân quan tâm, góp ý. Đây cũng là nội dung quan trọng và phức tạp mà cơ quan soạn thảo đặc biệt tập trung nghiên cứu xây dựng trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trên cơ sở chủ trương của Đảng và tổng kết, đánh giá thực tiễn.
Trong thời gian này, trên cơ sở góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu, tổng hợp, tiếp thu để hoàn thiện quy định pháp luật về giá đất đảm bảo tính khoa học, khả thi trong thực tiễn.
– Cùng với giá đất, vấn đề thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư cũng là nội dung nhận được nhiều góp ý của các bộ, ngành, địa phương, tổ chức và Nhân dân. Vậy, vấn đề này sẽ được ban soạn thảo tiếp thu, giải trình, cũng như thay đổi thế nào để đáp ứng mong mỏi của người dân, thưa ông?
Hiện nay, dự thảo luật đã quy định cụ thể, chặt chẽ hơn các trường hợp nhà nước thu hồi đất dựa trên các nhóm tiêu chí về các dự án phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng.
Mục tiêu của chính sách liên quan đến bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại dự thảo luật là thực hiện chủ trương của Đảng về: chính sách tài chính về đất đai phải bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư; có cơ chế điều tiết hợp lý, hiệu quả nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất giữa Trung ương và địa phương; nghiên cứu có chính sách điều tiết chênh lệch địa tô là giá trị thu nhập tăng thêm để tạo nguồn thu tài chính từ đất đai phục vụ đầu tư phát triển cho cộng đồng dân cư nơi có đất bị thu hồi và một phần kinh phí hỗ trợ cho người có đất bị thu hồi nhằm bảo đảm minh bạch.
Đặc biệt, quy định lần này nhằm khắc phục hạn chế vướng mắc trong thời gian qua như tình trạng lãng phí, tham nhũng, khiếu kiện về thực hiện nghĩa vụ tài chính đất đai; khắc phục tình trạng thị trường bất động sản phát triển không bền vững, góp phần nâng cao tính minh bạch chính sách tài chính về đất đai; phân bổ được nguồn thu ngân sách hợp lý; góp phần tạo lòng tin đối với nhà đầu tư.
Những nội dung trong dự thảo luật hướng đến thúc đẩy việc sử dụng đất đai hiệu quả, phát huy nguồn lực đất đai, đảm bảo công bằng trong việc sử dụng đất.
Do đó, quá trình tổng hợp ý kiến của người dân, ban soạn thảo sẽ nghiên cứu tiếp thu, giải trình để có những sửa đổi phù hợp nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân khi có đất bị thu hồi.
– Tại Hội nghị phản biện về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức ngày 24.3, nhiều ý kiến cho rằng hiện nay, vấn đề quy hoạch đất đai để xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân trong khu công nghiệp còn đang rất mờ nhạt. Ý kiến của ông thế nào?
Về vấn đề này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có buổi làm việc với Bộ Xây dựng và các cơ quan có liên quan để rà soát, hoàn thiện. Cơ quan soạn thảo cũng đang nghiên cứu, tiếp thu để sửa đổi theo hướng thống nhất về tên gọi các loại dự án nhà ở với dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).
– Thông qua đợt lấy ý kiến Nhân dân lần này, ông có thể chia sẻ về mong muốn cũng như kỳ vọng của mình?
Tôi đánh giá cao sự tâm huyết, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân đã dành sự quan tâm đặc biệt đến Luật đất đai.
Những đóng góp của nhân dân sẽ được Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập tổng hợp một cách đầy đủ, nghiên cứu kỹ để tiếp thu, sớm hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai để trình Quốc hội.
– Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị