TPHCM thuộc nhóm các siêu đô thị gặp rủi ro đặc biệt khi nước biển dâng

TPHCM thuộc nhóm các siêu đô thị gặp rủi ro đặc biệt khi nước biển dâng

Nghiên cứu mới trên tạp chí Nature Climate Change đã xác định được một số siêu đô thị ở châu Á, trong đó có TPHCM, phải đối mặt với những nguy cơ đặc biệt nghiêm trọng vào năm 2100, nếu lượng khí thải nhà kính ở mức cao.

tm-img-alt
TP.HCM nằm trong số các đô thị gặp nguy hiểm đặc biệt khi nước biển dâng. Ảnh: HSBC

Từ lâu, các nhà khoa học đã biết rằng mực nước biển sẽ dâng lên khi nhiệt độ đại dương tăng phần lớn là do nước nở ra khi ấm lên và do các tảng băng tan chảy giải phóng nhiều nước vào đại dương hơn. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, mực nước biển dâng sẽ biến động theo khu vực vì sự thay đổi của dòng hải lưu có thể sẽ dẫn nhiều nước đến một số bờ biển nhất định hơn.

Tuy nhiên, điều đáng chú ý trong nghiên cứu mới do các nhà khoa học ở Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS) và Đại học La Rochelle ở Pháp dẫn đầu, là sự kết hợp các biến động mực nước biển xảy ra tự nhiên do các sự kiện như El Nino hoặc những thay đổi trong chu kỳ nước (một quá trình được gọi là dao động khí hậu nội tại – internal climate variability) gây ra.

Nghiên cứu sử dụng một tập hợp các mô phỏng được thực hiện với Mô hình Hệ thống Trái đất Cộng đồng của Trung tâm Nghiên cứu Khí quyển Quốc gia (NCAR), dựa trên giả định rằng thế kỷ này thải ra khí nhà kính với tốc độ cao. Qua đó, các nhà khoa học xác định được mức độ mà những biến động tự nhiên có thể khuếch đại hoặc giảm tác động của biến đổi khí hậu đối với mực nước biển dâng ở các bờ biển nhất định.

Kết quả cho thấy, dao động khí hậu nội tại có thể làm tăng mực nước biển ở một số vị trí lên nhiều hơn 20-30% so với những gì sẽ xảy ra do biến đổi khí hậu đơn thuần, làm gia tăng các sự kiện lũ lụt nghiêm trọng theo cấp số nhân. Chẳng hạn, ở Manila, lũ lụt ven biển được dự đoán sẽ xảy ra thường xuyên hơn 18 lần vào năm 2100 so với năm 2006, chỉ riêng do biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, trong trường hợp xấu nhất, chúng có thể xảy ra thường xuyên hơn 96 lần – kết quả của sự kết hợp giữa biến đổi khí hậu và dao động khí hậu nội tại.

Dao động khí hậu nội tại cũng sẽ làm tăng mực nước biển dâng dọc theo bờ biển phía tây của Mỹ và Úc.

Nghiên cứu mới còn lập bản đồ các “điểm nóng” về mực nước biển dâng trên toàn cầu. Trong đó, một số siêu đô thị châu Á được xác định có thể phải đối mặt với những nguy cơ đặc biệt nghiêm trọng vào năm 2100, nếu như phát thải khí nhà kính ở mức cao, gồm: TPHCM, Chennai, Kolkata, Yangon, Bangkok và Manila.

Bài báo nhấn mạnh, các ước tính về mực nước biển dâng đi kèm với sự không chắc chắn do các tương tác trong hệ thống khí hậu của Trái đất rất phức tạp và không thể đoán trước. Tuy nhiên, các tác giả cho rằng, điều quan trọng là xã hội cần nhận thức được khả năng mực nước biển dâng cao để xây dựng các chiến lược thích ứng hiệu quả.

“Dao động khí hậu nội tại có thể củng cố hoặc ngăn chặn đáng kể mực nước biển dâng do biến đổi khí hậu gây ra”, nhà khoa học Aixue Hu của NCAR, đồng tác giả của bài báo, cho biết. “Trong trường hợp xấu nhất, tác động kết hợp của biến đổi khí hậu và dao động khí hậu nội tại có thể khiến mực nước biển tại địa phương tăng hơn 50% so với tác động của riêng biến đổi khí hậu. Do đó, nó dẫn đến nguy cơ xảy ra lũ lụt nghiêm trọng hơn cho các siêu đô thị ven biển và đe dọa cuộc sống của hàng triệu người dân”.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích