“Liều thuốc” nào cho các doanh nghiệp sống an toàn với dịch?
Ngày 10/9, phiên hiến kế với chủ đề “Giải pháp giúp doanh nghiệp chủ động thích ứng và sống chung an toàn với Covid-19”, được tổ chức theo hình thức trực tuyến đã có những ý kiến chia sẻ về các giải pháp cho doanh nghiệp thích nghi với tình hình mới.
Vắc xin là yếu tố sống còn
Ông Thân Đức Việt – Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP May 10 chia sẻ, trong tình hình hiện nay, nếu như các doanh nghiệp không thể quay lại phục hồi sản xuất sớm, sống chung với dịch thì nguy cơ phá sản của doanh nghiệp rất là cao. Một doanh nghiệp có vài chục nghìn lao động mà “chết” không chỉ là câu chuyện buồn cho nền kinh tế, mà còn cho cả đời sống xã hội khi ảnh hưởng đến an sinh xã hội của người lao động.
Ông Việt cho rằng nhận định sống chung với dịch của Chính phủ đã mở ra một nút gỡ cho cộng đồng doanh nghiệp, cơ hội để hoạt động sản xuất đảm bảo an toàn được hoạt động, nhưng cũng cần phải thực hiện quyết liệt.
“Tôi đề xuất Chính phủ cho phép doanh nghiệp tự chủ động cách ly F0 nếu có điều kiện, giờ đây chúng ta đã có điều trị F0 tại nhà, sao lại không điều trị F0 tại tổ chức và phòng chống dịch? Ngoài ra là vắc xin, nếu không tiêm vắc xin đầy đủ thì dù Chính phủ có đưa ra câu chuyện sống chung với dịch vẫn sẽ xảy ra tình trạng tắt – mở nền kinh tế”, ông Việt nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Kiên – Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho biết, theo dự báo, những hợp đồng theo thời vụ của các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ gặp khó khăn trong quý 4/2021 mà còn gặp khó khăn trong quý 1/2022. Nếu Việt Nam có đủ 150 triệu liều vắc xin vào tháng 12/2021, thì hết quý 1/2022, nền kinh tế nước ta mới hết khó khăn. Nếu không có đủ số vắc xin trên, thì nền kinh tế sẽ rất khó khăn.
Các diễn giả tham gia phiên hiến kế với chủ đề “Giải pháp giúp doanh nghiệp chủ động thích ứng và sống chung an toàn với Covid-19”. |
Chính vì vậy, không phải bây giờ mà từ trước đó Chính phủ đã luôn chủ động tìm kiếm vắc xin. Từ tháng 5/2020, Chính phủ đã đặt mua vắc xin, nhưng các đơn vị sản xuất không giao kịp.
“Trước đây nước ta không nằm trong vùng dịch, nên không được ưu tiên. Hiện nay Chính phủ đã thành lập tổ vắc xin để bằng mọi cách tiếp cận được nguồn vắc xin”, ông Kiên nói.
Ông Kiên cũng nhấn mạnh, nếu không có vắc xin nội địa, Việt Nam không tự lực được, các kịch bản khôi phục kinh tế cũng khó thành công.
Thiếu tướng, PGS.TS. Nguyễn Viết Lượng, Chính ủy Học viện Quân Y cũng cho rằng, nếu sống lâu dài với dịch thì vắc xin là yếu tố sống còn, cần phải phủ vắc xin càng sớm càng tốt, càng nhanh càng tốt.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Viết Lượng, lượng vắc xin trên thế giới rất khan hiếm. Trong khi đó hiện nay một số nước đã bắt đầu tiêm mũi 3 cho người dân của họ.Vì vậy, ngoài tiếp cận các vắc xin sẵn có trên thế giới, về lâu dài nhất Việt Nam vẫn là tự chủ vắc xin. Có 2 cách để có thể tự chủ vắc xin là tự nghiên cứu, sản xuất hoặc chuyển giao công nghệ từ nước ngoài.
“Muốn có vắc xin nội địa, các chuyên gia, các nhà quản lý hãy xuống với doanh nghiệp để xem họ vướng mắc ở đâu, từ đó có thể hỗ trợ nhanh nhất”, Thiếu tướng Nguyễn Viết Lượng nhấn mạnh.
Xây dựng y tế cơ sở
Ông Vũ Tú Thành – Phó Giám đốc điều hành khu vực, Hội đồng Kinh doanh Hoa kỳ – Asean cho rằng, nếu Việt Nam không đảm bảo được kỳ vọng của các thị trường trọng yếu thì doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp bất lợi.
“Chính phủ cũng như các doanh nghiệp Mỹ sẽ không thể hỗ trợ quốc gia hay thị trường nào đó mà không nhìn thấy hiệu quả mãi được. Việt Nam bắt buộc phải tính đến việc tái hoạt động, không phải sắp tới mà ngay từ bây giờ”, ông Thành nhấn mạnh.
Từ đó, ông Thành cho rằng, để tính đến lộ trình mở cửa an toàn, Chính phủ nên phân loại doanh nghiệp theo năng lực đáp ứng tiêu chí về sản xuất an toàn. Sau đó tập trung nguồn lực để hỗ trợ các doanh nghiệp bị “đuối” trong bảng xếp hạng, để sau khi mở cửa trở lại các doanh nghiệp sẽ cùng có xuất phát điểm giống nhau, đáp ứng các tiêu chuẩn sản xuất an toàn. Lúc đó, nền kinh tế mới phát triển ổn định được.
Vắc xin là yếu tố quan trọng nhất để doanh nghiệp sống an toàn với dịch. |
Bà Phan Thị Thanh Xuân – Phó Chủ tịch Hiệp hội da giầy và túi xách Việt Nam cũng cho rằng, Chính phủ cần có sự hướng dẫn cụ thể về y tế cho đội ngũ doanh nghiệp, để doanh nghiệp tự xây dựng hệ thống y tế tại chỗ.
“Thường quá trình sản xuất có vướng mắc hay khó khăn nào thì doanh nghiệp chủ động báo cáo ngay với chính quyền, y tế nhưng để chờ y tế cũng mất từ 3 – 5 ngày. Nếu doanh nghiệp được đào tạo, có cơ sở vật chất về y tế thì có thể chủ động ứng phó, doanh nghiệp có thể yên tâm sản xuất”, bà Xuân nói.
Theo TS. Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, việc sống chung với dịch phải thực hiện không để ảnh hướng đến kinh tế, không ảnh hưởng nhiều đến an sinh xã hội. Đặc biệt, phải đáp ứng theo nguy cơ, nguy cơ đến đâu đáp ứng đến đó.
“Ngoài việc Nhà nước đảm bảo phòng chống dịch bệnh nhưng không đứt chuỗi cung ứng; các doanh nghiệp cũng phải có mô hình an toàn, phù hợp để thích ứng tình hình dịch bệnh, trong điều kiện của từng địa phương”, ông Phu nói.
Ứng dụng công nghệ vào thủ tục
Ông Nguyễn Thanh Ngữ – Tổng Giám đốc Công ty CP Thành Thành Công – Biên Hòa cho biết chủ trương “sống chung với dịch bệnh” là đúng đắn và cởi mở, nhất là trong bối cảnh không thể hết dịch hoàn toàn.
Các doanh nghiệp cần ổn định để hoạt động, tạo việc làm cho người lao động và duy trì được mạch sản xuất của nền kinh tế. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp là tổ chức chuỗi cung ứng, đây là mấu chốt quan trọng nhất để thiết kế và ổn định sản xuất.
Theo ông Ngữ, các doanh nghiệp hiện nay đều đã thích ứng với công nghệ trong tình hình dịch bệnh, vì vậy Chính phủ, cơ quan có thẩm quyền cũng cần nhanh chóng ứng dụng công nghệ để có thể xử lý nhanh nhất thủ tục, bỏ những quy định không cần thiết về giấy tờ, thời gian,…
“Doanh nghiệp không thể rơi vào trạng thái ngủ đông, vì chúng ta sẽ đánh mất thị trường và cơ hội kinh doanh”, ông Ngữ nói.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Kiên – Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho biết các cơ quan quản lý Nhà nước đã hết sức lắng nghe và thay đổi ngay khi nhận được phản ánh.
Nguồn: Báo lao động thủ đô