Cần nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của “đại bàng”
Ảnh minh họa. |
Thời gian qua, cùng với việc đổi mới thể chế, tạo hành lang pháp lý thông thoáng, môi trường chính trị ổn định, kết cấu hạ tầng ngày càng phát triển theo hướng đồng bộ, hiện đại, nhiều khu công nghiệp lớn tập trung được hình thành khiến nhiều đối tác nước ngoài đã và đang tìm đến Việt Nam để đầu tư. Mới đây nhất, 52 tập đoàn được xếp hạng lớn nhất của Hoa Kỳ và cũng là đoàn doanh nghiệp có quy mô lớn nhất từ trước đến nay sang Việt Nam tìm hiểu cơ hội hợp tác là minh chứng sống động, mở ra cơ hội lớn trong việc thu hút “đại bàng” đến làm tổ. Nói một cách ngắn gọn “tổ” đã dọn, “đại bàng” đang đến, song ở góc độ lao động vẫn còn đó không ít băn khoăn.
Chắc chắn các tập đoàn lớn sẽ đầu tư những dự án lớn đi liền với hàm lượng khoa học, công nghệ… cũng cao. Để đáp ứng được các nhu cầu về vị trí việc làm đòi hỏi trình độ nguồn nhân lực cũng phải có chất lượng. Từ các bậc đào tạo đại học, cao đẳng, trường nghề… trình độ, kỹ năng nghề cũng đòi hỏi cao hơn để đáp ứng tiêu chí khắt khe hơn.
Nhìn lại bức tranh thị trường lao động hiện nay phần nào phản ánh được điều đó. Do hệ lụy của ảnh hưởng đại dịch Covid-19 cũng như bối cảnh quốc tế không thuận, không ít doanh nghiệp phải giảm quy mô sản xuất khiến người lao động bị mất việc. Và trong số này, phần lớn tập trung vào những doanh nghiệp thiên về gia công các sản phẩm như may mặc, dệt may, nhựa, chất lượng nguồn nhân lực không cần đòi hỏi cao, dẫn đến tình trạng khi bị nghỉ hay mất việc khó tìm được những công việc mới ở những nhà máy, doanh nghiệp đòi hỏi chất lượng nguồn nhân lực cao hơn.
Bởi thế vấn đề đặt ra lúc này là không chỉ tái cơ cấu mà phải làm “cuộc cách mạng” vừa mang tính “thần tốc”, vừa mang tính dài lâu trong công tác đào tạo từ tất cả các bậc nêu trên. Đặc biệt, với bậc đào tạo nghề, cần phải đổi mới trong cách học, cách thao tác, cách vận hành (thực nghiệm, thực tế) trên hệ thống công nghệ hiện đại gắn với chuẩn hóa trình độ ngoại ngữ để sinh viên, học viên tốt nghiệp ra trường là có thể đáp ứng các tiêu chí mà doanh nghiệp cần.
Nếu không làm tốt khâu đào tạo, chúng ta “dọn tổ” xong, đón “đại bàng” đến, nhưng “đại bàng” không thể tuyển dụng lao động có chất lượng cao ngay trên mảnh đất mà họ đầu tư, đành phải thuê những lao động có chất lượng cao từ các quốc gia khác đến, như thế mình sẽ bị thua trên sân nhà. Để giải bài toán về năng suất lao động, điều đầu tiên cần làm là phải nâng cao chất lượng lao động song song với việc “dọn tổ” đón “đại bàng”.
Nguồn: Báo lao động thủ đô