Nâng tầm Cà phê Việt: Đường lớn đã mở
Nâng tầm Cà phê Việt: Đường lớn đã mở
Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột, một lễ hội cấp quốc gia được sự quan tâm của các Bộ, ngành trung ương qua các kỳ lễ hội đang từng bước góp phần nâng tầm cà phê Việt Nam.
Nhiều năm qua, Việt Nam luôn giữ vững là nước đứng thứ 2 thế giới về sản lượng cà phê xuất khẩu (sau Brazil) và đứng đầu thế giới về xuất khẩu cà phê Robusta. Riêng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu cà phê cán mốc hơn 4 tỷ USD, tăng 32% so với năm trước.
Tuy nhiên trên bản đồ cà phê thế giới, cà phê Việt Nam vẫn còn “mờ nhạt” cả về giá trị lẫn chất lượng. Cà phê Việt Nam chủ yếu xuất khẩu thô, giá trị gia tăng thấp. Trong top 10 thương hiệu cà phê đắt nhất thế giới không có Việt Nam. Điều đó đặt ra câu hỏi: làm sao để nâng tầm cà phê Việt? Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 với nhiều hoạt động phong phú, thiết thực đã phần nào trả lời câu hỏi trên.
Chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững
Hội thảo “Xây dựng chuỗi ngành hàng cà phê Việt Nam chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững” – 1 trong 18 hoạt động chính của Lễ hội, do Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk, Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam tổ chức đã mang đến cái nhìn tổng quan về cà phê Việt Nam, cơ hội và thách thức; các giải pháp phát triển chất lượng cà phê. (Một số nội dung đáng chú ý như: Tiêu chuẩn quản lý cà phê Việt Nam chất lượng cao; Ứng dụng nông nghiệp thông minh trong sản xuất cà phê chất lượng cao; Phát triển cà phê Việt Nam gắn với tăng trưởng xanh và bền vững; Định hướng phát triển sản phẩm OCOOP cà phê chất lượng cao; Phát triển cà phê chất lượng cao và cà phê đặc sản tỉnh Đắk Lắk…).
Theo thống kê sơ bộ, diện tích cà phê năm 2022 của Việt Nam đạt khoảng 710,66 nghìn ha, năng suất đạt 28,2 tạ/ha cho sản lượng hơn 1,84 triệu tấn. Trong đó, năm tỉnh Tây Nguyên chiếm 91,2% về diện tích và 93,2% về sản lượng cà phê cả nước.
Triển khai cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 26) và định hướng của Bộ Nông nghiệp và PTNT về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, hiện nay Bộ NN&PTNT đã ban hành các quy trình kỹ thuật về canh tác, tái canh, chế biến đồng thời hướng dẫn các địa phương áp dụng theo các tiêu chuẩn chứng nhận. Đối với diện tích cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản đang áp dụng quy trình chăm sóc theo các tiêu chuẩn chứng nhận VietGAP, 4C, Rainforest, Organic… Theo thống kê sơ bộ các tỉnh, đến năm 2022 diện tích cà phê có chứng nhận đạt 185,8 nghìn ha (riêng tỉnh Đắk Lắk chiếm 45,7 nghìn ha). Đây là cơ sở để thực hiện chứng nhận chỉ dẫn địa lý, tăng cường ý thức tuân thủ quy định về truy xuất hàng hóa, quy định của Liên minh châu Âu (EU) về các sản phẩm không liên quan đến quá trình phá rừng đối với những sản phẩm, hàng hoá (trong đó có cà phê) nhập khẩu vào thị trường châu Âu, cũng là thị trường lớn của cà phê Việt Nam.
Phát triển văn hoá cà phê
Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột được tổ chức định kỳ là sinh hoạt văn hoá độc đáo ở vùng đất “thủ phủ” cà phê của Việt Nam. Qua các kỳ lễ hội, văn hoá cà phê Việt Nam ngày càng được định hình rõ nét mà cốt lõi là nghệ thuật thưởng lãm cà phê theo phong cách của người Việt Nam; với mục đích xuyên suốt đầy tính nhân văn là tôn vinh người trồng, chế biến và kinh doanh cà phê.
Cùng với sự góp sức tích cực của Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên, đơn vị tham gia trong Đề án phát triển thương hiệu thành phố Buôn Ma Thuột trở thành “Thành phố cà phê của thế giới”, Việt Nam trở thành nơi hội tụ các nền văn minh cà phê, và cùng tham gia kiến tạo di sản văn hoá thế giới. Qua đó cùng với các giải pháp nâng cao chất lượng, cà phê Việt được nâng tầm giá trị, vươn lên hội nhập sâu vào cà phê toàn cầu để đạt tới mục tiêu “điểm đến của cà phê thế giới” mà Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 đã đặt ra.
Nói về vai trò của văn hoá trong phát triển chuỗi ngành hàng cà phê, cũng tại Hội thảo “Xây dựng chuỗi ngành hàng cà phê Viêt Nam chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững”, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng: “Để cà phê Việt Nam tăng giá trị không chỉ ở chế biến tinh mà đó là ở giá trị văn hóa tiêu dùng cà phê để đi vào đúng cảm xúc. Chúng ta cần xây dựng văn hóa cà phê Việt Nam để dẫn dắt ngành hàng cà phê trở thành một hướng đi tích hợp đa giá trị, mang tính nhân văn, làm sao để người trồng cà phê được chia sẻ lợi ích nhiều nhất trong chuỗi giá trị ngành hàng. Cần kiến tạo dư địa mới, không gian phát triển sáng tạo các sản phẩm từ cà phê…”.
Trên thực tế, cà phê được coi có vai trò “khơi nguồn sáng tạo” cho các hoạt động của đời sống xã hội, và tự thân nó cũng đã “khơi nguồn” để sáng tạo ra nhiều giá trị xung quanh việc thưởng thức hương vị cà phê với hàng trăm ngàn phong cách thưởng lãm. Bên cạnh đó còn có các sản phẩm phụ liên quan như trà hoa cà phê, trà vỏ cà phê; điêu khắc, mỹ nghệ từ gỗ cà phê; thậm chí có cả những tour du lịch cà phê, rồi ý tưởng xây dựng đô thị cà phê toàn cầu… Văn hoá cà phê phát triển, chắc chắn sẽ có thêm nhiều góc nhìn về giá trị cà phê, tất yếu kéo theo nhiều giá trị liên quan đến cà phê được sáng tạo. Rất hiếm những sản phẩm mà hai mặt kinh tế và văn hoá gắn chặt với nhau để phát triển bền vững như sản phẩm cà phê.
Để nâng tầm cà phê Việt còn có nhiều giải pháp khác chưa thể đề cập một cách thấu đáo trong một bài viết. Tin tưởng rằng với sự quan tâm và tầm nhìn của các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, cà phê Đắk Lắk nói riêng, cà phê Việt Nam nói chung sẽ có những bước phát triển mới tương xứng với tiềm năng và lợi thế, trở thành một ngành kinh tế chủ lực góp phần đưa nền kinh tế nước ta hội nhập sâu vào kinh tế thế giới .
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị