Tâm sự nghề báo
(Xây dựng) – Đối với các cán bộ phóng viên đang công tác ở báo xây dựng, họ luôn mang trong mình nhiệt huyết của tuổi trẻ, luôn “cháy” hết mình với nghề báo. Những phóng viên trẻ không quản ngại khó khăn mà luôn sẵn sàng xông pha, dấn thân… để mang lại những câu chuyện hấp dẫn, sinh động đến độc giả. Đối với họ, nghề báo mang lại nhiều trải nghiệm… Nhân dịp kỷ niệm 25 xuất bản số báo đầu tiên, Báo điện tử Xây dựng gửi tới bạn đọc tâm sự về những kỷ niệm, những vui buồn của những nhà báo xây dựng.
Ân tình sau mỗi chuyến đi
Phóng viên Ngọc Hà |
Thời gian thấm thoát trôi qua, tôi đã gắn bó với Báo Xây dựng được 12 năm. Từ khi còn là một phóng viên trẻ bỡ ngỡ vào nghề, nhờ sự dìu dắt, nâng đỡ của các anh chị em đồng nghiệp và lãnh đạo các phòng ban trực tiếp quản lý, tôi đã trưởng thành, vững vàng hơn, để tự hào khẳng định tôi là một thành viên của Báo Xây dựng – một tờ báo uy tín trong lĩnh vực Ngành và với làng báo Việt Nam.
Báo Xây dựng cho tôi những chuyến đi thực tế đến vùng hải đảo, miền núi, có mặt trên khắp các công trình xây dựng trọng điểm của cả nước như: Thuỷ điện Lai Châu, Sơn La, Hoà Bình…; Nhiệt điện Phú Mỹ, Sông Hậu, Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải, Vĩnh Tân…; những đoạn cao tốc từ Bắc vào Nam… và nhiều công trình xây dựng khác trên cả nước. Để từ đó, tôi được tiếp cận với người công nhân lao động đang miệt mài cống hiến sức lực vì tình yêu nghề nghiệp hoặc mưu sinh; sự trăn trở của các anh kỹ sư, giám sát, nhà thầu; thấy những căng thẳng, áp lực của chủ đầu tư, với mong muốn tạo ra một công trình có giá trị…
Nghề báo đã cho tôi những trải nghiệm khó quên khi tác nghiệp, nhưng cũng dạy cho tôi cách nhìn cuộc sống không chỉ bằng một màu “hồng”. Đằng sau hình ảnh đẹp lung linh của các khu đô thị, nhà máy, con đường… là những giọt mồ hôi, nước mắt, sức lực cống hiến không ngừng nghỉ của bao người âm thầm và chăm chỉ. Từ những cuộc tiếp xúc, trò chuyện với các chuyên gia trong lĩnh vực Xây dựng, quy hoạch, BĐS, kiến trúc, pháp luật đất đai và người dân, DN, nhà quản lý… tôi thấy rằng còn rất nhiều gia đình công nhân đang nay đây mai đó, thuê ở tạm bợ trong những ngôi nhà lụp xụp, mong muốn một chốn an cư vừa khả năng tài chính. Chứng kiến cảnh nhiều người dân khốn đốn vì mất tiền cho thị trường BĐS “sốt ảo”. Rồi những ám ảnh đến xót xa bao ánh mắt lo âu, sợ hãi của người dân vùng ngập lũ, động đất, sụt lún vì thiên tai… khi mùa mưa lũ đến. Còn không ít dự án hoang hoá vì thiếu nguồn lực, năng lực yếu kém của nhà đầu tư hoặc gặp khó về thực hiện… dẫn đến lãng phí lớn.
Dù đã gắn bó với nghề một thời gian dài, được học hỏi, được sự chỉ dạy của lãnh đạo và anh chị em đồng nghiệp; nhưng mỗi ngày, đối với tôi, vẫn thấy mình như một lính mới. Trong công cuộc chuyển đổi số, báo chí, truyền thông đóng vai trò quan trọng, với sứ mệnh tuyên truyền đúng đắn, đầy đủ, kịp thời chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tạo sự đồng thuận, niềm tin của xã hội, tạo động lực thực hiện thành công chuyển đổi số quốc gia. Đồng thời, báo chí cũng là một lĩnh vực trong xã hội, vì vậy, mỗi phóng viên, người làm nghề như chúng tôi phải không ngừng học hỏi và cập nhật thông tin mới để đảm bảo đưa tin nhanh, chủ động, tăng tiện ích, tăng trải nghiệm, cạnh tranh được với mạng xã hội. Bên cạnh đó, xây dựng nền tảng đạo đức nghề báo, học lắng nghe và thấu hiểu để phản ánh khách quan, trung thực những sự vật, sự việc của đời sống đến với độc giả.
Tôi thấy hạnh phúc khi được gắn bó với công việc mà mình yêu mến; được kết nối với cuộc sống, với con người chân thật của mình, với những người đã gặp. Càng thấy biết ơn những điều kiện thuận lợi và khó khăn tôi đã từng qua. Khi lắng nghe được âm thanh của cuộc sống đầy ồn ào và náo nhiệt này, tôi thấy yêu thương hơn những gì mà tôi đang được trải nghiệm. Tôi trân trọng những gì mình đang có và nỗ lực hơn nữa trong nghề, để tiếp tục đưa tờ báo Xây dựng lan toả những giá trị tốt đẹp.
Phóng viên Tuyết Mây |
Nghề báo cho nhiều trải nghiệm
Tôi trở lại với nghề báo sau hơn 10 năm làm quản lý nhà nước. Tôi đã từng rơi nước mắt khi lạc lõng, lúng túng giữa những miền đất xa lạ. Từng buồn da diết khi thấy mình ngơ ngác, đơn độc trong những cuộc hành trình dài. Từng băn khoăn, trăn trở cho một bài viết mà không biết bắt đầu từ đâu… Sự khắt khe của nghề có nhiều lúc tôi cảm thấy áp lực. Thế nhưng, những lời động viên của anh chị em đồng nghiệp đã giúp tôi nhanh chóng quên đi tất cả. Mỗi chuyến đi cho tôi thêm trải nghiệm thú vị trong cuộc sống, mỗi bài viết được độc giả đón nhận tiếp thêm cho tôi động lực để dấn thân, để “hiểu mình, hiểu đời”, biết cảm thông, sẻ chia và gần gũi hơn với những cảnh đời bất hạnh.
Dù công tác trong nghề nhiều năm, tôi vẫn thấy rằng thật khó để nói hết đặc thù công việc của mình. Dẫu biết rằng phía trước mình là một chặng đường dài, nhưng mỗi phóng viên, nhà báo luôn cố gắng và nỗ lực, sống hết mình bằng cái tâm của nghề để tiếp tục đi, viết, để trải nghiệm những điều mới mẻ, để có những tác phẩm báo chí chất lượng phục vụ bạn đọc. Để viết các phóng sự “Kỹ sư xây dựng đón tết trên đất nước Triệu voi”; “Thương binh già 30 năm đi tìm công lý”; “Ai đẩy doanh nghiệp phá sản”… chúng tôi đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, chịu nhiều áp lực từ nhiều phía, cẩn thận bóc tách từng trang hồ sơ rồi thận trọng từng câu, từng chữ mới hoàn thành tác phẩm.
Tôi đã rất vui khi nhìn thấy được nụ cười, ánh mắt hạnh phúc của những cảnh đời bất hạnh đã được giúp đỡ thông qua bài viết của mình. Để rồi, tôi biết đau hơn với nỗi đau của họ, thấu hiểu hơn nỗi vất vả, khổ cực của nhân vật khi bị hàm oan, phải đấu tranh để đòi lại quyền lợi của mình. Và tôi đã rất hạnh phúc vì đã dùng ngòi bút của mình hỗ trợ họ tìm lại công lý!
Ngôi nhà Báo Xây dựng đã rèn cho tôi sự cẩn trọng, chỉn chu hơn trong từng con chữ. Nơi đây đã cho tôi cảm giác thân thương, ấm áp sau những cuộc hành trình. Và hơn hết, chính ngôi nhà chung này giúp tôi hiểu hơn đằng sau mỗi bài viết tràn trang, hay chỉ là một mẩu tin bé nhỏ, đằng sau bút danh của phóng viên cụ thể là công sức của cả tòa soạn, cả một “cỗ máy”, với rất nhiều người thầm lặng làm việc từ tinh mơ đến tận đêm khuya; từ khâu thu thập tin tức, viết bài, biên tập, lên trang… Tất cả đều yêu cầu sự cẩn trọng, chính xác, để cung cấp cho độc giả những tin tức kịp thời, những bài báo chất lượng.
Khi chọn nghề Báo chúng tôi luôn tâm niệm, vinh quang và nước mắt luôn song hành, nhưng khi đã chọn nghề thì những người làm báo đều luôn lấy câu “bút sắc, lòng trong, tâm sáng” làm kim chỉ nam trong hoạt động nghề nghiệp. Chúng tôi, những người đã, đang và sẽ sống với nghề vẫn luôn coi đó là một niềm vinh dự, tự hào.
Nhà thơ đi làm báo
Phóng viên Hạ Ly |
Tôi yêu câu chữ đến say mê, tôi thích nhào nặn, thủ thỉ, tâm sự với nó trong những vần thơ, câu văn của mình. Rồi nghề chọn người, thấm thoắt tôi đã trở thành phóng viên Báo Xây dựng tròn 10 năm. Vừa vặn đủ một chữ Duyên.
10 năm trước, theo lời giới thiệu của một người bạn, tôi cầm tập thơ và tản văn của mình mới xuất bản đến gặp anh Dũng, Tổng biên tập Báo Xây dựng để xin việc. Anh ngật ngù: “Cũng có chút năng khiếu viết lách, nhưng làm báo khác với làm thơ đó cô nhé!”.
Những ngày mới chập chững vào nghề sếp Vũ Văn Tiến bảo “Văn chương thơ phú vào đây làm gì?” khiến tôi không ít lần rơi nước mắt. Sếp Quyết động viên “Giữa các bài về xi măng, cốt thép, xây dựng… thì những bài mang đậm tính nhân văn, chân thực của em cũng là một nét làm mềm mại tờ báo. Em cố gắng nhé!”. Sếp Bình, sếp Hưng, sếp Tùng… âm thầm khích lệ. Sếp Tổng vẫn kệ cho tôi tự bơi.
Trong quá trình tập bơi ấy trong đầu tôi vẫn băn khoăn một câu hỏi “Văn chương và làm báo có hỗ trợ nhau không hay cái nọ giết chết cái kia?”. Và tôi đã đọc và được biết từ năm 1945, trong nền báo chí Việt Nam, đội ngũ những người làm báo, hầu hết là các nhà văn hoặc các nhà văn hóa… Những tên tuổi lớn trong làng báo Việt Nam như Vũ Đình Chí, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Vũ Bằng và rất nhiều người khác, đều cùng lúc viết song song báo chí, văn chương và cả hai lĩnh vực đều nổi tiếng. Điều đó cho tôi có động lực và quyết tâm hơn với nghề báo, tôi không ảo tưởng mình sẽ được giỏi như họ, tôi chỉ mong có thể dùng văn chương để vốn liếng ngôn từ trong báo chí của tôi được sống động, khả năng liên tưởng dồi dào, lối viết biến hóa linh động hơn.
Dưới mái nhà Báo Xây dựng, tôi dần dần trưởng thành hơn, vui với nghề hơn là nhờ có sự bao dung của các lãnh đạo, của các anh chị em đồng nghiệp. Bởi người viết văn chương thường có sự nhạy cảm mạnh mẽ hơn, đó là điểm mạnh và cũng là điểm yếu của họ với nghề.
Mỗi buổi sáng đến tòa soạn, tôi thích cái cảm giác gặp sếp Hùng ở cầu thang với nụ cười tươi rói “Chào em!”. Tôi yêu cái năng lượng tích cực mà chị Diên – Trưởng phòng Phóng viên của chúng tôi mang đến hàng ngày. Tôi mỉm cười khi nhận được tin nhắn của sếp Hưng – người nhạc sĩ có nhiều ca khúc trữ tình sâu sắc: “Làm xong việc thì mời em xuống phòng anh nghe ca khúc mới nhé!”.
Tổng biên tập Nguyễn Anh Dũng với vẻ ngoài kệ cho các phóng viên tự bơi, nhưng anh luôn âm thầm quan sát và khích lệ mỗi phóng viên khi có dịp gặp mặt. Là thuyền trưởng của một tờ báo lớn với hơn 100 cán bộ, phóng viên trải dài khắp các tỉnh thành trong cả nước. Anh như một người anh cả trong nhà, luôn bao dung, chan hòa, cảm thông với tất cả mọi người. 10 năm làm “quân” của anh tôi chưa bao giờ chứng kiến anh quát tháo hay cáu kỉnh với bất cứ cán bộ phóng viên nào. Anh thường tìm ra điểm mạnh của phóng viên để khích lệ.
10 năm, một nhà thơ đi làm báo, tôi vẫn là kẻ khờ khạo trong biển đời tri thức, nhưng tôi thấy mình thật may mắn khi được đứng trong đội ngũ của mái nhà Báo Xây dựng.
Phóng viên Yến Mai |
Tác nghiệp giữa mùa dịch Covid-19
Tôi gắn bó với với Báo Xây dựng gần 3 năm. Công việc làm báo cho tôi cơ hội được tiếp xúc với nhiều người, nhiều trải nghiệm mới và có kỷ niệm đặc biệt chỉ làm báo mới có. Một trong số đó chính là khi tôi tác nghiệp tại Thủ đô thời điểm bùng dịch Covid-19, vào đầu năm 2021. Khi ấy, lãnh đạo phòng đã giao nhiệm vụ cho tôi, đi tới các con phố, ngóc ngách của Hà Nội để tìm hiểu, thực hiện các chùm ảnh phản ánh cuộc sống của người dân khi có dịch bệnh. Là phóng viên trẻ mới bước vào nghề, thiếu kinh nghiệm thực tế, nhận nhiệm vụ, tôi có chút bất an, lo lắng, nhưng nếu sợ thì mình sẽ không hoàn thành tốt công việc.
Đeo chiếc máy ảnh lên cổ, tôi đi dọc các con phố; dừng chân tại nhiều nơi như phố cổ, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Tây Hồ… Tác nghiệp mùa dịch, tôi tự dặn mình, điều quan trọng nhất là đảm bảo an toàn. Tôi đeo khẩu trang, đứng cách mọi người khoảng cách an toàn nhất có thể.
Cảnh tượng đầu tiên là những con đường vốn đông đúc, nay chỉ có vài xe qua lại, cửa hàng đóng cửa im lìm. Ngay cả phố cổ, nơi tập trung đông khách du lịch nay cũng đã bị tê liệt, vắng bóng người.
Tôi cảm thấy bối rối, vừa làm sao vừa phải chụp ảnh đúng với tinh thần ảnh báo chí, vừa phải quan sát, tìm và hỏi người dân thông tin cần thiết.
Có người trả lời câu hỏi của tôi nhiệt tình, nhưng cũng có người vì sợ dịch bệnh mà đứng cách xa tôi, trên khuôn mặt lộ rõ lo lắng, khó chịu. Một số còn xua đuổi, không muốn tiếp xúc với phóng viên, đóng cửa nhà ngay tức khắc .
Lần tác nghiệp này đã khiến tôi cảm thấy lạc lõng và trống rỗng. Trong khi nhà nhà đóng cửa phòng dịch, tôi phải dành thời gian ở ngoài đường để lấy tin, chụp ảnh. Tôi đã phải tự động viên, đốc thúc bản thân mình làm việc để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Bởi vì tôi biết, nghề báo là như vậy, dù trong hoàn cảnh nào, dù có một mình một nơi thì vẫn phải mạnh mẽ, dấn thân mình để có được thông tin viết bài nhanh nhất…
Phóng viên Tiến Hào |
Mỗi chuyến đi là một trải nghiệm
Khi đã chọn “dấn thân” vào nghề báo, chắc hẳn ai cũng đều chấp nhận lăn xả để cố gắng cho ra đời những tác phẩm báo chí ấn tượng trong lòng độc giả. Với tôi, mỗi chuyến đi, mỗi lần tác nghiệp là những trải nghiệm đáng quý, giúp tôi trưởng thành, thêm gắn bó, yêu công việc của mình hơn. Nghề báo luôn đem đến cho tôi bài học kinh nghiệm, gắn liền với những chuyến đi. Đi để gặp thêm nhiều người, biết nhiều hoàn cảnh trong cuộc sống, và quan trọng hơn là tìm đề tài, chất liệu báo chí, lắng nghe, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người dân.
Là phóng viên Ban Xây dựng điện tử trong thời kỳ chuyển đổi số, các thông tin trên mặt báo luôn được yêu cầu cập nhật liên tục, kịp thời và chính xác. Vì vậy, mỗi phóng viên cần không ngừng “dịch chuyển” để có thể nắm bắt và truyền tải thông tin tới bạn đọc một cách nhanh chóng và khách quan. Những chuyến đi ấy không chỉ là cứ vi vu trên con đường êm đẹp, mà mỗi cuộc hành trình còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, hiểm nguy. Có những chuyến đi xác định rõ thời gian, địa điểm; nhưng cũng có lúc phải lên đường đột xuất vào khung giờ cao điểm, nắng nóng mà không biết cụ thể đích đến của mình ở đâu, không đạt được kết quả như mong muốn. Thế nhưng, sau mỗi chuyến đi nhưng vậy, tôi lại cảm thấy vui vì cuộc sống xung quanh mình có rất nhiều điều thú vị, vui vì tôi được sống với công việc mình yêu thích, không bị bó hẹp trong một không gian, thời gian cố định.
Dù chỉ mới công tác trong lĩnh vực báo chí một thời gian chưa đủ dài, thế nhưng mỗi chuyến đi, mỗi lần tác nghiệp đều là một bài học đáng quý mà không có trường lớp nào dạy được. Đó là những kiến thức, kinh nghiệm giúp tôi luyện nghề và rèn bản thân trở nên tốt hơn. Nếu ai đó hỏi tôi vì sao chọn nghề báo, thì chắc chắn câu trả lời đó là “vì mỗi chuyến đi”…
Phóng viên Thảo Phương |
Đam mê với nghề
Năm 2018, khi còn là sinh viên, tôi có dịp may mắn được cộng tác cùng Báo Xây dựng, từ đó nhen nhóm trong tôi giấc mơ “mình chắc chắn sẽ làm việc tại đây”. Thế rồi 3 năm sau, giấc mơ đó thành hiện thực, ngày 07/7/2021, tôi chính thức trở thành Phóng viên của Ban Xây dựng điện tử. Thời gian đầu, dù gặp nhiều bỡ ngỡ và khó khăn, nhưng tôi lại có cơ hội trải nghiệm những điều đáng quý, mới mẻ, từ đó nuôi dưỡng dần niềm tin rằng, chỉ cần bản thân không ngừng học hỏi và cố gắng, điều gì chúng ta cũng có thể làm được.
Là một nghề đòi hỏi tính nhanh nhạy và có sự cạnh tranh gay gắt, khốc liệt, hàng ngày, đối mặt với những hạn định nộp bài, những ý tưởng, đề tài tưởng không thể nghĩ ra… có những lúc bản thân cảm thấy chán chường, mệt mỏi. Song tình yêu với nghề báo lại giúp tôi tìm lại thế cân bằng, tiếp tục hăm hở và tràn đầy nhiệt huyết.
Làm báo, là cơ hội để tôi được tiếp xúc với nhiều người ở môi trường khác nhau. Mỗi câu chuyện, mảnh đời của họ dạy cho tôi thật nhiều điều trong cuộc sống. Đó là sự trân trọng về những gì bản thân đang có, là sự lạc quan, yêu đời, yêu nghề của tuổi trẻ. Quãng thời gian 2 năm được học tập và làm việc tại Báo Xây dựng chắc chắn sẽ trở thành kỷ niệm không thể nào quên trong ký ức của tôi sau này.
Tôi không chắc bản thân sẽ trở thành một phóng viên giỏi, cũng không chắc sẽ trở thành một biên tập viên xuất chúng, nhưng tôi luôn tự hứa với lòng mình, nhất định sẽ trở thành một người làm báo với “tâm sáng – lòng trong”.
Phóng viên Đỗ Quang |
Nghề báo tôi yêu
Là một phóng viên lĩnh vực Pháp luật – Bạn đọc, tôi có nhiều trải nghiệm thú vị, vui có, buồn có, thậm chí còn đối diện với nhiều hiểm nguy rình rập trong quá trình tác nghiệp. Với nghề báo, nhiều khi chúng tôi có những kỷ niệm, xúc cảm thật khó tả hết bằng ngôn ngữ, chỉ người trong cuộc mới có cơ hội trải nghiệm thú vị này.
Cái vui của phóng viên là có nhiều cơ hội được đi đây đó, tiếp xúc với nhiều nghề, nhiều người ở các lĩnh vực, vị trí, địa vị khác nhau; từ đó được học hỏi, mở mang hiểu biết và thêm nhiều mối quan hệ xã hội.
Là phóng viên có khi giúp được người dân, chúng tôi được tung hô, ca ngợi hết lời; cũng có khi mình đã làm hết khả năng, vận dụng hết cách nhưng không được việc hoặc không đúng ý dân, thế là lại bị đặt nghi vấn phóng viên “bắt tay” với chính quyền làm ảnh hưởng đến dân… Một lần sau khi nhận đơn thư của người dân ở huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ, chúng tôi lên đường, đến gặp người dân và hứa sẽ đăng tải giúp người dân để đảm bảo quyền lợi chính đáng của họ (nếu những gì họ phản ánh là đúng sự thật). Khi đó, chúng tôi được người dân tung hô hết lời, coi phóng viên như những “người hùng” giải cứu giúp người dân khỏi bế tắc, tranh chấp với DN. Sau này, khi làm việc với chính quyền, chúng tôi mới ngỡ ra những tài liệu, sự việc người dân cung cấp đúng nhưng chưa đầy đủ, từ đó chúng tôi có cái nhìn khách quan, toàn diện hơn nên đã đăng tải bài viết phản ánh khách quan, đúng sự thực. Ngay sau đó, chúng tôi bị chính người dân khủng bố tinh thần, họ liên tục gọi điện, đe dọa, chửi bới, nhắn tin, đăng nội dung bôi xấu gây ảnh hưởng uy tín cá nhân lên facebook… bởi họ cho rằng phóng viên đã “bắt tay” với chính quyền gây hại cho người dân. Đó chỉ là 1 phần nhỏ trong những trải nghiệm về nghề phóng viên mà tôi từng trải qua.
Tuy vậy, theo tôi, nghề báo thực sự là một nghề cao quý, được xã hội trân trọng vì báo chí đã và đang đóng góp vai trò rất quan trọng trong công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước; cũng như có vai trò phản biện xã hội, lên án, bài trừ cái xấu, góp phần xây dựng đất nước phồn hoa, tươi đẹp hơn.
Phóng viên Thân Nam |
Nơi thắp lửa trong tôi
Thấm thoát đã 6 năm trôi qua kể từ khi tôi bắt đầu dấn thân vào nghề báo. Đó chưa phải là một khoảng thời gian quá dài, nhưng bằng đó thời gian cũng đã là đủ giúp tôi hiểu được rằng nghề báo là vinh quang nhưng cũng đầy rẫy những khó khăn, nguy hiểm, cám dỗ. Và nếu như không duy trì được ngọn lửa đam mê, có lẽ chặng đường đó đã kết thúc với tôi ngay từ những năm tháng đầu tiên.
Cũng thật may mắn khi cơ duyên đã cho tôi được làm việc tại Báo Xây dựng, cũng chính nơi đây tôi đã may mắn gặp được những người “thầy”, những người đã cho tôi kinh nghiệm, rèn rũa tôi từ những bài viết đầu tiên. Hơn hết, chính họ đã truyền cho tôi ngọn lửa đam mê với nghề.
Ban đầu tôi được phân công về Ban Xây dựng và Pháp luật công tác. Đối với một người mới chập chững vào nghề và chưa từng công tác tại cơ quan báo chí nào như tôi khiến tôi không khỏi hồi hộp, lo lắng. Thế nhưng những hồi hộp, lo lắng ban đầu của tôi nhanh chóng được xua tan, thay vào đó là nhiệt huyết với nghề khi ở đây tôi đã nhận được sự kèm cặp, rèn rũa kỹ năng làm báo của các anh chị trong Ban, những người đã có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề. Cũng không biết từ bao giờ, tôi đã coi đây là gia đình thứ hai của mình. Chia tay Ban Xây dựng và Pháp luật sau 3 năm gắn bó, tôi trở thành một phóng viên thường trú và trở về công tác tại tỉnh Bắc Giang – nơi tôi sinh ra và lớn lên. Được trở về cống hiến và xây dựng quê hương đó không chỉ là niềm tự hào, mà còn là trách nhiệm đối với nơi “chôn rau cắt rốn”.
Năm nay, Báo Xây dựng đã tròn 25 ngày xuất bản số báo đầu. Cũng không quá khi nói rằng chúng tôi đã trở thành một phần thanh xuân của nhau. Một chặng đường mới đã bắt đầu, tôi luôn tự hứa sẽ không ngừng phấn đấu, giữ trong mình ngọn lửa nhiệt huyết người làm báo và chất riêng của người xây dựng.
Phóng viên Cao Cường |
Nguồn cảm hứng với nghề
Mới đó mà đã gần 15 năm tôi gắn bó với Báo Xây dựng. Nhớ những ngày đầu đi làm báo còn khó khăn vất vả hơn những đồng nghiệp khác, nhưng nhờ sự đùm bọc, chỉ dạy của các thế hệ đi trước, của lãnh đạo cơ quan mà tôi trưởng thành như ngày hôm nay. Có lần thấy tôi tác nghiệp thiếu phương tiện, lãnh đạo cơ quan đã liên hệ, tạo điều kiện cho phóng viên (3 phóng viên ở cơ quan) mua trả góp Laptop không lãi suất. Nhờ đó mà phóng viên có thêm phương tiện tác nghiệp để phục vụ nhu cầu thông tin của bạn đọc.
Được công tác ở tờ báo ngành cũng là cái may mắn của phóng viên, nhất là mỗi lần đi tác nghiệp tại công trường xây dựng. Nhớ có lần đi Tây Nguyên để viết bài về những “người làm nên ánh sáng” trên các công trình thủy điện YALY, Sê San 3, Sê San 4 trên dòng sông Sê San chảy qua địa phận 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum.
Chuyến đi ấy đã để lại nhiều ấn tượng trong tôi từ nơi ăn chốn ở với những công trình hùng vĩ nơi núi rừng Tây Nguyên. Cùng ăn nghỉ và sinh hoạt với công nhân xây dựng ngay tại lán trại công trình. Tôi mới thấu hiểu những khó khăn vất vả mà các kỹ sư công nhân đang ngày đêm xây lên những tòa nhà, công trình trên khắp mọi miền đất nước. Tuy thiếu thốn vất vả, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng nếu không đảm bảo các biện pháp an toàn, nhưng tất cả vẫn vui tươi như lời bài hát “Càng hăng say xây cho nhà cao, cao mãi”…
Chính nhờ những lần gần gũi với người lao động như thế nên dễ đồng cảm sẻ chia những khó khăn khi bắt đầu xây dựng một dự án hay công trình nào đó. Bởi cùng là “người Xây dựng” nên họ tin tưởng phóng viên báo Ngành, phản ánh được tiếng nói của người lao động trong Ngành, về cuộc sống của người dân đã phải nhường đất cho các dự án phục vụ phát triển đất nước. Từ đó tạo được cảm hứng cho người làm báo Ngành nói chung, trong đó có tôi – phóng viên Báo Xây dựng.
Phóng viên Mỹ Bình |
Bén duyên nghề báo
Trải qua bao thăng trầm trong cuộc sống, tôi rẽ ngang nghề dạy học để chuyển sang làm báo khi tuổi đời không còn trẻ. Sau nhiều năm gắn bó với Báo Tài nguyên và Môi trường, tôi quyết định chuyển sang môi trường mới – Báo Xây dựng.
Trong một dịp tình cờ, tôi có cơ duyên được đọc những dòng tâm sự trải lòng của nhà báo Nguyễn Anh Dũng – Tổng biên tập Báo Xây dựng về ngôi nhà Báo Xây dựng, với tôn chỉ mục đích mà tờ báo đang hướng đến sự phát triển của ngành Xây dựng và vì người dân. Tôi tìm thấy sự đồng cảm, sẻ chia và định hướng nghề báo mà tôi tự đặt mục tiêu cho riêng mình, khi còn công tác tại đơn vị cũ.
Qua môi trường làm việc mới, tôi có dịp gặp gỡ, làm quen với các anh, chị, em đồng nghiệp trong ngôi nhà chung Báo Xây dựng. Lần đầu gặp mặt đầy bỡ ngỡ nhưng rất đỗi thân thương, tôi bắt kịp với nhịp sống tươi trẻ, đầy nhiệt huyết của anh em Văn phòng đại diện Khánh Hòa, cùng nhau tạo ra nhiều bài viết mang hơi thở cuộc sống thường ngày tại hai tỉnh Bình Định và Phú Yên – nơi tôi sinh sống và được cử phụ trách địa bàn hoạt động báo chí.
Mặc dù, là “lính mới” chưa quen với những quy định, quy chế của cơ quan, nhưng được sự yêu thương, giúp đỡ, chỉ bảo tận tình của Ban lãnh đạo, Ban biên tập, lãnh đạo Văn phòng đại diện Khánh Hòa, tôi từng bước vượt qua mọi khó khăn, khi một mình hoạt động tác nghiệp trên địa bàn.
Phóng viên một mình tác nghiệp không có sự hỗ trợ cận kề của đồng nghiệp đã muôn vàn khó khăn, nhưng mẹ đơn thân như tôi thì công việc tác nghiệp càng khó khăn, nguy hiểm hơn, đặc biệt là các tuyến bài điều tra, phản ánh về hoạt động khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng trái phép, xây dựng nhà trái phép trên đất lâm nghiệp, để có những hình ảnh, bài viết sinh động, chân thật gửi đến bạn đọc cả nước. Bởi, tôi đang thật sự hòa mình vào dòng chảy xây dựng, phát triển thương hiệu của Báo Xây dựng trong hiện tại và tương lai.
Phóng viên Hải Nguyên |
Xung kích, sáng tạo, đi đầu của tuổi trẻ Báo Xây dựng
Gần 10 năm được đứng trong hàng ngũ phóng viên của Báo Xây dựng, kể từ khi là sinh viên mới ra trường. Tôi học được nhiều điều từ các thế hệ đồng nghiệp đi trước cũng như các thế hệ sau này. Đối với tôi nghề báo là cả một trải nghiệm quý giá để trưởng thành. Trải nghiệm ấy, có niềm vui, có nỗi buồn, có thăng hoa, cũng có mệt mỏi.
Sau quá trình công tác tại hội sở, tôi được cơ quan phân công về TP Hải Phòng cũng là quê hương mình và trở thành một phóng viên thường trú. Tôi luôn cố gắng giữ vững và phát huy tinh thần, truyền thống của Báo Xây dựng. Ngoài hoạt động chuyên môn được địa phương ghi nhận, dưới sự ủng hộ của Ban Biên tập, Công đoàn Báo, Đoàn Thanh niên Bộ Xây dựng, tôi đã cùng anh em trong Đoàn Thanh niên Báo tổ chức nhiều hoạt động an sinh xã hội tại địa phương, đặc biệt là các hoạt động ở địa phương tôi được phân công công tác.
Vinh dự kế thừa từ các thế hệ đi trước, tôi cùng Đoàn Thanh niên Báo Xây dựng đã có những trải nghiệm, những hành trình đáng nhớ đi cùng với tuổi thanh xuân. Nhiều công trình an sinh xã hội mang đậm dấu ấn của Báo Xây dựng như một số ngôi nhà đại đoàn kết, sân chơi cho trẻ em được xây dựng trên địa bàn TP Hải Phòng.
Tôi luôn cảm kích, tự hào, giữ vững niềm tin yêu Báo Xây dựng sẽ ngày càng vững mạnh, là địa chỉ uy tín để bạn đọc tiếp cận những thông tin chính xác, kịp thời về ngành Xây dựng.
Phóng viên Tiến Anh (ngoài cùng bên trái). |
Phút trải lòng
Có người đến với nghề khá lâu, có người là “lính mới”, song với họ, nghề báo là một nghề đầy ắp kỷ niệm khó quên. Mỗi kỷ niệm là một sự trải nghiệm, giúp người làm báo thấy yêu hơn, gắn bó hơn với nghề.
Tôi đến với Báo Xây dựng như một cái “duyên” vậy! Trên “mảnh đất” mới này vẫn khiến tôi có chút gì đó lúng túng, ngỡ ngàng. Nhưng không phải là cái cảm giác bỡ ngỡ khi bước chân vào nghề, mà bởi cách đặt title, cách đặt vấn đề… như thế nào cho hợp với phong cách của tờ báo, cũng khiến tôi nhiều đêm trăn trở. Dù đã quen với nghề, nhưng có nhiều lúc tôi vẫn thấy áp lực. Nhờ được sự động viên, chỉ bảo tận tình của Ban biên tập, đồng chí Trưởng ban, cũng như các anh chị em đồng nghiệp ở cơ quan, đã giúp tôi “xốc” lại tinh thần, để tiếp tục theo đuổi đam mê. Mỗi lần “gặp khó”, tôi đều nhận được sự chỉ bảo, hướng dẫn tận tình, cách triển khai bài thế nào, làm sao cho tốt, cho đúng với tôn chỉ mục đích của tờ báo… Tất cả đã giúp tôi tự tin hơn với nghề, tôi thầm cảm ơn vì điều đó!
Những kỷ niệm của nghề thì nhiều, kể sao cho hết được, nhưng với tôi trận lũ quét kinh hoàng sáng 03/8/2019 khiến 15 người chết và mất tích, hàng chục ngôi nhà bị san bằng ở bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa khiến tôi trăn trở mãi. Để tiếp cận được bản Sa Ná, tôi phải ngược theo con sông Luồng. Cách duy nhất là phải vượt dòng nước lũ, thay vì đi đường bê tông trước khi lũ cuốn bay, thì giờ đây phải leo đồi, lội suối hơn 2 km, mới đến được bản. Cảnh hoang tàn đến sợ hãi hiện ra trước mắt tôi: Nhà đổ sập, nhà bị cuốn trôi, tất cả tiêu điều, ngổn ngang và thương tâm…
Tới ngày 08/8/2019, ông Phạm Minh Chính – Ủy viên Bộ Chính trị, lúc đó là Trưởng ban Tổ chức Trung ương cùng đoàn công tác đã tới thăm hỏi, động viên, tặng quà Nhân dân vùng bị ảnh hưởng lũ lụt và kiểm tra công tác khắc phục hậu quả thiên tai tại bản. Ông trực tiếp gặp gỡ, thăm hỏi các gia đình có người tử vong, mất tích, bị mất nhà. Đồng thời, chia sẻ với những mất mát, động viên bà con sớm vượt qua khó khăn, ổn định đời sống và cho biết, cơ quan chức năng sẽ có phương án tái định cư để bà con được đến nơi ở mới an toàn, thuận lợi cho sản xuất, đi lại…
Chúng tôi, những người đã, đang và sẽ sống với nghề vẫn luôn mong, mỗi tác phẩm ra đời sẽ góp phần dựng xây xã hội ngày càng tốt đẹp hơn, xứng đáng với trọng trách to lớn mà Đảng và Nhân dân giao phó.
Nguồn: Báo xây dựng