Không để tình trạng văn bản pháp luật lạc hậu khi ban hành chưa lâu
Ngày 27/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 3/2023.
Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ đã thảo luận, cho ý kiến về 5 nội dung: Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư xây dựng công trình giao thông; một số chính sách mới trong lĩnh vực quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; dự án Luật Căn cước thay thế Luật Căn cước công dân năm 2014; dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Xuất nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Nhất trí đề xuất nâng thời hạn thị thực điện tử lên không quá 3 tháng
Đối với Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư xây dựng công trình giao thông, các thành viên Chính phủ thống nhất đề xuất các chính sách trong dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội, gồm: Không tính chi phí giải phóng mặt bằng trong hạn mức giới hạn tỉ lệ tham gia của Nhà nước trong các dự án hợp tác công tư – PPP (Luật PPP quy định tỉ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án PPP không quá 50%, bao gồm cả chi phí giải phóng mặt bằng).
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 3 năm 2023. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc) |
Các chính sách nhằm huy động tối đa các nguồn lực (vốn Nhà nước, vốn tư nhân; vốn Trung ương, vốn địa phương; vốn đầu tư công, vốn từ chương trình phục hồi và phát triển, vốn tiết kiệm chi, tăng thu…) cho đầu tư xây dựng các công trình giao thông, góp phần thực hiện đột phá chiến lược về hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, trong đó có mục tiêu xây dựng 5.000 km đường cao tốc tới năm 2030 theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Về một số chính sách mới trong lĩnh vực quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Bộ Công an cho biết, các chính sách được đề xuất đưa vào Nghị quyết chung của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 tháng 5/2023 để thực hiện được ngay, trong thời gian tiến hành sửa đổi, bổ sung Luật Xuất nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Việc này nhằm giải quyết một số vấn đề cấp bách để tạo thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài (khách du lịch, nhà đầu tư, doanh nhân…) trong nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú, làm ăn tại Việt Nam, góp phần phục hồi, phát triển ngành du lịch nói riêng và kinh tế – xã hội nói chung.
Các thành viên Chính phủ nhất trí đề xuất Quốc hội cho phép nâng thời hạn thị thực điện tử (E-visa) từ không quá 30 ngày lên không quá 3 tháng, có giá trị một lần hoặc nhiều lần; cấp thị thực điện tử cho công dân của tất cả các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới và giao Chính phủ quyết định danh sách cụ thể các nước, vùng lãnh thổ; nâng thời hạn cấp chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 45 ngày.
Các thành viên Chính phủ thống nhất đánh giá đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Xuất nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam là rất cần thiết, nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi về thủ tục xuất nhập cảnh cho công dân Việt Nam và người nước ngoài.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu tại cuộc họp. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc) |
Bảo đảm an toàn của hệ thống ngân hàng
Về dự án Luật Căn cước thay thế Luật Căn cước công dân năm 2014, các thành viên Chính phủ thống nhất đánh giá đây là một dự án luật quan trọng, tác động lớn tới quyền, lợi ích của người dân, có nội dung có nhiều vấn đề mới nên còn có nhiều ý kiến khác nhau, cần rà soát, đánh giá kỹ lưỡng.
Các thành viên Chính phủ thảo luận sâu đối với các nội dung mới như việc cấp căn cước cho trẻ dưới 14 tuổi, cho người gốc Việt Nam ở nước ngoài, tích hợp thông tin trên cơ sở dữ liệu…
Đối với các nội dung mới, cần nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, tham khảo có chọn lọc, phù hợp với đặc điểm, điều kiện của Việt Nam; chuẩn bị tốt nguồn lực thực hiện để phục vụ thuận lợi tối đa cho người dân.
Về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), các thành viên Chính phủ cho rằng đây là dự án luật có nhiều nội dung khó, phức tạp, nhạy cảm, tác động lớn đến xã hội và nền kinh tế, rất cần thiết sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện để đáp ứng với yêu cầu của tình hình mới, nhất là nhằm bảo đảm an toàn của hệ thống ngân hàng, minh bạch thị trường, huy động các nguồn lực phát triển kinh tế – xã hội.
Do đó, cần đánh giá kỹ lưỡng tác động, rà soát, bảo tính đồng bộ, thống nhất với các quy định pháp luật hiện hành và các dự án luật đang được Chính phủ trình Quốc hội, tích cực tham khảo kinh nghiệm quốc tế, đề nghị tham khảo có chọn lọc, phù hợp với đặc điểm, điều kiện của Việt Nam.
Làm đến đâu chắc đến đó để luật pháp đi vào cuộc sống
Kết luận chung về phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Chính phủ đã chấp hành nghiêm, tích cực cụ thể hóa, tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, tập trung vào 3 đột phá chiến lược, trong đó có việc xây dựng và hoàn thiện thể chế, nhất là xử lý những vấn đề vướng mắc mà thực tiễn đặt ra, những vấn đề đã được pháp luật quy định nhưng không còn phù hợp thực tế, những vấn đề chưa dự báo được khi xây dựng luật.
Toàn cảnh phiên họp. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc) |
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành chủ trì tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ ý kiến của các thành viên Chính phủ, tiếp tục hoàn thiện các dự án luật, đề nghị xây dựng luật, dự thảo nghị quyết, bảo đảm tiến độ và nâng cao chất lượng; chú trọng việc tổ chức lấy ý kiến các đối tượng tác động, nhà khoa học, chuyên gia, nhà hoạt động thực tiễn; tăng cường truyền thông chính sách để tạo sự đồng thuận; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, đặc biệt là các cơ quan của Quốc hội.
Thủ tướng nhấn mạnh, việc xây dựng và hoàn thiện thể chế phải xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, không cầu toàn nhưng không nóng vội; những gì đã chín, đã rõ, có tính ổn định thì luật hóa; những gì chưa có quy định hoặc vượt quy định thì mạnh dạn nghiên cứu thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần; đối với những vấn đề đang còn ý kiến khác nhau thì cố gắng tạo đồng thuận.
“Làm đến đâu chắc đến đó để luật pháp đi thẳng vào cuộc sống. Không để tình trạng văn bản pháp luật vừa xây dựng xong đã lạc hậu”, Thủ tướng nêu rõ.
Lưu ý thêm một số nội dung, Thủ tướng đề nghị các quy định, thủ tục xuất nhập cảnh phải tạo thuận lợi cho người dân và du khách, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số, hiện đại hóa, giảm phiền hà, phòng chống tiêu cực.
Với lĩnh vực ngân hàng, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu thể chế hóa được các chủ trương, đường lối của Đảng; luật pháp phải phục vụ sự phát triển, vì lợi ích của nhân dân, đặt lợi ích chung lên trên hết; tất cả cần chung tay, chung sức, tháo gỡ khó khăn, xây dựng hệ thống ngân hàng hoạt động thực sự công khai, minh bạch, hội nhập, phát triển bền vững, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm; tăng cường phân cấp, phân quyền, quy định rõ trách nhiệm, cá thể hoá trách nhiệm của cá nhân, thiết kế công cụ tốt để tăng cường giám sát, kiểm tra.
Nguồn: Báo lao động thủ đô