Xây dựng kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam: Cần giải quyết các vấn đề môi trường để có tăng trưởng xanh

Các vấn đề môi trường tác động tiêu cực đến xây dựng Kinh tế tuần hoàn

Kinh tế tuần hoàn là một mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất và loại bỏ các tác động tiêu cực đến môi trường.

Kinh tế tuần hoàn đặc biệt chú trọng đến quản lý và tái tạo tài nguyên theo một vòng khép kín, nhằm tránh tạo ra phế thải và ô nhiễm môi trường.

Nếu như “kinh tế tuyến tính” chỉ quan tâm đến việc khai thác tài nguyên, sản xuất, tiêu dùng và thải bỏ ra môi trường dẫn đến việc tạo ra một lượng phế thải lớn, cũng như khai thác tối đa nguồn tài nguyên thiên nhiên phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, thì Kinh tế tuần hoàn lại chú trọng việc quản lý và tái tạo tài nguyên theo một vòng khép kín để tránh tạo ra chất thải.

Việc chuyển đổi sang Kinh tế tuần hoàn cũng là cơ hội lớn để phát triển nhanh, bền vững, không chỉ đạt mục tiêu kinh tế – xã hội, môi trường mà còn ứng phó biến đổi khí hậu một cách hiệu quả; nâng cao nhận thức của người dân về tái sử dụng, tái chế chất thải, hạn chế tiêu dùng các mặt hàng sử dụng một lần không cần thiết. Đồng thời, mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất để hỗ trợ thực hiện 100% tỷ lệ tái chế chất thải thành nguyên liệu và là con đường ngắn nhất hướng đến nền kinh tế các-bon thấp, nhất là trong các ngành công nghiệp nặng.

Để xây dựng được Kinh tế tuần hoàn thì vấn đề môi trường cần được giải quyết một cách triệt để

 Để xây dựng được kinh tế tuần hoàn thì vấn đề môi trường cần được giải quyết một cách triệt để.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), chỉ riêng ô nhiễm nguồn nước có thể gây thiệt hại cho kinh tế Việt Nam tới 3,5% GDP (năm 2019). Cùng với đó là tình trạng suy giảm tài nguyên, năng lượng, ô nhiễm và suy thái đất, nhất là biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam thời gian qua.

Trong khi đó, hoạt động kinh tế của Việt Nam từ trước đến nay vẫn dựa trên chủ yếu từ cách tiếp cận truyền thống, đó là kinh tế tuyến tính, đây cũng là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng thiếu hụt các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là gây ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Theo ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), dù thương mại và đầu tư là động lực cho sự tăng trưởng kinh tế đầy ấn tượng của các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á trong đó có Việt Nam, thì trong những thập niên gần đây, nó cũng dẫn tới sự gia tăng lớn lượng khí thải các-bon đi-ô-xít trong khu vực, là báo động cho những tác động môi trường ảnh hưởng đến việc xây dựng kinh tế tuần hoàn. Để đảo ngược xu hướng này sẽ đòi hỏi phải có những biện pháp như thúc đẩy thương mại hàng hóa và dịch vụ môi trường, hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp xanh, phát triển các cơ chế định giá các-bon và tăng cường hợp tác khu vực thông qua các thỏa thuận thương mại và đầu tư.

Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB, ông Albert Park, chia sẻ: “Tăng trưởng kinh tế ấn tượng của châu Á và Thái Bình Dương đã giúp hàng triệu người thoát cảnh nghèo khổ, nhưng điều này phải trả giá bằng môi trường và những hạn chế khi xây dựng nền Kinh tế tuần hoàn. Khu vực này hiện đang ở tuyến đầu của cuộc khủng hoảng khí hậu, có thể làm trật hướng tiến trình phát triển. Thương mại và đầu tư vẫn là một trong những động lực quan trọng nhất cho tăng trưởng và giảm nghèo, nhưng các Chính phủ trong khu vực cần tăng cường hợp tác để làm cho thương mại và đầu tư trở nên ‘xanh’ hơn”.

Từ năm 1995 tới năm 2019, lượng phát thải cácbon đi-ô-xít liên quan tới sản xuất của châu Á đã tăng gần gấp ba lần, chủ yếu phản ánh tốc độ tăng trưởng và công nghiệp hóa chưa từng có của khu vực để đáp ứng nhu cầu – cả bên trong khu vực và các thị trường xuất khẩu. Châu Á và Thái Bình Dương hiện đang ấm lên nhanh hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. Gần 40% thiên tai của thế giới diễn ra trong khu vực này, và hơn 70% số người bị ảnh hưởng bởi thiên tai sống tại châu Á và Thái Bình Dương.

Theo chuyên gia ADB, để giải quyết tình trạng này, các chính phủ trong khu vực có thể làm cho thương mại và đầu tư trở nên bền vững hơn và xanh hơn bằng cách: Thúc đẩy thương mại hàng hóa môi trường, ví dụ như các tấm pin năng lượng mặt trời, dịch vụ môi trường; Hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp xanh thông qua quy định pháp lý, chính sách khuyến khích, các tiêu chuẩn và hệ thống chứng nhận; Tăng cường hợp tác pháp lý quốc tế để khiến các cam kết và hành động khí hậu trở nên minh bạch, vững chắc, được áp dụng chung và có tính hợp tác; Và xây dựng các cơ chế định giá các-bon ở cấp độ quốc gia và xuyên quốc gia, thông qua những mối liên kết và liên minh khu vực.

Vai trò của tiêu chuẩn đối với Kinh tế tuần hoàn

Theo bà Đoàn Thị Thanh Vân – Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam, Kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu thế tất yếu nhằm đáp ứng nhu cầu phát triền bền vững trong bối cảnh tài nguyên ngày càng suy thoái, cạn kiệt, môi trường bị ô nhiễm, biến đổi khí hậu diễn biến khốc liệt. Xây dựng Kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam đã được xác định là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 trong Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Để xây dựng được Kinh tế tuần hoàn thì vấn đề môi trường cần được giải quyết một cách triệt để

 Theo các chuyên gia, để xây dựng nền Kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam thì tiêu chuẩn hóa đóng vai trò quan trọng, thúc đẩy nền kinh tế và hỗ trợ nhà quản lý điều hành, đưa ra mục tiêu và áp dụng các chiến lược trong quá trình xây dựng.

Trong việc xây dựng Kinh tế tuần hoàn, tiêu chuẩn đóng góp vai trò quan trọng trong kiểm soát chất lượng, bảo vệ môi trường, bảo vệ người tiêu dùng và người lao động. Ngoài ra, tiêu chuẩn còn đóng vai trò hỗ trợ đổi mới, an toàn, thông hiểu trong các lĩnh vực kinh tế, khoa học và quản lý cũng như các hoạt động quan hệ công chúng…

Tiêu chuẩn đưa ra các quy định kĩ thuật cần thiết để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ, hệ thống có chất lượng cao cũng như đảm bảo chất lượng, hiệu quả và an toàn. Từ một góc nhìn khác, tiêu chuẩn còn quy định thương mại toàn cầu trong các lĩnh vực khác nhau. Tiêu chuẩn tạo ra lợi nhuận cho cả nhà sản xuất hoặc nhà cung cấp dịch vụ và người tiêu dùng.

Bên thứ ba hưởng lợi từ tiêu chuẩn là các nhà quản lý vì tiêu chuẩn hỗ trợ xây dựng các quy định quản lý. Do vậy, để xây dựng Kinh tế tuần hoàn, một trong những nhiệm vụ đặt ra trước mắt là cần đánh giá được thực trạng hoạt động tiêu chuẩn hóa trong nền Kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. 

Hoàng Dương

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích