Nhớ về cái thuở ban đầu ấy!
(Xây dựng) – Tôi đang chủ trì ở Báo Lao động-Xã hội (Bộ LĐTB&XH) thì được mời về Bộ Xây dựng thành lập cơ quan ngôn luận. Chuyện là từ nhà báo Hồng Vinh, khi đó là Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập Báo Nhân Dân, đồng hương Nam Định của Bộ trưởng Ngô Xuân Lộc, giới thiệu.
Tổng biên tập Kim Quốc Hoa (bên trái) chụp ảnh với lãnh đạo Bộ Xây dựng. |
Vào giữa những năm 90 thế kỷ trước, ở Bộ Xây dựng có chuyện “động trời” là vụ án xi măng khá nghiêm trọng, một số cán bộ vi phạm bị xử lý pháp luật. Các báo đưa tin, bình luận lan toả khiến Bộ trưởng đau đầu. Mấy vị nhà báo cùng trong Ban Chấp hành Trung ương khuyên Bộ trưởng nên thành lập tờ báo để có tiếng nói. Hỏi đồng hương, nhà báo Hồng Vinh mách: “Nếu anh xin được Kim Quốc Hoa về thì có thể nhanh chóng ra báo mà không nhất thiết phải đầu tư tốn kém”.
Tôi đang duyệt bài ở trụ sở 73 Nguyên Hồng thì có cuộc điện thoại của ông Vũ Hải – Vụ trưởng vụ Tổ chức – Lao động. Thế rồi, cuối giờ chiều hôm ấy (vào một ngày cuối tháng 12/1996), ông Ngô Văn Viện, cán bộ Vụ Tổ chức – Lao động đánh xe biển xanh đến đón tôi, mời khoảng 17 giờ đến gặp Bộ trưởng Ngô Xuân Lộc. Ngồi đợi ở Phòng Tổng hợp 15 phút thì Bộ trưởng đi họp Chính phủ về. Tôi vào gặp ông trong căn phòng nhỏ có cửa sổ hướng tây và bàn ghế, thiết bị nội thất rất đơn giản. Chẳng cần nước nôi, ông vào đề luôn. Ông nói, còn hơn một năm nữa Bộ kỷ niệm 40 năm ngày truyền thống, cần có tờ báo là cơ quan ngôn luận và nói thẳng mời tôi về. Lần đầu tiên tôi gặp trực tiếp, cảm nhận ngài Bộ trưởng vẫn giữ phong thái, cách làm việc dáng dấp người chỉ huy công trường nên vào thẳng vấn đề chứ không vòng vo. Tôi cảm ơn và hứa, sẽ giúp Bộ trưởng viết bản đề án xuất bản tờ báo. Tôi nói: “Nếu đề án được chấp nhận thì bất cứ ai về làm Tổng biên tập, thực hiện đúng đề án đều có thể ra báo thuận lợi, không nhất thiết phải có bao cấp”.
Bìa số báo đặc biệt ra ngày 29/4/1998 đúng dịp kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Bộ Kiến trúc (nay là Bộ Xây dưng). |
Sau Tết âm lịch Đinh Sửu (1997), tôi trao Vụ Tổ chức – Lao động bản đề án đó. Bẵng đi đến tháng 5/1997, ông Vũ Hải và ông Vũ Duy Từ (Giám đốc Trung tâm Thông tin) đều gọi điện thoại cho tôi. Sau đó, lại một lần được đón đến gặp Bộ trưởng Ngô Xuân Lộc. Lần này, ông cho biết, Ban Cán sự đã họp nghe cơ quan trình bày đề án ra tờ báo, quyết nghị mời tôi về. Tôi chưa nhận lời vì ở Báo Lao động – Xã hội (tôi là thành viên sáng lập năm 1993) đang phát triển tốt, công việc thuận lợi, anh em rất quý mến tôi.
Một ngày cuối tháng 8/1997, Bộ trưởng Ngô Xuân Lộc gặp tôi lần thứ 3 tha thiết bảo tôi về. Thời điểm ấy, nhà báo Ngọc Niên – Phó tổng biên tập Báo Lao động – Xã hội ở phía Nam được điều động ra, tôi có thể rút khỏi cơ quan cũ. Anh Lộc họp Chính phủ gặp Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Trần Đình Hoan trao đổi, đề xuất. Sau đó, anh Hoan cho gọi, gặp tôi. Ông tỏ ý băn khoăn có ý muốn giữ nhưng nể anh Lộc, nói rằng sẵn sàng quyết định cho tôi chuyển, nếu tôi đồng ý. Ngày 01/10/1997, tôi được mời đến Bộ Xây dựng nhận quyết định tiếp nhận cũng là ngày Bộ trưởng Ngô Xuân Lộc bàn giao cho Thứ trưởng thường trực Nguyễn Mạnh Kiểm để lên làm Phó Thủ tướng.
Tôi về Bộ Xây dựng lơ ngơ, lạ lẫm, chưa có người thân. Vụ Tổ chức – Lao động và Chánh Văn phòng Bộ cứ băn khoăn không biết biên chế tôi vào Cục, vụ nào, ngồi ở đâu. Cuối cùng, tôi được “bổ nhiệm” chức Phó giám đốc Trung tâm Thông tin (tồn tại 2 tháng). Ngồi “nhờ”, tôi chỉ nghiên cứu tài liệu của Bộ tại Trung tâm, cặm cụi soạn Đề cương xuất bản cơ quan báo chí, xác định tôn chỉ mục đích, thể thức xuất bản… Trong đó, về tài chính chỉ xin Bộ cấp 60 triệu đồng để mua văn phòng phẩm, 1 máy ảnh, lắp 1 điện thoại bàn, mua 1 bộ bàn ghế. Năm 1993, khi làm đề án ra báo của Bộ LĐTB&XH chúng tôi cũng chỉ xin Bộ cấp ban đầu 60 triệu đồng. Vậy mà nhiều năm, hàng tuần ra báo ngon lành. Tôi áp dụng cơ chế đó đối với Báo Xây dựng, không yêu cầu Bộ cấp lương và hỗ trợ xuất bản. Biết tôi sẽ chủ trì tờ báo mới, một số anh em quen thân muốn đầu quân.
Sau 2 tháng xây dựng phương án, làm các văn bản để Bộ ký trình lên Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hoá – Thông tin (nay là Bộ TT&TT), ngày 03/12/1997, Bộ trưởng Bộ Văn hoá – Thông tin Trần Hoàn ký Quyết định số 3759/BC-GPXB cấp giấy phép xuất bản báo chí với tôn chỉ mục đích, thể thức, đối tượng, phạm vi phát hành như trong Đề án. Nhận được giấy phép, tôi mời 7 – 8 phóng viên về đầu quân (tự nguyện thời kỳ đầu không nhận lương). Bộ điều cho 2 nhân viên (dư biên chế) về làm kế toán, lái xe. Văn phòng Bộ “nhặt” từ gara ôtô ra chiếc xe LADA đời những năm 60 thế kỷ trước, vốn là xe của lãnh đạo Bộ từng dùng trước đây (anh em Đội xe cho biết nếu thanh lý chỉ khoảng 10 triệu đồng) cho báo có phương tiện. Văn phòng Bộ không tìm đâu ra trụ sở làm việc nên “bốc” đi mấy chiếc xe cũ rách (để từ lâu) ra khỏi một gian gara (hơn 40 m2) ẩm mốc, hôi hám, (cao to như Ngô Văn Phước bước vào phải cúi người) để báo làm trụ sở. Tôi và anh em ra công quét dọn, lau chùi, tẩy rửa. Được biết hành lang trên tầng 3, tầng 4 có một số bàn ghế các Cục, Vụ thải ra, anh em lên xin về kê làm việc. 60 triệu đồng Bộ cho là tiền ngân sách phải chi đúng mục đích. Tết Mậu Dần (1998) ập đến, gần 10 cán bộ, phóng viên mới về không có lương. May mắn chị Nguyễn Kim Thoa – Phó giám đốc Trung tâm Thông tin (phụ trách tài chính) thông cảm cho vay 20 triệu đồng để chi cho anh em có cái tết (tháng 4/1998 trả xong nợ Trung tâm).
Chúng tôi hăm hở vào cuộc. Từ Tổng biên tập đến các phóng viên đều “ngố” về lĩnh vực chuyên ngành. Những tên gọi như xi măng lò đứng, lò quay, gạch ceramic, khoan cọc nhồi, bê tông dự ứng lực… có biết gì đâu. Thế rồi cứ lao vào công việc, cứ lân la làm quen các Cục, Vụ, Viện, đơn vị cơ sở. Các phóng viên hăng hái đến các Tổng công ty, các Sở Xây dựng nắm tình hình, học hỏi dân, khám phá và cứ hùng hục viết bài, chụp ảnh, làm tin. Ai nấy vui như Tết!
GS.TS Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Kiểm thấy quân cán báo lèo tèo, ít hơn Tạp chí nên băn khoăn. Ngày 24/02/1998, tôi gặp ông báo cáo cần có bài của Bộ trưởng trên số báo đầu. Ông hỏi: “Liệu đến ngày kỷ niệm 40 năm cậu có ra được số báo đó không?” Tôi báo cáo sẽ cố gắng phấn đấu. Ông Bộ trưởng cười: “Cậu hứa với tớ rồi đấy nhé!”.
Thế rồi, không đợi đến ngày truyền thống 40 năm của Bộ (29/4/1958 – 29/4/1998) mà ngày 24/3/1998 (trước 01 tháng 5 ngày), Báo Xây dựng đã xuất bản số đầu có nội dung phong phú, in đẹp, dày dặn như số báo Tết. Trong đó, có bài “Phát huy các công cụ quản lý vĩ mô và sức mạnh tổng hợp” của GS.TS Nguyễn Mạnh Kiểm. Đồng thời đăng thư của Bộ trưởng chúc mừng báo nhan đề: “Luôn luôn đổi mới nội dung và hình thức theo định hướng đúng, hay và đẹp. Sau đó đều đặn xuất bản hàng tuần. Đúng dịp kỷ niệm 40 năm của ngành, Báo Xây dựng lại phát hành số đặc biệt nữa, dày dặn, phong phú hơn số đầu, ngoài nội dung kinh tế – xã hội, về chiến lược công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hoạt động của cơ quan, cơ sở là nhiều trang quảng cáo của các doanh nghiệp, các Sở Xây dựng trở thành nguồn lực nuôi sống cơ quan báo chí non trẻ của ngành. Sau khi Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Kiểm nghỉ, tôi cũng xin thôi chức Tổng biên tập. Rời Bộ Xây dựng tôi tiếp tục hoạt động gần 20 năm ở các cơ quan: Báo Văn nghệ (hơn 3 năm) làm Tổng biên tập Tạp chí Đầu tư nước ngoài và Báo Người cao tuổi. Ở đâu, tôi cũng vận dụng kinh nghiệm ở Báo Lao động – Xã hội và Báo Xây dựng để đạt sự thành công.
Thắm thoát thế mà đã 25 năm!
Ngày nay, Báo Xây dựng giữ vững là một kênh truyền thông quan trọng của Bộ Xây dựng. Sự phát triển của báo đang mạnh lên nhất là về điện tử, về quảng bá thương hiệu và về quan hệ quốc tế với báo cùng ngành của Nhật Bản, thật đáng trân trọng. Nhiều gương mặt cán bộ, phóng viên đương nhiệm góp sức từ thời kỳ đầu do tôi phụ trách nay trưởng thành về năng lực và trí tuệ. Một số chuyển đi trở thành những cán bộ lãnh đạo các cơ quan báo chí khác, khẳng định Báo Xây dựng là một địa chỉ sáng giá trong làng báo Việt Nam.
Một phần tư thế kỷ qua là chặng đường phát triển, một quá trình “lao tâm khổ tứ” của cán bộ, biên tập viên, phóng viên, nhân viên Báo Xây dựng để có được thành quả như ngày nay. Và với tôi, cái thuở ban đầu ấy mãi mãi khắc sâu trong cõi lòng và trái tim mình.
Nguồn: Báo xây dựng