Đảm bảo cho ngư dân vươn khơi, bám biển, giữ vững chủ quyền
Đảm bảo cho ngư dân vươn khơi, bám biển, giữ vững chủ quyền
Hiện nay, trước sự dịch chuyển chiến lược từ không gian đất liền ra không gian biển, nhiều quốc gia đã tiến hành hoạch định chiến lược biển của nước mình với rất nhiều các giải pháp để bảo vệ chủ quyền, cũng như lợi ích chính đáng của quốc gia.
Những năm qua, Đảng Nhà nước ta có nhiều chủ trương, chính sách phát triển ra hướng biển, từ đó các tỉnh, thành đã tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chính phủ về phát triển kinh tế biển, từng bước đảm bảo cho ngư dân vươn khơi, bám biển, giữ vững chủ quyền
Hiện nay, trước sự dịch chuyển chiến lược từ không gian đất liền ra không gian biển, nhiều quốc gia đã tiến hành hoạch định chiến lược biển của nước mình với rất nhiều các giải pháp để bảo vệ chủ quyền, cũng như lợi ích chính đáng của quốc gia. Trong đó, có việc đẩy mạnh phát triển ngành nghề khai thác, đánh bắt thủy, hải sản.
Theo đó, chúng ta đã có nhiều cơ chế, chính sách phù hợp để hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển được an toàn và hiệu quả; thực hiện việc lồng ghép các nguồn vốn, các chương trình mục tiêu quốc gia trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng biển. Đầu tư nâng cấp, hiện đại hóa các cảng cá, các khu neo đậu tránh trú bão, các khu hậu cần dịch vụ nghề cá, khu dân cư ven biển, trên các đảo và ưu tiên phát triển kinh tế biển đúng với tiềm năng.
Trong chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển, ngư dân chính là lực lượng không thể thay thế trong thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân trên biển. Từ đó có chính sách khuyến khích, cũng như định hướng, tạo điều kiện để các địa phương tổ chức các đội tàu khai thác với công suất phù hợp và các đội tàu dịch vụ cung ứng hậu cần nghề cá trên biển, có chính sách thu hút các thành phần kinh tế, doanh nghiệp tham gia đầu tư và khai thác, chế biến và nuôi trồng thủy, hải sản.
Bên cạnh đó, là các chính sách tín dụng đặc thù tập trung đầu tư, hỗ trợ nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất và đời sống cho ngư dân. Trước tiên đó là các chính sách phù hợp với đặc điểm sản xuất của ngư dân, đảm bảo ngư dân tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ và có điều kiện trả vốn vay hợp lý. Kết hợp việc hỗ trợ vốn vay với hỗ trợ cải thiện phương tiện tàu thuyền, ngư cụ khai thác, chế biến để nâng cao hiệu quả sản xuất.
Ngoài ra, các địa phương có biển đã kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế biển, đảm bảo cho ngư dân vươn khơi, bám biển với thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược Bảo vệ biên giới quốc gia; tích cực, chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời điều chỉnh, bổ sung kế hoạch bảo vệ biên giới vùng biển; phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, các lực lượng nhằm huy động các nguồn lực, bảo đảm chặt chẽ giữa mục tiêu phát triển kinh tế biển gắn với nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển và lợi ích quốc gia trên các vùng biển, an ninh trật tự trên biển để phát triển bền vững kinh tế biển.
Đơn cử như tại tỉnh Bạc Liêu, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã và đang thực hiện nhiều chính sách pháp luật, nhiều giải pháp về phát triển kinh tế biển như: Nghị định 30/2001/NĐ-CP, Nghị định 130/2015/NĐ-CP của Chính phủ về huy động nhân lực, phương tiện, tàu thuyền và phương tiện dân sự tham gia bảo vệ chủ quyền các vùng biển; Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng thủy hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa; Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy, hải sản.
Từ đó, tạo ra những động lực mới quan trọng để ngư dân địa phương có điều kiện nắm bắt cơ hội, tăng cường đầu tư các loại máy móc, trang thiết bị đánh bắt thủy, hải sản; đầu tư hiện đại hóa tàu, thuyền vươn ra đánh bắt xa bờ… Tất cả các yếu tố trên đã góp phần giúp cho ngư dân gia tăng được nguồn thu, cũng như hiệu quả từ kinh tế biển. Đặc biệt, đây cũng chính là điểm tựa vững chắc để bà con nhân dân nơi đây có thể vươn lên thoát nghèo, dần dần phát kinh tế hộ gia đình ngày khá giả, cuộc sống ấm lo hạnh phúc hơn.
Trong khi đó, đối với các tỉnh thành ven biển khác của Việt Nam cũng thường xuyên quan tâm, chỉ đạo các ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc và các lực lượng có liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân địa bàn về vị trí, tầm quan trọng của kinh tế biển.
Cùng với đó, trên thực địa cơ quan chức năng các địa phương còn triển khai các lực lượng tổ chức công tác phối trong việc tuần tra trên biển, nhằm bảo vệ các hoạt động khai thác hợp pháp của ngư dân Việt Nam. Đặc biệt các lực lượng luôn trong tư thế sẵn sàng để có những hỗ trợ kịp thời và tốt nhất khi cần thiết, qua đó góp phần giúp ngư dân của nước ta an tâm hơn, vững tin hơn trong việc vươn khơi, bám biển, phát triển bền vững ngành đánh bắt thủy, hải sản.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị