Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương: Có không những bất cập khiến nhiều cán bộ, giảng viên bức xúc?
Áp dụng định mức giờ dạy không phù hợp?
Theo đơn phản ánh của tập thể cán bộ, giảng viên, đang công tác tại Trường ĐHSP NTTƯ, từ năm 2012, khi trường áp dụng hình thức đào tạo theo tín chỉ, thì đã có Thông tư 18/2012/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chế độ làm việc đối với giảng viên các ngành Nghệ thuật, Sư phạm Âm nhạc và Sư phạm Mỹ thuật.
Theo đó, mỗi giờ dạy của giảng viên trên lớp là 50 phút, được tính bằng 1,1 giờ chuẩn (giờ chuẩn được tính là 45 phút), sau đó được tính tương đương là 1 giờ chuẩn.
Cán bộ, giảng viên trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương bức xúc trước các quyết định của Ban Giám hiệu nhà trường |
Khi Thông tư 47/2014/TT-BGDĐT được ban hành, thay thế Thông tư 18/2012, mỗi giờ dạy trên lớp của giảng viên với 50 phút giảng dạy vẫn được tính tương đương với 1 giờ chuẩn. Đồng thời quy định định mức giảng dạy của một giảng viên trong năm học là 270 giờ chuẩn. Tuy nhiên, nhà trường lại để định mức giảng dạy cho tất cả giảng viên dạy chuyên ngành là 336 giờ chuẩn, vượt 66 giờ chuẩn so với quy định.
Khi Thông tư 47/2014 hết hiệu lực và được thay thế bằng Thông tư 20/2020/TT-BGDĐT thì Ban Giám hiệu trường lại áp dụng quy định định mức chế độ việc làm, quy định về giờ chuẩn mới khiến tập thể cán bộ, giảng viên bức xúc.
Cụ thể, mỗi giờ dạy trên lớp với các giảng viên môn chuyên ngành đặc thù như: Xướng âm, Chỉ huy, Hợp xướng, Nhạc cụ, Piano, Thanh nhạc… mỗi giờ dạy trên lớp với thời lượng 50 phút, chỉ được tính tương đương 2/3 giờ chuẩn; giảng viên bộ môn Đệm đàn làm việc 50 phút, được tính 1/2 giờ chuẩn.
“Nhà trường yêu cầu thực hiện định mức giờ dạy là 285 giờ chuẩn/giảng viên/năm, sau khi nhân với số giờ quy đổi thực tế theo nhà trường áp dụng, thì giảng viên Thanh nhạc phải thực hiện 427,5 giờ; giảng viên Đệm đàn phải thực hiện 570 giờ.
Là giảng viên của trường đào tạo về nghệ thuật, nhưng chúng tôi lại không được coi trọng, sức lao động của chúng tôi không được đánh giá công bằng. Việc áp dụng định mức giờ chuẩn như vậy là trái quy định”, một giảng viên phản ánh.
Nhiều bất cập trong kế hoạch đào tạo mới
Cũng theo phản ánh, khi đăng ký mã ngành đào tạo cho các chuyên ngành đặc thù như: Sư phạm Âm nhạc; Thanh nhạc chuyên ngành, Piano… thì khung chương trình đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt và thực hiện từ trước đến nay. Tuy nhiên, đối với sinh viên khóa 2022 – 2023, nhà trường đã đưa ra kế hoạch đào tạo năm học mới mà không lấy ý kiến từ các tổ bộ môn, tự động cắt số tiết thực hành trong một tín chỉ đào tạo của sinh viên xuống mức thấp hơn so với các khóa đào tạo trước đó.
Cụ thể, ngày 6/7/2022, Ban Giám hiệu trường có Quyết định 1232/QĐ-ĐHSPNTTW về việc ban hành Quy định quy mô lớp học, cũng như quy định số tiết học/tín chỉ… gây ra những bất bình đối với cán bộ, giảng viên và sự lo lắng về việc đảm bảo chất lượng đào tạo của sinh viên.
Ví dụ như với môn Nhạc cụ, Thanh nhạc chuyên ngành sư phạm âm nhạc và Thanh nhạc chuyên ngành, trước đây số tiết phải thực hiện là 28 tiết/tín chỉ; theo kế hoạch đào tạo mới, sinh viên các bộ môn này chỉ được học 25 tiết/tín chỉ…
Không dừng lại ở đó, ngày 9/12/2022, Ban Giám hiệu nhà trường lại có Quyết định 2565/QĐ-ĐHSPNTTW ban hành Quy định về việc thực hiện giờ dạy tín chỉ trình độ đại học (thay thế cho Quyết định 1232), một lần nữa cắt giảm thêm giờ học của sinh viên và tăng quy mô lớp.
Cụ thể, mỗi tín chỉ đào tạo quy định chỉ tính 15 giờ chuẩn; đồng thời, thay đổi việc quy định môn học chuyên ngành thành môn học tích hợp (tích hợp giữa lý thuyết và thực hành, khác với môn tích hợp theo hệ thống giáo dục). Theo đó, mỗi giờ dạy trên lớp chỉ được tính bằng 2/3 giờ chuẩn; do đó môn tích hợp sẽ phải thực hiện 22,5 tiết/tín chỉ. Như vậy, các môn chuyên ngành sẽ bị cắt số tiết học từ 28 tiết xuống còn 22,5 tiết.
Ngoài ra, Quyết định 2565 đã thay đổi quy mô lớp học làm ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học của giảng viên, sinh viên. Đơn cử như, môn Ký xướng âm, Nhạc cụ tự chọn, quy mô lớp đang là 14 – 15 sinh viên/tiết (được tính bằng 1 giờ chuẩn); nay giảng viên phải dạy 24 – 25 sinh viên/tiết (mới được tính bằng 1 giờ chuẩn); Môn Thanh nhạc, Nhạc cụ, quy mô lớp đang là 2 sinh viên/tiết, quy đổi thành 1 giờ chuẩn; nay chuyển thành 3 sinh viên/lớp, tương đương tính 1 giờ chuẩn…
“Việc cắt giảm giờ dạy, tăng quy mô lớp… không chỉ ảnh hưởng đến sức lao động của cán bộ, giảng viên, mà còn ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo sinh viên”, cán bộ, giảng viên bức xúc phản ánh…
Không chỉ có những bất cập trong kế hoạch đào tạo toàn khóa năm học 2022 – 2023; theo phản ánh của cán bộ, giảng viên; thời gian qua, việc quản lý thu – chi tại nhà trường đang có những chi tiết cần được làm rõ. Đơn cử như, đối với môn Chương trình nghệ thuật biểu diễn (14 tín chỉ, học phí là 5,3 triệu đồng), mặc dù sinh viên không được học, giảng viên không dạy, nhưng sinh viên vẫn có điểm?
Đặc biệt, nhà trường còn có dấu hiệu cho thuê địa điểm kinh doanh quán cà phê, trường học, cửa hàng vi tính… tại Khu C sai quy định; bên cạnh đó, năm 2022 và 2023, Ban Giám hiệu nhà trường cũng chưa tổ chức Hội nghị cán bộ công chức, viên chức, người lao động…
Liên quan đến vụ việc này, sau khi tiếp nhận đơn kiến nghị của tập thể người lao động Trường ĐHSP NTTƯ, ngày 3/3/2023 Ủy ban kiểm tra Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có công văn số 31/UBKT về việc chuyển đơn của người lao động gửi Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nội dung công văn nêu: Ngày 28/2/2023, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhận được đơn kiến nghị của tập thể giảng viên công tác tại trường ĐHSP NTTƯ về việc áp dụng Thông tư 20/2020/TT-BGDĐT; Thông tư 17/2021/TT-BGDĐT và các vấn đề liên quan tại Trường ĐHSP NTTƯ…
Căn cứ Quyết định số 333/QĐ-TLĐ của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn quy định về việc Công đoàn giải quyết và tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo, Ủy ban kiểm tra Tổng Liên đoàn chuyển đơn kiến nghị của tập thể giảng viên Trường ĐHSP NTTƯ đến Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.
Báo Lao động Thủ đô sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Nguồn: Báo lao động thủ đô